“Cơ hội vàng” hay “chiến thuật nhử mồi”?

Thứ Hai, 15/01/2018, 11:26
Lần đầu tiên sau 2 năm đoạn tuyệt, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc đối thoại cấp cao tại làng đình chiến Panmunjom. Với kết quả được coi là thành công ngoài kỳ vọng, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên được dự đoán có thể sẽ lắng dịu trong 2 tháng tới, ít nhất là tới sau Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 và Paralympic vào tháng 3.

Phải thừa nhận rằng những thỏa thuận cụ thể mà Seoul và Bình Nhưỡng đạt được sau 11 giờ đàm phán cho thấy các bên đã tận dụng khá hiệu quả “cơ hội vàng”. Ngoài việc Triều Tiên cử đoàn tham gia Thế vận hội mùa Đông 2018 tại PyeongChang (Hàn Quốc) vào tháng 2 tới, phái đoàn Triều Tiên và Hàn Quốc còn nhất trí kế hoạch tiến hành hội đàm quân sự nhằm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ liên Triều. Bên cạnh đó, hai bên cũng tán thành tiếp tục gặp lại để giải quyết những bất đồng và tránh xung đột bùng phát ngoài ý muốn.

Cách tiếp cận “ngoại giao thể thao” giữa Triều Tiên và Hàn Quốc được xem là đã đặt viên gạch đầu tiên cho tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo vốn nhiều bất ổn này. Không những thế, động thái này còn được coi như một biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Triều Tiên có thể sẽ yêu cầu điều kiện đổi lại là Hàn Quốc khôi phục lời hứa tổ chức các cuộc đoàn tụ gia đình ly tán, ngừng các chương trình tuyên truyền dọc biên giới, thu hẹp hoặc đình chỉ các cuộc tập trận quân sự, các nhà quan sát cho rằng việc đình chỉ các cuộc tập trận sẽ là điều mà Seoul khó có thể chấp nhận vì nó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đối với liên minh với  Mỹ.

Cũng có lý do về mặt lịch sử để lo ngại về những chiến thuật “nhử mồi” của miền Bắc, có lẽ các cuộc đàm phán ngày 9-1 chỉ được xác định là mang tính thăm dò. Các nhà quan sát tỏ ra thận trọng khi cho rằng các cuộc đàm phán liên Triều sẽ vẫn đi vào lối mòn, cụ thể là Triều Tiên được lợi từ viện trợ lương thực và nhiều vấn đề khác trong khi không hề nhượng bộ về lĩnh vực vũ khí. Hoặc rủi ro hơn nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ tìm cách khoét sâu rạn nứt giữa Washington và Seoul.             

Giới phân tích cho rằng có lẽ Kim Jong-un lựa chọn bắt tay với Hàn Quốc vì những lệnh trừng phạt Triều Tiên đang phát huy hiệu quả, hoặc vì ông ta sợ hãi trước những lời đe dọa hành động quân sự của ông Trump, hoặc có thể ông ta đã hài lòng trước những tiến triển của chương trình hạt nhân nước mình và nhận thấy giờ là thời điểm thích hợp để đạt được một thỏa thuận.

Tuy nhiên, nếu ý định của ông ta là gây chia rẽ giữa Hàn Quốc và Mỹ bằng cách kêu gọi chủ nghĩa dân tộc dựa trên sắc tộc ở Hàn Quốc, cũng như lợi dụng mong muốn của người dân Hàn Quốc muốn có sự “tan băng” sau nhiều tháng căng thẳng, ông ta khó có thể lựa chọn được con đường nào tốt hơn con đường thể thao.

Đàm phán cấp cao giữa hai miền Triều Tiên thành công tốt đẹp.

Trong khi đó, từ nhiều  tháng qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi đối thoại với Triều Tiên và hối thúc nước này tham dự Thế vận hội, trong khi phản đối việc chính quyền Trump nói về khả năng hành động quân sự. Để làm hài lòng Triều Tiên, ông Moon Jae-in cũng đề nghị không tổ chức diễn tập quân sự chung với Mỹ trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

Ngoài ra, đối với Moon Jae-in, đề nghị của Kim Jong-un được đưa ra vào thời điểm rất thích hợp. Chính phủ của ông đang gặp khó khăn trong việc bán vé Thế vận hội. Nhưng giờ đây xuất hiện triển vọng hai miền Triều Tiên cùng cổ vũ cho các vận động viên đến từ miền Nam và miền Bắc. Viễn cảnh này có thể góp phần làm xao lãng những chỉ trích của phái bảo thủ đối với chính sách thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên mà Moon Jae-in đang theo đuổi.

Có thể, ông Moon Jae-in đang hy vọng rằng sự tan băng này sẽ dẫn đến những cuộc đàm phán quy mô lớn hơn, có sự tham dự của Washington, về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh “Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn có những động cơ khác nhau đằng sau nỗ lực hòa bình này. Triều Tiên muốn thế giới chấp nhận họ là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và chung sống hòa bình với điều đó. Hàn Quốc lại muốn thúc đẩy hòa bình để phi hạt nhân hóa Triều Tiên”, xem ra chặng đường giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên vẫn còn quá xa.

Bảo Trân (tổnghợp)
.
.