Cơn khủng hoảng của Boeing

Thứ Hai, 18/03/2019, 16:45
Nguyên nhân vụ rơi máy bay Boeing 737 Max 8 của Hãng Hàng không Ethiopia ngày 10-3 vẫn chưa được làm sáng tỏ. Dựa trên nhiều sự trùng lặp ngẫu nhiên, trước mắt, Boeing 737 Max 8 vẫn là thứ để dư luận đổ lỗi. Và điều này đang khiến hãng Boeing thực sự lao đao.

Sự trùng lặp ngẫu nhiên hay dấu hiệu cảnh báo?

Những vụ tai nạn máy bay thường là nỗi ám ảnh dai dẳng đối với loài người. Chiếc Boeing 737 Max 8 của Hãng Hàng không Ethiopia đã bị rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh từ thủ đô Addis Ababa, khiến 157 người, bao gồm cả phi hành đoàn thiệt mạng. Vụ tai nạn trên là một sự trùng lặp kỳ lạ với vụ rơi chiếc Boeing 737 Max 8 của Hãng Hàng không Lion Air (Indonesia) xuống biển Java hồi tháng 10 năm ngoái cũng chỉ sau vài phút cất cánh.

Ngay lập tức, dư luận hướng sự hoài nghi vào độ an toàn của mẫu máy bay hàng không dân dụng 737 mới nhất của Boeing. Ông Alan Diehl, một cựu điều tra viên của Ban An toàn giao thông quốc gia (NTSB) cho rằng điểm giống nhau của hai vụ rơi máy bay này bao gồm phi hành đoàn gặp vấn đề ngay sau khi cất cánh, cú đâm bổ nhào vỡ vụn từng mảnh và đã có những báo cáo về sự rung lắc lớn trong quá trình tăng tốc để đạt độ cao cần thiết, cho thấy khả năng có vấn đề kiểm soát với loại máy bay này.

Tuy nhiên, ông Diehl cũng không loại trừ các vấn đề về động cơ, lỗi phi công, tải trọng, sự phá hoại hoặc va phải chim trời. Theo ông, dù hãng hàng không Ethiopia có tên tuổi nhưng các điều tra viên sẽ xem xét vấn đề bảo trì máy bay.

Boeing 737 là chiếc máy bay bán chạy nhất trong lịch sử và Max là phiên bản mới nhất của nó. Max là phần trọng tâm trong chiến lược của Boeing nhằm cạnh tranh với đối thủ Airbus của châu Âu. Boeing đã chuyển giao khoảng 350 chiếc 737 Max và có đơn đặt hàng hơn 5.000 chiếc. Max có chi phí bảo dưỡng ít và khả năng “nhồi nhét” nhiều hành khách hơn. Dòng máy bay này tỏ ra lý tưởng đối với các chuyến bay tầm trung có thể tối đa hóa lợi nhuận cho các hãng hàng không dân dụng.

Hiện trường vụ rơi máy bay của Ethiopian Airlines ngày 10-3.

Khi quảng cáo rùm beng cho dòng sản phẩm này, Boeing đã tự hào rằng các phi công thậm chí không cần phải trải qua khóa huấn luyện với mô hình tập bay để lái các máy bay Max 8 mới. Điều đó đã giúp hãng hàng không vũ trụ khổng lồ có trụ sở ở thành phố Chicago (Mỹ) bán được hàng nghìn chiếc Max 8, củng cố thêm mối quan hệ với Trung Quốc và các thị trường đang phát triển nhanh như Indonesia hay Ethiopia.

Với 4.661 đơn đặt hàng chưa giao, Boeing 737 Max 8 được xem là có khả năng trở thành “ngựa thồ” cho các hãng hàng không trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới. Vụ tai nạn máy bay của hãng Lion Air dường như không làm ảnh hưởng đến khả năng bán Max của Boeing. Cổ phiếu của hãng Boeing đã giảm gần 7% ngay sau vụ rơi máy bay của hãng Lion Air. Kể từ khi đó, nó đã tăng vọt 26%, so với mức tăng 4% chỉ số Standard & Poor’s 500.

Hiệu ứng domino

Tuy nhiên, đến vụ tai nạn lần này tại Ethiopia, Boeing không dễ dàng “tai qua nạn khỏi” như vậy. Boeing đang đón nhận một “hiệu ứng domino” chưa từng có tiền lệ.

Ngày 11/3, Trung Quốc, thị trường Boeing lớn nhất của Mỹ, đã ra lệnh cho các hãng hàng không của họ đình chỉ các chuyến bay sử dụng 737 MAX 8, với 97 chiếc. Cùng ngày, Indonesia cho biết họ sẽ tạm thời dừng các máy bay 737 MAX 8 đang hoạt động tại nước này để kiểm tra.

Hãng Ethiopian Airlines sở hữu 4 máy bay phản lực 737 MAX 8 khác cho biết họ tạm ngưng hoạt động tất cả các máy bay này để đề phòng sự cố. Hãng Gol ở Brazil cũng tạm thời đình chỉ các chuyến bay của MAX 8 và các hãng hàng hàng không nhà nước của Argentina (Aerolineas Argentinas), của Mexico cũng có hành động tương tự... Truyền thông Việt Nam cũng cho biết cơ quan quản lý hàng không quốc gia sẽ không cấp giấy phép cho các hãng hàng không địa phương vận hành máy bay 737 MAX cho đến khi nguyên nhân của vụ tai nạn ở Ethiopia được xác định.

Đặc biệt, ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo đình chỉ hoạt động của máy bay Boeing 737 MAX tại Mỹ. Cùng ngày, Cơ quan Quản lý hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh tạm ngừng hoạt động của toàn bộ dòng máy bay này thuộc sự vận hành của các hãng hàng không Mỹ hoặc ra vào không phận nước này. Sau những thông báo mới nhất của Mỹ, Canada, Mỹ Latinh và một loạt nước Trung Đông, số quốc gia ngừng khai thác và/hoặc đóng cửa không phận với Boeing 737 MAX đã lên đến con số gần 50.

Về phía Boeing, mặc dù vẫn tuyên bố “hoàn toàn tin tưởng” vào độ an toàn của máy bay 737 MAX song vẫn ủng hộ quyết định của FAA. “Chúng tôi ủng hộ bước đi tiên phong này như là một trong số những biện pháp phòng ngừa. An toàn là giá trị cốt lõi trong suốt sự nghiệp chế tạo máy bay của Boeing và sẽ luôn như vậy”, một trong những tuyên bố chính thức của Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muuilenburg. Chính sự sợ hãi đã khiến cho hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới mất hàng tỷ USD trên thị trường chứng khoán, khi cổ phiếu của hãng giảm 5% trong phiên giao dịch ngày 11/3 và có thời điểm giảm tới 13,5%.

Gót chân Asin

Chưa thể quy kết “lỗi” là do Boeing nhưng nhiều chuyên gia cũng đã có những chia sẻ về “gót chân Asin” của dòng máy bay này. Cách điều khiển chiếc 737 Max 8 có điểm khác so với các dòng máy bay của Boeing ở chỗ nhà sản xuất đã lắp một hệ thống phần mềm điều khiển tự động mới vào.

Theo giáo sư Waldock, thuộc Đại học hàng không Embry-Riddle, Tập đoàn Boeing sẽ phải theo dõi sát sao hơn hệ thống quản lý chuyến bay và tự động hóa đối với chiếc Max.

Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, phi công quân sự, chuyên gia hàng không của Nga Vladimir Popov nhận định, Boeing cần đảm bảo rằng phi công biết cách sử dụng cánh lái độ cao để duy trì sự ổn định khi máy bay bắt đầu bay vào đường bay. Đây là một lỗi khá phổ biến liên quan đến hoạt động của hệ thống tự động mà các chuyên gia Nga đã từng cảnh báo nhưng Boeing đã bỏ qua.

Các nhà nghiên cứu đang nghĩ đến giả định rằng có lỗi đọc sai từ một bộ cảm biến truyền mệnh lệnh cho máy bay tự động lao xuống và các phi công của Lion Air đã không thể kiểm soát.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.