Công bằng và công tâm

Thứ Tư, 07/12/2011, 16:16
Cứ như là chuyện đùa vui, hài hước vậy. Song, nó lại là chuyện thật ở xứ mình.

Xưa nay, nói về sự không công bằng, người ta thường dùng trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ để khen thưởng, cất nhắc, đề bạt… cùng một cơ quan, người đức độ tài năng chẳng được quan tâm tới, để trở thành "nhân tài vùi sâu trong lá ủ". Còn cái anh ất ơ, lẻo mép, đóng góp cho cơ quan, đơn vị ấy chẳng đáng là bao thì lại lên vù vù. Đó là thiếu công bằng. Nói thẳng ra, đó là bất công! Còn cái thứ để công chúng phải thù ghét nó như nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí, sao lại có khái niệm là thiếu công bằng, bất công?

Xin thưa, có đấy, có từ xa xưa cho tới bây giờ.

Mạn phép nêu ra một vài ví dụ để minh chứng cho quan niệm của tác giả bài viết này:

- Một anh chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp trong nhiệm kỳ làm chủ nhiệm, đã tham ô tới 1 tấn thóc, bị xử lý kỷ luật cách chức, cảnh cáo trong Đảng... Một tấn thóc, vào thời điểm đó trị giá 4 triệu đồng. Tha đi tù là may. Bởi tham ô tới 2 triệu đồng là có thể bị truy tố trước pháp luật.

- Giám đốc một công ty nọ, xây dựng trụ sở công ty, tổng chi phí theo hóa đơn là 10 tỉ đồng. Bởi có đơn từ kiện cáo, cơ quan kiểm tra, thanh tra cấp trên nhảy vào, hạch toán theo thời giá, có nới tay mấy chăng nữa cũng chỉ hết 9 tỉ. Cái số dư 1 tỉ ấy, các vị chức sắc chia chác nhau. Tất nhiên cả lũ bị kỷ luật.

- Một cơ quan làm ăn kinh tế, các khoản lợi nhuận được trích chiết ra, bỏ ngoài sổ sách cả chục tỉ đồng, đưa vào một loại quỹ có tên là quỹ đen, để lãnh đạo thoải mái chi. Cơ quan chức năng phát hiện, cố nhiên là phải chịu xử lý. Nếu có thiếu công bằng trong xử lý cái dạng sai phạm này ấy là việc lẽ ra phải truy tố trước pháp luật, thì chỉ là xử lý bằng hình thức kỷ luật nội bộ.

Ấy là 2 loại bệnh tham ô và tham nhũng.

Còn cái "bệnh lãng phí" thì nhiêu khê và lạ lùng lắm. Hình như ít ai quan tâm. Dẫu rằng, nhiều vụ nó còn nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng.

Một cơ sở sản xuất nọ, bởi thực hiện chủ trương hiện đại hóa công cụ sản xuất để tăng năng suất lao động, cử đoàn đi nước ngoài mua sắm (cố nhiên tất cả chi phí bằng ngoại tệ). Máy đem về không sử dụng được, đành "đắp chiếu" để đó, bởi thiếu linh kiện. Lại cử đoàn đi, lại chi phí ngoại tệ. Mấy tháng sau mới dùng được. Bao nhiêu công nhân ngồi đợi việc.

Cuối thế kỷ XX, đất nước đã có trên 120 trường đại học và cao đẳng. Đầu thế kỷ XXI, nở thêm bao nhiêu trường nữa, tốn bao nhiêu đất đai, cơ sở vật chất. Sinh viên đào tạo ra, nhiều chuyên ngành thừa ế, chẳng xin được việc làm, chạy đôn chạy đáo mới sinh ra cái bệnh tiêu cực, bỏ tiền ra mua chỗ làm, dẫu là trái nghề, miễn là có chân trong cơ quan nhà nước, để hy vọng cầm chắc cái sổ hưu trong tay.

Thành phố Hà Nội chật cứng người, nhất là khu vực nội thành cũ (4 quận). Năm 1945, dân số Việt Nam 25 triệu người. Thủ đô Hà Nội 1/2 triệu, bây giờ đã lên mấy triệu. Đường phố nội thành vẫn thế, tắc đường là đương nhiên. Đã có chủ trương giãn dân ra từ lâu chứ đâu phải chờ tới Đại hội XI vừa rồi. Tỉ như Trường đại học Quốc gia, ít ra là đã có quyết định từ 5-6 năm trước. Đã cắm cho mấy trăm ha đất ở trên Hòa Lạc, đã làm lễ khởi công từ mấy năm trước mà bây giờ vẫn mờ mịt xa xôi. Tất nhiên đất đó bây giờ hầu hết vẫn là đồi hoang.

Hà Nội thời dân số chưa đông. Có một loại phương tiện tải được rất nhiều người - đó là xe điện. Với 6 tuyến xe: Bờ Hồ - Hà Đông, Chợ Mơ, Bưởi, Cầu Giấy, Yên Phụ và Bờ Hồ đi Ngã Tư Vọng. Vì cho là lạc hậu nên  "xử trảm" nó. Trong khi còn khối nước trên thế giới, trong đó có Hồng Công của Trung Quốc, tới bây giờ xe điện vẫn chạy leng keng. Ta thay xe điện bằng ôtô điện. Và bây giờ đang xây dựng tuyến xe điện trên không: Cát Linh - Hà Đông tốn khối tiền. Nhưng, hãy chờ đấy, dự án đã mấy năm mà mới xây được có 11 cột thôi, mỗi cột cách nhau chừng 30m trên quãng đường  mười mấy cây số.

Cái lãng phí đáng nói, coi là rất nghiêm trọng đó là quản lý đất đai. Bao nhiêu miếng, mảnh, vùng bị bỏ hoang hàng bao nhiêu năm. Thật hoài phí. Tiền! Tiền cả đấy! Bạc tỉ đôla chứ đâu phải đùa. Bởi thế, các ông, các bà đại biểu của dân mới mất bao công sức thảo luận để chiều ngày 22/11 vừa qua đã thông qua được một Nghị quyết quan trọng về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011-2015. Nội dung Nghị quyết xác định rõ từng loại đất: Đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tăng đất phát triển đô thị, đất dành cho công nghiệp và vấn đề quản lý đất quy hoạch… Ấy là chuyện tương lai khi đã xác định tầm nhìn. Song, ngoảnh mặt nhìn quá khứ và hiện tại, thảo dân bỗng chạnh lòng  xa xót.

Chả nhìn chi rộng, đâu xa, cứ nhìn quanh ta, ở đất Hà thành cũng thấy ối chuyện nhức nhối con tim. Nhiều dự án đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Đơn cử chỉ một khu vực thuộc một huyện ngoại thành Hà Nội (huyện Đan Phượng thuộc Hà Tây cũ): Trung tâm phát triển chăn nuôi gia súc của Hà Nội, từ thời còn tỉnh Hà Tây, cấp cho hơn 600m2 đất ở xã Phương Đình, cho đến bây giờ vẫn là mảnh đất hoang hóa; Tại xã Đan Phượng, từ năm 2008, công ty Cổ phần Vinacontrol được tỉnh Hà Tây giao cho 2.500m2 đất. Họ đã xây tường bao để giữ đất. Không, để giữ 2.500m2 cỏ um tùm cho tới hôm nay; một việc nghe còn "ghê răng "hơn, cũng diễn ra ở huyện này, đó là năm 2007, một công ty trách nhiệm hữu hạn có cái tên thật đẹp: Công ty Tuyết Nga, được tỉnh Hà Tây phê duyệt dự án 9000m2 tại cụm công nghiệp thị trấn Phùng để xây dựng nhà máy sản xuất ống. Vậy mà "Công ty đẹp" ấy đã xây dựng tới 20m2 nhà. Nghe như nhà ấy là nhà cho lực lượng bảo vệ. Bảo vệ 8.980m2 cỏ hoang! Thật trớ trêu thay hỡi những thổ công, thổ địa của vùng bờ xôi ruộng mật! Không biết trên phạm vi cả nước có mấy chục nơi, mấy trăm nơi hay mấy nghìn nơi như thế?

Xin thử làm một phép tính, chỉ tính tới cái mảnh 9.000m2 ở thị trấn Phùng thôi cũng đủ nhức nhối về sự lãng phí. Mảnh đất đó quy ra hệ đo lường Bắc Bộ là 2,5 mẫu (25 sào). Mỗi năm cấy 2 vụ. Mỗi vụ năng suất 200kg/sào, đã là 10 tấn thóc (10.000kg) nhân với 5 năm, sẽ là 50 tấn (năm chục ngàn kilôgam). Số thóc ấy cứu được bao nhiêu bà con vùng lũ lụt?

Kể ra, còn biết bao nhiêu thứ lãng phí: Từ đất đai như nêu trên, việc xây dựng công sở, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại, tới việc chiêu đãi, tiệc tùng đình đám… Vậy mà, chẳng thấy ai việc gì, chẳng mấy ai lên án. Nói tới tham ô, tham nhũng thì thù, ghét tới đục nước, đến sôi cả báo chí lên, dẫu rằng xử lý chưa đáng bao nhiêu. Còn cái tội lãng phí tày đình thì bình chân như vại, phê phán qua loa, xử lý nhạt nhòa, chẳng phải là thiếu công bằng đó sao? Dẫu rằng đó là một tội cực kỳ lớn. Rất mừng là kỳ họp Quốc hội lần này, rất nhiều đại biểu bức xúc phê phán về việc quản lý đất đai và Quốc hội đã ra Nghị quyết quan trọng. Thiết nghĩ, rất cần phải có chế tài, luật pháp để xử lý sai phạm thì chủ trương, Nghị quyết mới trở thành hiện thực

K.M.D.
.
.