Chuyến thăm Nga của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy

Thứ Năm, 18/10/2007, 18:45
Trong 2 ngày 9 và 10/10, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã thực hiện chuyến thăm không chính thức nước Nga, nhằm tìm kiếm cơ hội thu hẹp bất đồng giữa 2 nước trong nhiều vấn đề, trong đó nổi bật nhất là vấn đề hạt nhân Iran và quy chế cho tỉnh Kosovo thuộc Serbia.

Chuyến thăm Nga của Tổng thống Sarkozy được giới báo chí thế giới đặc biệt quan tâm, không chỉ vì đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Sarkozy trên cương vị Tổng thống Pháp, mà còn vì nó diễn ra trong bối cảnh phương Tây do Pháp, Mỹ, Anh dẫn đầu đang thúc đẩy 2 việc: áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran mạnh tay hơn, và trao quy chế độc lập cho tỉnh Kosovo của Serbia.

Tổng thống Sarkozy đang muốn nước Pháp đóng vai trò chủ đạo trong cả hai cuộc vận động này, và chuyến “du thuyết” nước Nga - thành viên thường trực HĐBA (có quyền phủ quyết) khó thuyết phục nhất - được xem là một bước đi có ý nghĩa nhất.

Tiếp đón ông Sarkozy bằng một thái độ thân thiện, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm cho bầu không khí cuộc gặp giữa hai người trở nên ấm cúng, đến nỗi một số người đã bình luận rằng, quan hệ Nga - Pháp đã “ấm” trở lại sau vài tháng lạnh nhạt do quan điểm cứng rắn của ông Sarkozy khi mới lên cầm quyền.

Theo thói quen tiếp khách quý, Tổng thống Putin đã tự mình lái xe đưa Tổng thống Sarkozy đi thăm và dùng bữa tối tại tư dinh ở Novo Ogaryovo, ngoại ô Moskva vào chiều tối ngày 9/10. Tại đây, hai vị tổng thống đã nói chuyện không chính thức trong 3 giờ liền xoay quanh nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề Iran và Kosovo.

Hãng tin Interfax dẫn lời Tổng thống Putin phát biểu mở đầu cuộc nói chuyện: “Nước Pháp đã, đang và tôi hy vọng rằng sẽ tiếp tục là một trong những đối tác chính của chúng tôi ở châu Âu và trên thế giới”.

Tổng thống Sarkozy đáp lại bằng những lời khen tặng xã giao, và bày tỏ thiện chí “chúng tôi muốn hiểu nước Nga, muốn làm bạn với các bạn”.

Sang ngày 10/10, hai vị tổng thống đã tổ chức họp báo chung tại điện Kremlin, sau đó ông Sarkozy đi thăm và nói chuyện tại Trường đại học Kỹ thuật quốc gia Bauman ở Moskva, thăm một số tổ chức nhân quyền và nói chuyện về các vấn đề liên quan, trước khi cùng với Tổng thống Putin và Thị trưởng Moskva Yuri Luzhkov khánh thành Tượng đài kỷ niệm các chiến sĩ không quân Nga - Pháp hy sinh trong chiến tranh chống phát xít Đức.

Với cử chỉ này, Tổng thống Putin muốn nhắc nhở ông Sarkozy rằng trước đây Nga - Pháp từng “chung chiến hào” chống lại một kẻ thù chung, và hai nước cũng từng có các mối quan hệ truyền thống tốt đẹp trước đây.

Tuy nhiên, cuộc họp báo ngày 10/10 tại điện Kremlin đã cho thấy đằng sau những cử chỉ nồng ấm xã giao ấy, cách biệt khá xa giữa Pháp và Nga trong 2 vấn đề chính là Iran và Kosovo vẫn còn nguyên.

Tổng thống Putin ngay từ đầu đã tỏ quan điểm của Nga không ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ trao quy chế độc lập (đặt dưới sự giám sát của EU) cho tỉnh Kosovo, bất chấp sự phản đối của Serbia (đương nhiên nước này không đời nào chấp nhận một nghị quyết như thế). Vì vậy, ông Sarkozy hầu như không có cách nào để tranh thủ nước Nga đứng về phía Pháp.

Nguyên tắc “tôn trọng chủ quyền các nước” và “mọi nghị quyết hay quy chế của HĐBA LHQ đưa ra đều phải được cả Kosovo và Serbia đồng ý” của Nga hầu như là bức tường không thể vượt qua đối với Pháp (và cả phương Tây).

Về vấn đề Iran, quan điểm “áp đặt trừng phạt cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân” của ông Sarkozy cũng không đạt được tiến bộ nào. Ông đã không thể thuyết phục được nước Nga ủng hộ các biện pháp trừng phạt nặng hơn đối với Iran.

Thay vào đó, Tổng thống Putin đã tái khẳng định lập trường của Nga rằng, những biện pháp trừng phạt về kinh tế, chính trị (hạn chế các công ty đầu tư làm ăn ở Iran không quá 20 triệu USD/năm, cấm 23 quan chức cao cấp Iran đi lại các nước Mỹ và EU, phong tỏa tài sản của một số ngân hàng, đơn vị kinh tế của Iran ở châu Âu) và quân sự như đã nêu trong 2 nghị quyết HĐBA gần đây nhất (cuối năm 2006 và đầu năm 2007) đã quá đủ gây áp lực đối với Iran.

Vì vậy, những biện pháp nặng tay hơn nữa sẽ không những không cần thiết mà còn phản tác dụng, vì khi đó Iran sẽ bất chấp tất cả, sẽ càng gây khó khăn cho cộng đồng quốc tế, cụ thể là Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong việc triển khai các giải pháp ngoại giao mang tính hợp tác hiệu quả hơn.

Do đặc thù trong quan hệ giữa Nga với các nước vùng biển Caspien, đặc biệt là Iran, nên nước Nga có quan điểm và cách xử lý vấn đề hạt nhân của Iran khác hẳn Mỹ và EU, và hoàn toàn không ủng hộ quan điểm cứng rắn mà Mỹ, Anh và Pháp theo đuổi.

Tổng thống Putin nêu rõ, Nga chủ trương để cho IAEA đứng ra giải quyết vấn đề hạt nhân với Iran, do đó, Nga ủng hộ cách giải quyết của IAEA là cho Iran cơ hội để minh bạch tất cả các chương trình hạt nhân của nước này để nhận lại sự trợ giúp kỹ thuật của cộng đồng quốc tế trong việc phát triển năng lượng nguyên tử.

Vào ngày 16/10 tới, Tổng thống Nga Putin sẽ thăm chính thức Iran nhân chuyến đi dự hội nghị cấp cao các nước vùng biển Caspien. Đây là chuyến thăm gây chú ý nhiều trong dư luận phương Tây - nhất là các cường quốc đang gây áp lực với Iran trong vấn đề hạt nhân.

Dư luận cho rằng, chuyến thăm này không chỉ là động thái thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng giữa 2 nước trên nhiều lĩnh vực, mà còn được phương Tây là chuyến “làm việc” của Tổng thống Putin với Tehran về vấn đề hạt nhân

Văn Trương (tổng hợp)
.
.