Chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Thủ tướng Iraq: Ai cần ai?

Thứ Hai, 10/08/2009, 21:40
Đây là lần đầu tiên, ông Nouri al-Maliki gặp Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Bất chấp những bất đồng cũng như lo lắng từ phía Mỹ trong vấn đề hòa giải dân tộc tại Iraq, hai nhà lãnh đạo đã cùng thể hiện quyết tâm tìm kiếm một sự ổn định lâu dài cho Iraq.

Chuyến thăm Mỹ 4 ngày của Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki (từ ngày 22 đến 26/7) diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng đang rất quan ngại về tình hình hòa giải dân tộc tại quốc gia mà họ đã đem quân đến "giải phóng" cách đây 6 năm.

Dư luận thế giới đã phải chờ đợi 9 tháng (kể từ ngày Barack Obama được bầu làm Tổng thống Mỹ) để được chứng kiến cuộc gặp đầu tiên tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Nouri al-Maliki. Ngay cả trước đó hai nhà lãnh đạo đạo gặp nhau tại Baghdad, nhưng rõ ràng hồ sơ về Iraq hiện không còn là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Obama.

Trên phương diện quân sự, người Mỹ hiện đang tập trung mọi cố gắng của mình vào chiến trường Afghanistan. Còn về mặt địa-chính trị, quan tâm số 1 của Mỹ hiện là vấn đề hạt nhân Iran. Bên cạnh đó, Chính phủ Iraq và đặc biệt là Thủ tướng Nouri al-Maliki luôn tìm cách từng bước thoát khỏi sự bảo trợ của Mỹ. Sự bảo trợ ấy dưới con mắt người Iraq đôi khi giống như một sự can thiệp sâu sắc của Mỹ vào công việc nội bộ đất nước Vùng Vịnh này.

Trong cuộc hội kiến với vị khách đến từ Trung Đông tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama tiếp tục chỉ trích sự chậm trễ trong chính sách hòa hợp dân tộc tại Iraq, mà cụ thể là Thủ tướng Nouri al-Maliki, vốn được củng cố quyền lực sau kỳ bầu cử địa phương hồi tháng 1/2009, vẫn chưa sẵn sàng cho việc tái sáp nhập các cựu thành viên đảng Baath của cố Tổng thống Saddam Hussein vào bộ máy chính trị của Iraq hiện nay.

Bàn cờ chính trị Iraq tại thời điểm này đang bị chia rẽ sâu sắc bởi các vấn đề sắc tộc. Chính phủ Mỹ, gồm cả thời Tổng thống Bush và bây giờ là thời của Obama, vẫn luôn nhấn mạnh rằng việc hòa hợp dân tộc là một yếu tố tiên quyết để có được một sự ổn định lâu dài cho Iraq.

Số phận vùng Kirkouk (phía bắc Iraq) là một minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này. Người Kurds từ lâu đã đòi sáp nhập vùng Kirkouk vào khu vực tự trị của họ. Chính quyền trung ương thì lại luôn phản đối đề xuất này với hai lý do chính: Lý do thứ nhất liên quan tới khối lượng dự trữ dầu mỏ tại vùng này (chiếm tới 13% tổng trữ lượng dầu mỏ của cả nước). Thứ hai, Chính phủ Iraq lo sợ rằng việc sáp nhập trên có thể sẽ mở màn cho những bất ổn mới do trong vùng Kirkouk có nhiều người Arập và Turkomans sinh sống. Những người này vốn không được người Kurds chào đón.

Mới đây, Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về khả năng có nên sáp nhập vùng Kirkouk vào khu vực tự trị của người Kurds hay không có thể sẽ đẩy đất nước Iraq vào một cuộc nội chiến mới.

Ngoài vấn đề về đoàn kết dân tộc, hòa hợp sắc tộc, sự ổn định của Iraq còn tùy thuộc một phần vào khả năng của các lực lượng cảnh sát và quân đội Iraq trong việc đảm bảo vai trò thay thế quân đội Mỹ từ ngày 30/6 vừa qua.

Ngay cả khi tình hình an ninh trong 2 năm gần đây tại nước này đã có vẻ được cải thiện hơn trước, nhưng những cuộc tấn công khủng bố mới đây đã minh chứng cho sự mong manh của tình hình an ninh tại Iraq.

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki (phải) và Tổng thống Obama tại Nhà Trắng ngày 22/7/2009.

Cuộc tổng tuyển cử tại Iraq dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2010 sẽ là một phép thử lớn đối với quốc gia Vùng Vịnh này. Thủ tướng Nouri al-Maliki đang chờ đợi dịp này để chứng tỏ với người dân Iraq rằng ông chính là người mà người dân đang cần.

Giới phân tích cho rằng, từ nay đến lúc đó, ông Nouri al-Maliki vẫn rất cần dựa vào Mỹ, chí ít là để giúp đỡ phát triển kinh tế đất nước, vốn kiệt quệ sau 6 năm chiến tranh liên miên, cũng như giúp bình thường hóa với các quốc gia láng giềng.

Trong khi đó, về phía Mỹ, các nhà bình luận có chung quan điểm rằng Tổng thống Barack Obama vẫn luôn cần Iraq như một đồng minh để thứ nhất là đảm bảo nguồn cung cấp dầu lửa và thứ hai là để bảo đảm một sự ổn định tối thiểu trong một khu vực chiến lược của Mỹ nhưng đầy rẫy những nguy cơ bất ổn.

Trong một hoạt động khác nhân chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng Nouri al-Maliki đã có bài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc và yêu cầu tổ chức này giảm bớt các khoản đền bù mà Iraq phải trả cho Kuweit trong cuộc chiến xâm lược tiểu vương quốc này của quân đội Saddam Hussein năm 1990.

Phát biểu trước Tổng thư ký LHQ và đại diện 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ ngày 22/7 vừa qua, Thủ tướng Nouri al-Maliki nói: "Iraq hiện không còn là mối đe dọa đối với cộng đồng quốc tế và như vậy những biện pháp trừng phạt của LHQ đối với quốc gia này không còn cần thiết".

Trong một cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông sẽ làm hết sức để LHQ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iraq kể từ năm 1990 đến nay

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.