Chuyến tàu bí mật

Thứ Hai, 02/04/2018, 11:03
Tân Hoa xã cho biết, trong hai ngày 29 và 30-3, ông Dương Khiết Trì - đại diện đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - tới thăm Hàn Quốc.

Mục đích chuyến đi không được thông báo, nhưng những gì vừa diễn ra sau chuyến đi bí mật tới Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cho thấy Trung Quốc đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Đoàn tàu màu xanh

Cho tới trước ngày 28-3 dư luận không hề hay biết về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cho đến khi các hình ảnh chụp lén về đoàn tàu bí ẩn của nhà lãnh đạo Triều Tiên được tung ra cùng với sự thắt chặt an ninh ở thủ đô Trung Quốc. Vì sao các chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo Triều Tiên đều bí mật đến phút chót?

Thông tin đầu tiên về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Bắc Kinh rộ lên vào tối 26-3 trên các phương tiện truyền thông quốc tế và mạng xã hội Trung Quốc sau khi hình ảnh đoàn tàu sơn màu xanh chở theo nhà lãnh đạo Kim Jong-un, phu nhân Ri Sol-ju đi qua thành phố biên giới Đan Đông.

Và chỉ sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un an toàn trở về nước một ngày, hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc mới xác nhận có cuộc hội đàm cấp cao hai bên và công bố hình ảnh. Giới quan sát quân sự cho rằng việc giữ bí mật chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Bắc Kinh tuân theo truyền thống của những đời lãnh đạo trước đó.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng bình luận, các biện pháp thắt chặt an ninh trong chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo Kim Jong-un giống hệt với các lần tăng cường an ninh trước khi cố lãnh đạo Kim Jong-il tới Bắc Kinh. “Việc giữ bí mật hành trình của các nhà lãnh đạo Triều Tiên là chuyện thông thường”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa xã.

Trong khi đó, bình luận về chuyến thăm bí mật này, tờ The Wall Street Journal có bài viết cho rằng, thông qua chuyến thăm bí mật tới Bắc Kinh, ông  Kim Jong-un đã có những bước đi thăm dò đầu tiên lên vũ đài ngoại giao thế giới. Theo bài viết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thủ đô của Trung Quốc với tư thế mạnh hơn. Đây là thời cơ lý tưởng để Triều Tiên thúc đẩy hàn gắn và cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nâng cao vị thế của bản thân khi bước vào đàm phán với Washington.

Cho tới tận ngày 27-3, vẫn chưa có thông tin gì chính thức về đoàn tàu màu xanh. Trang mạng tổ hợp truyền thông SBS của Australia ngày 27-3 cho biết đã có tin đồn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đang ở thăm Trung Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền. Truyền thông Nhật Bản đưa tin một chuyến tàu chở một quan chức cấp cao từ Triều Tiên đã đến Bắc Kinh, dẫn đến đồn đoán rằng nhà lãnh đạo của Bình Nhưỡng có thể đã ở trên chuyến tàu này.

Một đoạn hình ảnh đăng trên trang mạng của kênh truyền hình Nippon TV chiếu cảnh phát ngôn viên đang miêu tả một toa xe lửa màu xanh lá cây sơn sọc ngang màu vàng, một phần của đoàn tàu gồm 21 toa, tương tự như loại mà cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il từng sử dụng khi đi thăm Bắc Kinh vào năm 2011.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến thăm Trung Quốc trong một động thái được xem là chuyến công du nước ngoài đầu tiên được biết đến của nhà lãnh đạo này kể từ khi nắm quyền lực hồi năm 2011. Tuy nhiên, Bloomberg nói rằng chi tiết của chuyến đi này không được công bố. Còn hãng tin Reuters không thể kiểm chứng tức thời tin này.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo thường ngày về các bản tin liên quan “vị khách quan trọng” đã tới Đan Đông, thành phố biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Óanh nói bà không được biết về tin này. Không ai trả lời điện thoại tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh vào đêm 26-3.

Dinh Tổng thống Hàn Quốc thông báo: “Chính phủ Hàn Quốc đang liên lạc chặt chẽ với các quốc gia liên quan và đang theo sát tình hình”. Khi được hỏi liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có mặt tại Trung Quốc hay chưa, người phát ngôn Nhà Trắng Raj Shah đáp: “Chúng tôi không thể xác minh những thông tin này”.

Trong khi đó, trên mạng xã hội, người dân ở vùng biên giới Đan Đông nói rằng an ninh được tăng cường tại ga tàu hỏa ở Đan Đông và có những đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Kim sắp đi qua đây. Tại Bắc Kinh, vào giữa chiều 26-3, cảnh sát đã yêu cầu tất cả khách du lịch rời khỏi quảng trường Thiên An Môn, điều thường chỉ xảy ra khi có các cuộc họp quan trọng diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân.

Cũng vào chiều tối 26-3, Cục Đường sắt Bắc Kinh loan báo trên trang microblog, mà không cho biết lý do, vì sao các chuyến tàu sẽ bị trì hoãn tới nhiều nhất là hai tiếng đồng hồ trong khu vực Bắc Kinh. Chiều cùng ngày, các phóng viên của Reuters trông thấy một đoàn xe dài, gồm một chiếc Limousine tối màu, chạy trên đại lộ Trường An về hướng Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài và được cảnh sát chạy xe mô tô hộ tống.

Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói với Reuters rằng “khó có thể loại trừ khả năng” nhà lãnh đạo Kim đang ở thăm Bắc Kinh, song lại không thể xác nhận thông tin. Một số nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng họ có nghe tin đồn Kim Jong-un đang ở thăm Bắc Kinh nhưng tin này không thể được xác nhận.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón trọng thị nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.

Bước ngoặt mới

Cho đến ngày 28-3, báo chí chính thống Trung Quốc mới chính thức đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm tới Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi nhậm chức năm 2011 và được giới phân tích nhận định nhằm chuẩn bị cho các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn Quốc - Triều Tiên và Mỹ - Triều Tiên, dự kiến diễn ra lần lượt trong tháng 4 và tháng 5 tới.

Hai nội dung được báo chí Trung Quốc đưa tin trong cuộc hội đàm tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong-un là về quan hệ song phương và tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Một số tờ báo cho biết, ngoài các hoạt động quan trọng với Chủ tịch Tập Cận Bình, tại Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã lần lượt có các cuộc gặp với những nhân vật quan trọng như Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Vương Hộ Ninh và Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn.

Ngay sau khi các thông tin được báo chí Trung Quốc đăng tải, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga đã hoan nghênh cũng như đánh giá tích cực cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc; bày tỏ hy vọng rằng điều này có thể thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter: “Trong nhiều năm và qua nhiều đời chính quyền, mọi người đều cho rằng hòa bình và việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, giờ đã có cơ hội tốt để nhà lãnh đạo Kim Jong-un làm điều đúng đắn cho người dân nước này và nhân loại”.

Phát biểu trong phiên họp của một ủy ban quốc hội, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhắc lại tầm quan trọng của việc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân sau cuộc gặp mang tính bước ngoặt giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên là bước đi quan trọng để thúc đẩy diễn biến tích cực trên Bán đảo Triều Tiên.

Giới chuyên gia đánh giá chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Trung Quốc đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn là những đồng minh thân cận và ông Kim Jong-un muốn có được sự ủng hộ từ phía Bắc Kinh trước các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều và Mỹ - Triều.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫy tay chào qua cửa sổ đoàn tàu đưa ông tới Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Thời điểm đặc biệt

Tại sao phải tới khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un kết thúc chuyến thăm tới Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, những bí mật về sự hiện diện của đoàn tàu bọc sắt đi từ Triều Tiên tới Bắc Kinh mới được các kênh thông tin chính thống của Trung Quốc thông báo. Điều này cho thấy tính chất cực kỳ quan trọng và nhạy cảm của chuyến đi này.

Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng chuyến thăm diễn ra vào “thời điểm đặc biệt và có ý nghĩa quan trọng” bởi nó “thể hiện rõ ràng tầm quan trọng” mà nhà lãnh đạo Triều Tiên dành cho mối quan hệ giữa hai nước.

Rõ ràng, chuyến thăm đặc biệt này cho thấy sự bảo đảm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng, Triều Tiên biết cách cân bằng quan hệ Triều Tiên - Mỹ; Triều Tiên - Trung Quốc, điều mà Trung Quốc luôn lo ngại sự tiến triển quá nhanh sẽ không tiến tới một thỏa thuận với Mỹ mà có nguy cơ gây tổn hại cho các lợi ích của Trung Quốc.

Nhìn lại tiến trình chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể thấy rõ, Bắc Kinh gần như trước đó đã bị gạt ra ngoài lề các diễn biến giữa Bình Nhưỡng, Seoul và Washington. Chuyến thăm quan trọng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa Trung Quốc trở lại đúng với vai trò của họ. Kết quả chuyến thăm cũng cho thấy Trung Quốc và Triều Tiên đã cùng nhìn về một hướng khi cùng lường trước hậu quả xấu nhất.

Trung Quốc là đối tác thương mại và kinh tế hàng đầu của Triều Tiên. Trong bối cảnh bị phương Tây bao vây, cô lập, không khó hiểu khi Triều Tiên cần Trung Quốc. Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc cũng cho thấy Triều Tiên coi trọng vai trò của Trung Quốc và đánh giá cao tầm quan trọng của mối quan hệ này. Chuyến đi cũng là thông điệp quan trọng mà Bình Nhưỡng muốn đưa ra khi cần có một sự đảm bảo trước thềm cuộc gặp cấp cao sắp tới với Tổng thống Trump. Triều Tiên hiểu rằng cuộc gặp tới đây rất quan trọng nhưng cũng đầy rủi ro và không thể nói trước điều gì, đặc biệt với một vị tổng thống đầy bất ngờ như Tổng thống D.Trump.

Ông Kim Jong-un và phu nhân chụp ảnh cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân. Ảnh: Reuters.

Nhìn ở góc độ rộng lớn hơn, chuyến đi này là một thành công ngoại giao vô cùng quan trọng khi Triều Tiên đã tính tới những thất bại ngoại giao có thể xảy ra và hậu quả cuối cùng chính là lựa chọn tấn công quân sự mà Mỹ từng tuyên bố. Như đánh giá của các chuyên gia: Một mối quan hệ ổn định và tích cực giữa Triều Tiên với Trung Quốc sẽ khiến Mỹ phải cân nhắc khi phát động một cuộc tấn công quân sự.

Đúng như phân tích của một số học giả phương Tây, sự bảo đảm của Trung Quốc là cực kỳ quan trọng trước thời khắc quan trọng. Ngoài ý nghĩa chính trị, có thể thấy rất rõ, sự “mở lòng” của Triều Tiên trước thời điểm trọng đại với Mỹ còn hướng tới mục đích lớn hơn, từng bước nới lỏng vòng vây và các đòn trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm

Cuộc gặp bất ngờ giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này đánh dấu lần đầu tiên ông Kim bước ra khỏi đất nước kể từ khi lên nắm quyền.

Một số nguồn tin rò rỉ từ Triều Tiên cho biết, sau cuộc gặp trên, cuộc gặp tiếp theo của nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Khu vực phi quân sự hóa (DMZ). Tiếp theo sẽ là cuộc gặp khó khăn nhất trong số tất cả các cuộc gặp, cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Xen giữa các cuộc gặp trên, các nguồn tin cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang cân nhắc việc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Các quốc gia này đều có liên quan mật thiết tới tiến trình đàm phán 6 bên. Điều này chỉ ra rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn chủ động tháo ngòi căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và không muốn Triều Tiên bị cô lập.

Có thể thấy rõ, nếu Triều Tiên bình thường hóa quan hệ được với tất cả các nước trên, cơ hội phát triển kinh tế đã nhìn thấy rất rõ, bởi những nước này là những cường quốc hàng đầu về kinh tế. Điều này cũng cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn đưa đất nước phát triển theo hướng mới. Cho dù chưa có thông tin nào được xác thực, Nhiều câu hỏi còn để ngỏ, nhưng căn cứ vào những gì đang xảy ra, một kịch bản với nhiều gam màu tươi sáng trên Bán đảo Triều Tiên đang từng bước hé lộ.

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim khiến cả thế giới bất ngờ và nó chứng minh Trung Quốc vẫn là một thế lực rất quan trọng. Mặc dù Trung Quốc ủng hộ lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Triều Tiên, song hai nước vẫn đang duy trì quan hệ song phương tốt đẹp.

Hòa Nguyễn
.
.