Colombia: Dẫn độ 14 thủ lĩnh các nhóm bán vũ trang sang Mỹ

Thứ Tư, 28/05/2008, 08:00
Hôm 13/5, Colombia dẫn độ sang Mỹ 14 đối tượng là thủ lĩnh các nhóm bán vũ trang tại nước này. Hành động này là một nỗ lực của Tổng thống Alvaro Uribe trong việc chống lại các tổ chức tội phạm và xoa dịu vụ bê bối có liên quan tới nhiều nhà lập pháp cấp cao thuộc Quốc hội Colombia và một số thành viên trong gia tộc của ông.

Việc dẫn độ cùng lúc quá nhiều thủ lĩnh bán quân sự như lần này là chưa từng có trong lịch sử của Colombia trong việc triệt phá các tổ chức buôn lậu cocaine sang Mỹ. Tuy nhiên, lần dẫn độ này xảy ra vào thời điểm nhạy cảm mà Chính phủ Colombia đang cố giành được thỏa thuận giao thương với Mỹ.

Được biết, các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ phản đối thỏa thuận giao thương với Colombia vì cho rằng ông Uribe không làm hết sức để kiềm chế nạn vi phạm nhân quyền và khởi tố những kẻ liên quan.

Cuộc dẫn độ này biểu lộ sự đẩy mạnh của chính quyền Uribe trong việc ngăn chặn tái vũ trang của các phe nhóm ở Colombia sau nhiều năm bạo lực do nội chiến. Vụ dẫn độ được thực hiện bất ngờ vào sáng sớm ngày 13/5 với hàng chục cảnh sát đặc nhiệm áp giải những đối tượng này từ 3 nhà tù ở Colombia.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Carlos Holguin, những người bị dẫn độ này được đưa lên máy bay ở Bogota để bay sang Mỹ, nơi họ sẽ đối diện với các tội danh buôn ma túy. Ông Holguin cho biết trên Đài Phát thanh Colombia: “Hầu hết số người bị dẫn độ lần này là những tay trùm, một số  vẫn còn đang bị cáo buộc trong nhiều vụ án và tội tái tổ chức mạng lưới tội phạm”.

Việc dẫn độ này có vẻ như mang tính chất làm hài lòng Mỹ để không chỉ đạt được những yêu cầu cho thỏa thuận giao thương, mà còn để chứng tỏ Colombia đang theo đuổi đường lối đúng đắn trong việc xét xử bọn tội phạm tàn ác trong cuộc nội chiến kéo dài tại nước này.

Các nhóm nhân quyền cho rằng việc dẫn độ sẽ tạo cơ hội cho những tên thủ lĩnh nổi loạn thoát khỏi hệ thống công lý của Colombia. Thực tế là tội ác của chúng có liên quan tới chiến tranh ở Colombia sẽ không bị trừng trị, mà chỉ bị ngồi tù dài hạn tại Mỹ vì tội vận chuyển ma túy. 

Khi bị dẫn độ sang Mỹ, những tay thủ lĩnh các nhóm bán vũ trang có thể sẽ ngồi tù lâu hơn vì tội vận chuyển ma túy so với mức án họ phải chịu ở Colombia vì những hành động gây ra trong cuộc nội chiến. Và một điều rõ ràng là không ít người sẽ vẫn có thể tiếp tục điều khiển nhóm phiến quân từ trong tù, tuy nhiên việc này có thể ngăn ngừa sự “sống lại” của một số nhóm vũ trang.

Dù sao đi nữa, động thái của ông Uribe cũng chứng tỏ sự kiên quyết triệt phá các nhóm bán vũ trang mặc dù có tiết lộ vụ bê bối lâu nay về quan hệ với các nhóm quân phiến loạn của những người ủng hộ tổng thống, bao gồm nhiều nhà lập pháp cấp cao và cựu trưởng cơ quan tình báo của ông Uribe. Bruce Bagley, một chuyên gia về chiến tranh ma túy tại Trường đại học Miami, cho biết: “Đây là một động thái gây ngạc nhiên của ông Uribe, ông này đang cố chứng minh với Quốc hội Mỹ rằng tin đồn về mối quan hệ của ông với các nhóm phiến quân là sai. Việc này sẽ được Quốc hội Mỹ xem xét lại”.

Tuy vậy, việc thực thi công lý sẽ còn tùy thuộc vào mức hạn án tù. Ông Bagley cho biết, các nhóm nhân quyền sẽ theo sát vụ việc, đặc biệt là sau những động thái của chính quyền Bush nhằm giảm hạn tù cho những tên vận chuyển ma túy để đổi lấy thông tin về mạng lưới hoạt động của chúng.

Hiện nay, các quan chức Mỹ vẫn còn mơ hồ về liệu án tù cho những đối tượng này là tối đa hay  chúng sẽ được khoan hồng. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, trong một tuyên bố, cơ quan này đã đảm bảo với chính quyền Colombia rằng sẽ không áp dụng án tù chung thân đối với các đối tượng này.

Trong số các đối tượng bị dẫn độ sang Mỹ hôm 13/5 có Salvatore Mancuso, kẻ đã gây ra vụ thảm sát 15 dân thường và chiếm đoạt tài sản của hơn 600 người ở thị trấn El Aro vào năm 1997. Chính phủ của ông Uribe, đồng minh quan trọng của chính quyền Bush tại Mỹ Latinh, đã dẫn độ sang Mỹ hơn 700 người Colombia kể từ năm 2002 – hầu hết những đối tượng này đều là tay chân bậc thấp trong các đường dây buôn ma túy của Colombia.

Mặc dù tiêu tốn hơn 600 triệu USD trợ giúp từ Mỹ dùng để triệt phá nạn buôn ma túy và quân du kích cánh tả, nhưng Colombia vẫn là nước sản xuất cocain lớn nhất thế giới và là nguồn cung cấp 90% lượng ma túy tiêu thụ tại Mỹ. Thủ lĩnh các nhóm bán vũ trang là người kiểm soát hầu hết những tổ chức buôn ma túy đang phát triển rất mạnh.

Trong thập niên 80 thế kỷ XX, các điền chủ ở Colombia thành lập quân đội riêng để chống lại phiến quân cánh tả. Nhưng rốt cuộc, các nhóm bán vũ trang lại có ảnh hưởng ngày càng lớn trong cơ cấu chính trị và kinh tế của Colombia.

Việc vạch trần quan hệ bí mật giữa các nhóm bán vũ trang và những người hậu thuẫn của ông Uribe đã làm chấn động đất nước này. Trong đó, người họ hàng và là cộng sự chính trị thân cận của Tổng thống Uribe - Mario Uribe, cựu Thượng nghị sĩ Colombia – đã bị bắt tạm giam hồi tháng 4/2008 vì tội liên kết với các nhóm bán vũ trang.

Và hơn 20 thành viên khác của Quốc hội Colombia cũng bị bắt vì cáo buộc tương tự

Lê Hiếu (tổng hợp)
.
.