"Cơn đột qụy" trên chính trường Israel

Thứ Hai, 26/12/2005, 14:47

Chiều 18/12, tất cả báo chí Israel đã đồng loạt đưa tin, Thủ tướng Ariel Sharon vừa được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hadassah ở Jerusalem vì một cơn đột qụy nhỏ. Thông tin này ngay lập tức đã gây tác động mạnh lên chính trường Israel, cho dù ông Sharon chỉ hai ngày sau đã được ra viện.

Các nhà phân tích đoán già đoán non tình hình Israel sẽ như thế nào nếu ông Sharon buộc phải từ bỏ chính trường vì lý do sức khoẻ.

Khoảng 20 giờ ngày 18/12, khi vị Thủ tướng đã 77 tuổi Ariel Sharon được đưa vào bệnh viện, tất cả các kênh truyền hình của Israel đều tạm ngưng các chương trình thường lệ để phát đi những thông tin trực tiếp về sự kiện này. Những chi tiết cụ thể đã nhanh chóng được công luận biết đến. Lúc 19 giờ, Sharon đã hoàn tất cuộc gặp với Phó thủ tướng Simon Peres để bàn về chuyến đi thăm châu Âu của ông này. Theo lời ông Peres kể lại, sắc mặt của ông Sharon khi đó đã hơi bị tái. Ông Sharon cảm thấy sức khỏe của mình không được ổn sau khi ký thông qua một vài tài liệu. Ông ta gọi điện cho cậu con trai Gilad, người đã khuyên Sharon nên tới gặp ngay bác sĩ riêng Boleslav Goldman tại bệnh viện ở ngoại ô Tel-Aviv.

Trên đường đi, tình trạng của ông Sharon đã xấu đi nhanh chóng. Ông bắt đầu có biểu hiện nói lẫn và mất cảm giác về không gian. Bác sĩ hộ tống đã liên lạc với Giáo sư Goldman và nhận được lệnh phải quay trở lại ngay bệnh viện gần nhất Hadassah. Các bác sĩ tại đây cho biết, ông Sharon thậm chí đã bị ngất đi trong một thời gian ngắn. Thế là Bệnh viện Hadassah nhanh chóng trở thành nơi tập trung của các nhân viên an ninh Shabak cùng hàng chục nhà báo. Một thời gian ngắn sau là sự xuất hiện của hai cậu con trai của Sharon cùng Phó thủ tướng Ehud Olmert, người theo quy định sẽ thay thế thủ tướng trong những trường hợp tương tự.

Không có Sharon thì không có Kadima!

Vụ đột quị của ông Sharon được đánh giá là “không hợp thời”, khi mà thời điểm bầu cử Quốc hội Israel đã được ấn định vào ngày 28/3/2006. Nói đúng hơn, nó đã có tác động tiêu cực đến khả năng giành chiến thắng của đảng mới Kadima. Trước đó, các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy, Kadima có khả năng giành chiến thắng thuyết phục để ít nhất cũng có thể thành lập được một liên minh cầm quyền, chứ chưa nói đến khả năng có thể thành lập một chính phủ riêng.

Thủ tướng và các quan chức thân cận ngay sau đó đã tìm cách trấn an dân chúng Israel về tình trạng sức khỏe của mình. “Tình hình của tôi hiện đã ổn. Tôi chỉ cần nghỉ ngơi thêm vài ngày” – ông Sharon đã trả lời báo Haaretz như vậy ngay sau khi ra viện. Cố vấn, đồng thời là một trong những chiến lược gia tranh cử của Thủ tướng là Lior Horeev còn cho rằng: việc phải nhập viện thậm chí còn “cải thiện thêm hình ảnh của Thủ tướng”, do các công dân từ đây sẽ tỏ ra thông cảm hơn, nhìn nhận ông Sharon không chỉ với tư cách một nhà lãnh đạo có uy tín, mà còn cả khía cạnh của một con người bình thường.

Nhưng đây cũng là lý do để các đối thủ chính trị nêu câu hỏi, liệu ông Sharon (vị thủ tướng cao tuổi nhất trong lịch sử Israel) có đủ sức khỏe để lãnh đạo chính phủ thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa hay không? “Vụ việc này bắt buộc các công dân phải nhận thức rằng, không thể để cho một con người (nếu thắng cử vào năm sau) lãnh đạo đất nước, trong tình trạng sức khỏe luôn bị đe dọa vì tình trạng thừa cân cùng với nguy cơ đột quị cao” - nghị sĩ Quốc hội Ariel Eldad từ đảng cực hữu Thống nhất dân tộc đã tuyên bố như vậy.

Cũng theo lời ông này, “Thủ tướng cần phải thông báo cho cả nước về tình trạng sức khỏe thật của mình. Số phận cả quốc gia không thể phụ thuộc vào “một cục máu nghẽn nhỏ” có thể chỉ vài giây làm thay đổi lịch sử Israel”. Có chung quan điểm với Eldad là nghị sĩ Avshal Vilan từ đảng cực tả Meres. Ông này còn yêu cầu Quốc hội phải thông qua một đạo luật, theo đó thủ tướng và các bộ trưởng cần phải báo cáo về tình trạng sức khỏe của mình mỗi năm một lần.

Nhưng vấn đề không chỉ nảy sinh từ khả năng làm việc của Thủ tướng. Cơn đột quị của ông Sharon rõ ràng đã khiến người ta phải đặt câu hỏi về các triển vọng của đảng Kadima trong cuộc bầu cử sắp tới vào Quốc hội. “Kadima là SharonSharon cũng chính là Kadima, tờ Haaretz đã bình luận như vậy. Tại đây cũng có nhiều người có kinh nghiệm, nhưng không một ai có khả năng thay thế Sharon lãnh đạo đảng”.

Các chuyên gia còn thống nhất chung với đánh giá, đảng của đương kim Thủ tướng thực chất chỉ là đảng của một người. Người dân Israel bỏ phiếu cho Kadima chẳng qua là họ ủng hộ ông Sharon. Người đứng đầu phe đối lập Tomi Lapid cũng biết “tận dụng” ngay quan điểm này. “Nếu như có chuyện không hay xảy ra đối với ông Sharon - ông ta tuyên bố - thì trong Quốc hội và Chính phủ Israel sẽ có mặt một đảng không có đường lối chính trị, không có cương lĩnh về kinh tế, không có hệ tư tưởng về xã hội rõ ràng. Mọi người sẽ nghĩ về tình huống này như thế nào?”.

Cũng cần nói thêm, vào đúng thời điểm ông Sharon phải vật lộn với cơn đột quị, đối thủ chính của ông là Benjamin Netanyahu trong nội bộ đảng Likud cũ (đồng thời cũng là một đối thủ tiềm tàng trong cuộc bầu cử sắp tới) đã giành được chiếc ghế lãnh đạo đảng Likud. Kết quả bỏ phiếu trong nội bộ đảng cho thấy, ông Netanyahu đã giành được 44,4% số phiếu bầu, vượt lên đối thủ chủ yếu Sylvan Shalom (Bộ trưởng Ngoại giao) với 33% số phiếu.

“Từ hôm nay, chúng ta sẽ bước vào con đường quay trở lại vị trí điều hành quốc gia” - ông Netanyahu đã tuyên bố như vậy ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố. Với sự kiện này, cuộc bầu cử Quốc hội trong thời gian tới tại Israel được dự tính sẽ là một “cuộc đua tam mã” - Amir Peres (từ liên minh cánh tả), Benjamin Netanyahu (cánh hữu) và Ariel Sharon. Ông Sharon đã từ chối bình luận về thắng lợi của ông Netanyahu trong đảng Likud, cho dù sau đó đã không quên gọi điện chúc mừng đối thủ và cảm ơn về những lời thăm hỏi

Thái Quân (Tổng hợp)
.
.