Chuyến thăm tâng công kể phần

Thứ Ba, 20/09/2011, 16:45

Ngày 15/9 vừa qua, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron đã đến Libya. Đây là chuyến công du đầu tiên của hai nguyên thủ quốc gia tới một Libya "hậu Gaddafi". Chẳng cần phải suy đoán nhiều cũng có thể thấy ngay được rằng đây là chuyến thăm nhằm tâng công kể phần vì Anh và Pháp là hai quốc gia đi đầu trong "sáng kiến" can thiệp vũ trang vào cuộc nội chiến Libya.

Cảnh tiếp đón của người dân Libya với hai vị "cứu tinh" này chẳng khác mấy so với cảnh người dân Afghanistan hay Iraq đón tiếp "quân giải phóng" phương Tây khi họ giúp lật đổ chế độ Taliban và Saddam Hussein. Theo mô tả của Hãng tin Reuters ngày 15/9, trên đường phố Tripoli xuất hiện rất nhiều dòng chữ được viết lên tường bằng sơn theo phong cách graffiti, bày tỏ sự cảm ơn đối với hai vị nguyên thủ, viết bằng tiếng Pháp ("Merci Sarkozy") và tiếng Anh ("Thank you Britain"). Tuy nhiên, trong không khí vui mừng chiến thắng ấy, phía Anh và Pháp vẫn không sao lãng đề phòng an toàn cho hai vị nguyên thủ của họ.

Về mặt an ninh, con đường từ sân bay Mitigua đến Tripoli được kiểm soát hết sức chặt chẽ. Khách sạn nơi hai vị nguyên thủ Pháp và Anh trú ngụ dày đặc cảnh sát. Khoảng 160 cảnh sát Pháp thuộc đơn vị chuyên bảo vệ các yếu nhân, và đơn vị tinh nhuệ RAID đã được huy động. Đây là giải pháp duy nhất, vì hiện nay Lybia không có cảnh sát. Những người thuộc phe nổi dậy tạm đảm nhiệm việc giữ an ninh trật tự, trong khi họ chưa hề được đào tạo. Riêng tại thủ đô Tripoli, các trận đánh chỉ mới chấm dứt cách đây ba tuần, và hầu như mọi người dân đều phải thủ sẵn cho mình một khẩu súng khi ra đường.

Về lịch trình, hai vị nguyên thủ Pháp và Anh đã gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng Quốc gia chuyển tiếp Libya (NTC) Moustapha Abdeljalil và Thủ tướng Mahmoud Jibril tại Tripoli. Sau đó hai ông Sarkozy và Cameron đã đến thăm một bệnh viện, trước khi phát biểu tại cuộc mít-tinh trên một quảng trường trung tâm của Benghazi, chiếc nôi của phong trào nổi dậy, và có các cuộc tiếp xúc với báo chí.

Hãy xem những gì báo chí Pháp nói về chuyến thăm của lãnh đạo họ tới Libya. Tờ Le Figaro số ra ngày 15/9 viết: "Được người dân Lybia xem là người hùng vì đã đứng về phía họ rất sớm, Tổng thống Pháp cho biết đã hành động vì công lý chứ không hề tính toán. ông Nicolas Sarkozy đảm bảo, hiện không có hiệp định nào giữa Pháp và chính quyền mới của Lybia để chia chác tài nguyên, và Paris cũng không hề đòi hỏi một ưu tiên nào cả. Tổng thống Sarkozy cũng kêu gọi các quốc gia đang chứa chấp các lãnh đạo của chế độ cũ đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy lùng, nên có thái độ hợp tác để những người này phải trả lời về các hành động của họ trước đây".

Từ trái sang phải: Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, lãnh đạo NTC Mustafa Abdel Jalil, Mahmoud Jibril và Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc họp báo tại Tripoli ngày 15/9.

Tuy nhiên, trên khắp thế giới người ta đang bàn tán về lá thư tai tiếng của NTC gửi Văn phòng Bộ trưởng Qatar và Tổng thư ký Liên đoàn Các quốc gia Arập. Thông điệp này do báo Pháp Liberation đăng tải một vài giờ trước khi khai mạc hội nghị quốc tế "Bạn bè của Libya" ở Paris hôm 1/9. Trong thư, những người nổi dậy Libya (mà bây giờ đã được nhiều nước công nhận là chính quyền hiện thực) hứa hẹn dành 35% lượng dầu khai thác ở Libya để đền đáp sự hỗ trợ của Pháp trong các hoạt động quân sự giành quyền lực.

Rõ như ban ngày thế mà ông Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé vẫn còn cãi cố: "Tôi chẳng hay biết gì về lá thư này. Tôi chỉ biết là NTC chính thức công bố rằng: đối với việc tái thiết đất nước, họ dành ưu tiên cho những ai ủng hộ  họ. Như vậy hoàn toàn hợp lý và công bằng. Chẳng phải chỉ riêng mình chúng tôi, Italia và Mỹ cũng có mặt ở đó. Công việc ở Libya rất tốn kém, nhưng đó là sự đầu tư cho tương lai". Bộ trưởng Công nghiệp và Năng lượng của Pháp, Eric Besson, cũng phủ nhận sự tồn tại của những hợp đồng đã ký kết với NTC, nhưng đồng thời cũng thừa  nhận tính chất hợp lý trong việc chuyển giao những vị trí hàng đầu trong khai thác dự trữ dầu mỏ ở Libya cho các hãng Pháp.

Theo giới quan sát, chuyến công du Libya của hai nhà lãnh đạo phương Tây có mục đích chính trị và kinh tế. Anh và Pháp đi đầu trong chiến dịch tấn công Libya do NATO phát động, nhằm lật đổ chế độ kéo dài suốt 42 năm của ông Gaddafi. Hiện nay, họ muốn nhấn mạnh rằng, quân nổi dậy đã giành phần thắng nhờ sự hỗ trợ của hai quốc gia đó. Paris và London hy vọng rằng, nhờ sự ủng hộ quân sự được dành cho Libya, họ sẽ nhận phần lớn dầu mỏ của nước này. Về phần chính quyền mới tại Libya, theo Reuters, các lãnh đạo của NTC hy vọng chuyến đi của ông Sarkozy và ông Cameron sẽ giúp Libya nhận được những khoản viện trợ để tái thiết đất nước.

Những nguồn tin ngoại giao cho hay hôm 14/9, Anh đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) một bản dự thảo nhằm bãi bỏ cấm vận đối với Tổng công ty Dầu mỏ quốc gia Libya cũng như Ngân hàng Trung ương của nước này, đồng thời hy vọng cuộc bỏ phiếu bãi bỏ những lệnh cấm vận đó có thể được tiến hành ngay trong tuần này. Riêng chính quyền London, ông Cameron cho biết đã trả lại khoản tiền 1 tỉ bảng Anh, và có thể giải tỏa thêm 12 tỉ nữa.

Tuy nhiên, cho dù Libya có nối lại được các hoạt động xuất khẩu dầu dưới chế độ mới thì một nền hòa bình cho nước này vẫn còn là chuyện xa vời, khi mà những nỗ lực săn lùng nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi vẫn chưa đem lại kết quả và phe nổi dậy thì vẫn chưa quét sạch được lực lượng trung thành với ông Gaddafi khỏi những thành trì cuối cùng ở Sirte và Banni Walid. Chiến dịch tấn công  Bani Walid lại bị hoãn trong hai ngày. Gần 1.000 chiến sĩ trung thành với Gaddafi đang bảo vệ thành phố này. Hỏa lực đại bác và những người thiện xạ không cho phe đối lập chiếm lấy thành phố này. Người dân Bani Walid rời khỏi thành phố, dòng người tị nạn ngày một gia tăng. ở Bani Walid sắp hết dự trữ lương thực, hệ thống cấp điện và nước bị hỏng, không có điện thoại liên lạc.

Ngày 14/9, quân nổi dậy đã dùng xe tăng, pháo binh và rocket để chiếm thành phố Sirte. Các tiểu đoàn của Gaddafi không chỉ giáng trả vụ tấn công mà còn phản công hiệu quả. Xét theo mọi việc, quân nổi dậy không thể chiếm Sirte nếu không có sự yểm trợ của không quân NATO.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (thứ hai, phải) và Thủ tướng Anh David Cameron (giữa) thăm các bệnh nhân tại Trung tâm y tế Tripoli ngày 15/9.

Liên minh châu Âu ngày 14/9 đã đề nghị cả hai phía chấm dứt bắn giết lẫn nhau, đặc biệt là lập tức dừng ngay những hành động giết hại những người lao động nhập cư từ vùng hạ Sahara và người Libya da màu, những người bị phe nổi dậy buộc tội chiến đấu dưới hàng ngũ của ông Gaddafi. Trong ngày 14/9, ông Gaddafi lại một lần nữa xuất hiện trên kênh truyền hình Arrai TV có trụ sở ở Syria (chỉ có giọng nói được phát trên nền hình ảnh cũ) kêu gọi HĐBA bảo vệ thành phố Sirte quê hương ông khỏi "những cuộc tấn công hung bạo" của NATO. Và hiện nay, Libya đang trở thành trung tâm hoạt động ngoại giao.

Như dự đoán, ngoài ông Sarkozy và ông Cameron, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đến Libya vào ngày 15/9. Mới đây, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Cận đông và Bắc Phi Jeffrey Feltman bất ngờ đến Tripoli. Xét theo mọi việc, mục đích chính của các chuyến đi đó -  làm sáng tỏ khả năng thực tế của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya.

Một điều đáng nói nữa là trong kế hoạch tái thiết Libya hậu chiến đang được phương Tây bàn thảo, dân Libya lại không có quyền lựa chọn! Xét theo hình thức soạn thảo và những chữ ký thì văn bản này được chuẩn bị bởi một nhóm chuyên viên đặc biệt của LHQ đứng đầu là Ian Martin, người Anh. Văn kiện mô tả chi tiết vai trò của LHQ trong công cuộc tái thiết nền kinh tế, đảm bảo an ninh và đối thoại chính trị nội bộ Libya. Đồng thời, cũng xuất hiện tuyên bố từ phát ngôn viên chính thức của NATO, Oana Lungesku, rằng khối này sẽ tiếp tục chiến dịch ở Libya, chừng nào còn là cần thiết để "bảo vệ cư dân".

Bản kế hoạch dài 10 trang của LHQ từng dòng từng chữ đều cho thấy vai trò của cộng đồng quốc tế tại "đất nước Libya không có Gaddafi". Hóa ra người dân Libya không hề được dành quyền lựa chọn sẽ đi theo con đường nào. Hơn thế nữa, bản kế hoạch do bên thứ ba vạch ra đã hoàn toàn bỏ qua không tính gì đến ý kiến của bản thân người dân Lybia. Bên cạnh đó còn khẳng định một thực tế hiển nhiên là NATO sẽ không rời khỏi đất nước này, cho thấy rõ ý định thực sự của phương Tây.

Đối với phương Tây, chuyện tung tích của ông Gaddafi giờ chả còn quan trọng nữa. Nếu bắt được ông ta thì có thể coi là kết quả mỹ mãn cho cuộc chiến của họ, còn không cũng chả sao vì mọi phần bánh đều đã được chia

M.T. (tổng hợp)
.
.