Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ: Sắc màu mới cho mối bang giao

Thứ Hai, 02/02/2015, 10:15
Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama là nguyên thủ Mỹ đầu tiên tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ 26/1 với tư cách là khách mời đặc biệt của Tổng thống nước chủ nhà Pranab Mukherjee trong chuyến công du Ấn Độ 3 ngày, từ 25 đến 27/1, là một sự kiện đặc biệt, đánh dấu mối quan hệ đang ấm lên giữa hai nước.

Thực ra, mối quan hệ hợp tác song phương Mỹ - Ấn đã được tái khởi động ở mức độ cao hơn sau chuyến thăm Washington của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi diễn ra cách đây 4 tháng. Theo đó, chuyến thăm này của ông Obama, cùng những cuộc tiếp xúc cấp cao Mỹ - Ấn, được kỳ vọng sẽ đem lại sắc màu mới cho mối bang giao giữa hai nước.

Kỷ nguyên của "niềm tin mới"

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà trong ngày đầu tiên tới New Delhi, đáng kể nhất là việc nguyên thủ hai nước khai thông được bế tắc về thỏa thuận hạt nhân dân sự và thiết lập đường dây nóng ở cấp cao nhất. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm ở New Delhi, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nodi tuyên bố: Đã phá vỡ tình trạng bế tắc kéo dài 6 năm qua liên quan đến thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự song phương do điều khoản nghiêm ngặt của Ấn Độ về vấn đề pháp lý trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân.

Tổng thống Mỹ tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ.

Theo Thủ tướng Modi, thỏa thuận này là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ, là "trọng tâm trong hợp tác song phương", tạo ra những cơ hội mới trong hợp tác kinh tế và năng lượng sạch. Hai bên cũng đã ký hiệp định khung về hợp tác quốc phòng với thời hạn 10 năm cùng những thỏa thuận về phát triển máy bay không người lái, thiết bị cho máy bay vận chuyển quân sự trị giá hàng tỉ USD, cũng như hợp tác cắt giảm hydroflurocarbons, một chất gây hiệu ứng nhà kính từ ngành công nghiệp làm lạnh.

Bên cạnh đó, tất nhiên, hợp tác kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu. Hai bên đã cam kết tăng cường thương mại song phương gấp 5 lần, từ mức hiện tại 100 tỉ USD/năm. Sau nhiều năm đạt tăng trưởng thường niên hơn 8%, tăng trưởng GDP của Ấn Độ đã có dấu hiệu chững lại kể từ năm 2010 và rơi xuống dưới 5% vào năm 2013.

Để vực dậy nền kinh tế có dấu hiệu sụt sùi, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra nhiều kế hoạch bao gồm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tăng mật độ đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích hoạt động sản xuất thông qua chính sách "ngoại giao chủ động" mang đậm dấu ấn của Thủ tướng Modi.

Những chuyến đi, những cuộc tiếp xúc vừa qua của Thủ tướng Ấn Độ cho thấy, nước này đang đi theo con đường ngoại giao "không phân biệt đối tác", với mục tiêu cuối cùng là thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Về phía Mỹ, ứng xử với Ấn Độ như một đối tác tin cậy trong nền kinh tế toàn cầu cũng như trong các vấn đề quốc tế rõ ràng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ khi triển khai chiến lược tăng cường hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương.

Kế hoạch bảo vệ an ninh chưa từng có tiền lệ

New Delhi đã triển khai một lực lượng "khủng" để đảm bảo an ninh cho nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới. Khoảng 80.000 nhân viên an ninh, 20.000 cảnh sát vũ trang và dân quân, 15.000 máy quay giám sát, một đội mật vụ, 40 chó nghiệp vụ, radar trên không… được triển khai để bảo vệ cho Tổng thống Mỹ trong những ngày thăm Ấn Độ.

Trong ngày 26/6, lực lượng an ninh thậm chỉ còn đông hơn, tạo thành bức tường an ninh 7 lớp bảo vệ ông Obama, trong đó, lớp gần nhất sẽ do biệt đội bảo vệ và nhân viên mật vụ đảm nhiệm. Đây là một phần trong kế hoạch bảo vệ an ninh chưa từng có tiền lệ từ mặt đất đến không trung trong chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng. Cảnh sát Ấn Độ đã đóng cửa và canh giữ 71 tòa nhà cao tầng ở đại lộ Nhà vua Rajpath - nơi ông Obama theo dõi màn diễu binh hoành tráng nhân dịp Lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ. Ngoài ra, toàn bộ trung tâm tài chính New Delhi đóng cửa trong những ngày Tổng thống Mỹ ở đây.

Cũng để đảm bảo an ninh cho ông Obama, lần đầu tiên Ấn Độ đưa vào hoạt động Hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không trên vùng trời New Delhi, có khả năng phát hiện tên lửa bay đến ở khoảng cách 400km. Đây chỉ là biện pháp phòng ngừa vì vùng cấm bay được thiết lập tại New Delhi và các thành phố lân cận như Jaipur, Agra, Lucknow và Amritsar trong thời gian diễn ra diễu hành. Nhiều hệ thống phòng không cũng đã được lắp đặt ở các vị trí chiến lược để ngăn chặn các vụ xâm nhập.

Thêm vào đó, giới chức Ấn Độ cũng đã chấp nhận đề nghị của lực lượng an ninh Mỹ là mở rộng bán kính "vùng cấm bay" xung quanh Rajpath lên 400km cho lễ diễu binh năm nay.

Việc mở rộng vùng cấm bay khiến màn trình diễn ở tầm thấp của các máy bay quân sự Ấn Độ trong buổi lễ phải bị hủy. Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ đã lịch sự từ chối đề nghị của lực lượng bảo vệ an ninh cho ông Obama rằng chỉ có lính bắn tỉa Mỹ canh gác trên nóc các tòa nhà hướng về Rajpath. New Delhi lập luận rằng, lực lượng an ninh Ấn Độ đã được huấn luyện tốt và đủ khả năng bảo vệ các yếu nhân.

Cuối cùng, các lực lượng mật vụ Mỹ được vũ trang "tận răng" sẽ luôn theo sát cùng lớp bảo vệ chống đạn dành cho Tổng thống Obama. Ông Obama đã đến buổi diễu hành trên một chiếc xe siêu an ninh để bảo vệ các nguyên thủ. Lực lượng chuyên gia y tế Ấn Độ cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng trong suốt chuyến công du của ông Obama.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.