Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara:

Công kích "kẻ trộm láng giềng" và kế hoạch mua đảo ở biển Hoa Đông

Thứ Năm, 19/07/2012, 19:40

Tờ Asahi Shimbun cho biết, Chính phủ Nhật ngày 6/7 vừa qua đã thông báo cho Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara về kế hoạch chính phủ sẽ mua 3 hòn đảo trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) với Trung Quốc. Đó là kế hoạch mua bán được đánh giá khoảng gần 1 tỉ yên mà Thị trưởng Ishihara đưa ra từ tháng 4, tạo nên cú sốc lớn nhất trên chính trường xứ Hoa Anh đào.

Với việc khẳng định chủ quyền của Nhật Bản theo cách này, Thị trưởng Ishihara đang khởi xướng một giọng điệu mới rất đanh thép trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức mạnh hải quân ở các vùng biển giàu tài nguyên thuộc phạm vi tranh chấp. Và dư luận đặc biệt lo ngại, việc chuẩn y kế hoạch này từ phía Nhật Bản sẽ là mồi lửa làm bùng nổ những tranh cãi ngoại giao nghiêm trọng.

Nhà văn 4 kỳ giữ trọng trách thị trưởng

Ishihara Shintaro sinh ngày 30/9/1932 ở Sumaku, Kobe, là chính trị gia cánh hữu cực đoan của Nhật Bản. Ông là thị trưởng của thành phố Tokyo suốt 4 nhiệm kỳ liên tục kể từ năm 1999. Trong đầu thập niên 60, Ishihara Shintaro chủ yếu tập trung vào công việc viết lách, sáng tác các tiểu thuyết, kịch và điều hành một công ty về sân khấu. Từ năm 1968 đến 1972, ông có chân trong nghị viện, tiếp sau đó là trong thành phần Hạ viện. Đây chính là nền tảng bệ phóng khi ông tham gia tranh cử vào chức thị trưởng Tokyo sau này.

Năm 1973, Ishihara cùng 30 nhà lập pháp của đảng Dân chủ tự do thành lập nhóm chống Cộng gây tai tiếng "Thanh Lam Hải". Ishihara cho rằng nước Nhật sau Thế chiến thứ II đã từ bỏ những giá trị truyền thống và khẳng định chỉ có một cơn bão mới có thể quét sạch bầu không khí u tối lúc đó với sự lớn mạnh về kinh tế và sự giàu có cá nhân là giá trị được đề cao.

Ishihara là chính trị gia dân tộc chủ nghĩa hàng đầu của Nhật Bản, thể hiện rõ lập trường chống phương Tây và Mỹ, bảo vệ các giá trị truyền thống châu Á. Ông gây sự chú ý của phương Tây qua cuốn sách "The Japan That Can Say No" (Người Nhật có thể nói không), kêu gọi đồng bào trong nước đứng dậy chống lại nước Mỹ. Lầu Năm Góc từng rất choáng khi nghe Ishihara luận tội chính quyền Mỹ, rằng "những kẻ ngoại quốc" chỉ biết thu lợi, hạ thấp danh dự của người Nhật và mù quáng cổ vũ phân biệt chủng tộc.

Theo Ishihara, Nhật Bản nắm trong tay khả năng cân bằng quyền lực bằng cách bán các loại chip thông minh siêu nhỏ dùng trong các chiến dịch quân sự cho Liên Xô (cũ) thay vì Mỹ như trong các thỏa thuận. Vì thế, Mỹ sẽ mất dần ảnh hưởng trên thế giới, không còn dám đe dọa, "nuốt gọn" Nhật Bản như trước.

Ishihara có thái độ chỉ trích các chính sách thiên về hướng ôn hòa trong quan hệ đối với Trung Quốc. Bản thân Ishihara cho rằng, đã đến lúc Nhật Bản áp dụng chính sách cứng rắn thay cho chính sách hòa hoãn hiện thời. Ông tỏ ra ngao ngán khi nói về Trung Quốc, một thời được Nhật Bản hỗ trợ và rót rất nhiều tiền cho quá trình phát triển bom hydro. Ishihara cho rằng, các quốc gia láng giềng "đối đầu" của Nhật Bản như Trung Quốc có thể đều sở hữu vũ khí hạt nhân và sự kiêu ngạo của Trung Quốc phần nào cũng do sự thiếu hụt vũ khí hạt nhân của Nhật Bản. Ông còn cho rằng, các cuộc đấu tranh ngoại giao phải mang tính chất... vũ khí hạt nhân mới có thể nắm chắc phần thắng.

Tàu tuần tra Nhật đuổi theo một tàu cá Trung Quốc trong vụ đụng độ năm 2010 trên vùng biển phía nam Nhật Bản.

Lá bài Senkaku ở biển Hoa Đông

Phát biểu tại Câu lạc bộ Nhà báo nước ngoài ở Tokyo cuối tháng 6 vừa qua, Ishihara cho rằng, tham vọng chiếm quần đảo Senkaku chỉ là một bước trong quá trình kiểm soát toàn bộ Thái Bình Dương của Bắc Kinh. "Người Trung Quốc từng tuyên bố sẽ có những biện pháp mạnh tay để phá vỡ sự kiểm soát của Nhật đối với Senkaku, bao gồm cách phái nhiều tàu đến đây. Họ đang đột nhập vào nhà người khác bất hợp pháp"

Quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), thuộc quyền sở hữu của gia tộc Kurihara đang cho Chính phủ Nhật Bản thuê, nằm cách Tokyo khoảng 2.000 km, cách đảo Ishigaki của Nhật Bản khoảng 140 km về phía Bắc, giữa Đài Loan và quần đảo Okinawa vốn rất giàu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt. Cả ba hòn đảo gồm: Uotsurijima, Kitakojima và Minamikojima  thuộc quần đảo Senkaku được gia đình Kurihara mua từ cách đây vài chục năm, từ các gia tộc khác cũng của người Nhật.

Vào năm 2008, Bắc Kinh và Tokyo đã nhất trí cùng nhau phát triển các mỏ khí đốt ở quần đảo này, sau đó Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận. Căng thẳng tranh chấp lên tới đỉnh điểm vào tháng 9/2010, khi Nhật Bản bắt một thuyền trưởng Trung Quốc đã lái tàu cá đâm hai tàu tuần tra Nhật. Ngay sau đó, Trung Quốc quyết định ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản và ngưng những trao đổi chính trị và văn hóa, buộc Tokyo phải chấp nhận trả tự do cho thuyền trưởng của tàu cá Trung Quốc.

Các tàu Trung Quốc liên tục xuất hiện tại khu vực giáp ranh Senkaku trên biển Hoa Đông vì theo Bắc Kinh, vùng biển này là một phần trong "lợi ích cốt lõi của Trung Quốc". Nhật Bản coi đây là động thái chính thổi bùng lên những quan ngại về sự gia tăng quân sự của Trung Quốc. Và nếu một cuộc xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc thực sự bùng phát, chính quyền Tokyo sẽ không có cách nào giải quyết được vụ này

Ishihara từng bày tỏ quan ngại sự bành trướng "vô tổ chức" của Trung Quốc. Ông chỉ trích chính phủ chưa cố hết sức bảo vệ Senkaku, đồng thời cho rằng, Tokyo đã quá nhượng bộ Bắc Kinh vì cả tin Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng khổng lồ. Theo ông, Trung Quốc đang không ngừng thể hiện tham vọng khống chế Thái Bình Dương bằng kế hoạch chiếm Senkaku. Ông yêu cầu Nhật Bản phải "khóa cửa nhà thật chắc" trước ý đồ "đánh cắp đồ đạc" của nước láng giềng. Ishihara cực kỳ nóng giận trước phản ứng của Trung Quốc đến nỗi ông hét lên trong chương trình trực tiếp rằng: "Tokyo quyết định mua hòn đảo. Tokyo sẽ bảo vệ những hòn đảo Senkaku".

Ông khẳng định đã bắt đầu đàm phán mua lại những đảo như Uotsurijima, Kitakojima và Minamikojima, thuộc quyền sở hữu của gia đình Kurihara, nhằm răn đe Trung Quốc về tiềm lực mạnh mẽ của Nhật Bản. Ông tuyên bố với phóng viên, rằng, Tokyo sẽ quản lý Senkaku, cải tạo những mỏm đá ngầm và các công việc khác, nhà nước sẽ tiến hành xây dựng các công trình hạ tầng tại đây. Quan điểm này được nhiều nhà lập pháp Nhật Bản ủng hộ, thể hiện thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc trong những tranh chấp trên biển Hoa Đông. Theo cách này, Ishihara có thể đã đạt được một trong số những mục đích của ông vì tuyên bố đã chọc giận Trung Quốc.

Công kích "kẻ trộm láng giềng"

Trong bối cảnh sức mạnh của Nhật Bản đang suy yếu về mọi mặt, Ishihara không chỉ hướng những bình luận của mình đến thính giả Nhật Bản mà còn muốn các quốc gia chuyển mũi công kích về phía Trung Quốc. Ông đồng thời toan tính thắt chặt hơn nữa quan hệ với Mỹ. Theo Ishihara, đây là cách duy nhất để đảm bảo an ninh hàng hải ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đáp trả thách thức hàng hải mà "gã khổng lồ" Trung Quốc đang ngày một phình to ở đại lục tạo ra. Trên thực tế sự ổn định ở biển Đông là vô cùng quan trọng với Nhật Bản vì dầu mỏ mà Tokyo nhập từ Trung Đông được vận chuyển qua vùng biển này. Mỹ có thể thúc đẩy hơn nữa quan hệ với các nước chống Trung Quốc, chặn đứng những tham vọng bá quyền, làm thay đổi tình hình an ninh khu vực.

Cuốn sách "The Japan That Can Say No" gây sốc cho phương Tây khi Ishihara luận tội chính quyền Mỹ.

Ishihara khai hỏa với chính quyền Trung Quốc bằng tuyên bố Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật sẽ lập tức có tác dụng nếu Trung Quốc có hành động quân sự gần Senkaku. Ông cho biết, Nhật Bản cần phải tự bảo vệ thông qua mối quan hệ hợp tác với Mỹ và trong một số trường hợp cần phải lên tiếng rõ ràng với Trung Quốc, đồng thời dọa sẽ cầu viện tới hiệp ước an ninh. Trong khi đó, phía Trung Quốc liên tục ra thông cáo coi đảo Senkaku là lợi ích cốt lõi, đồng thời thể hiện rõ quan điểm "cần đập tan sự kiểm soát thực tế của Nhật Bản" đối với quần đảo này.

Ông chỉ trích cách giải quyết vấn đề của Chính phủ Nhật Bản đối với Senkaku bằng lời lẽ khá gay gắt: "Trong bối cảnh Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đập cửa xông vào mà Nhật Bản vẫn đóng cửa im ỉm như vậy quả thực là ngu xuẩn". Với ông, việc Trung Quốc khăng khăng khẳng định chủ quyền ở Senkaku là một hành vi của chủ nghĩa bá quyền, là "ăn cướp" trắng trợn.

Tuy nhiên, đại sứ Nhật Bản Niwa cho biết, nếu kế hoạch của Ishihara được thực hiện thì nó sẽ gây ra cuộc khủng hoảng trầm trọng trong quan hệ Nhật - Trung. Kế hoạch này sẽ ảnh hưởng tới tiến bộ mà hai nước đã đạt được kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1972, và theo ông "không thể cho phép những nỗ lực của hàng thập kỷ qua trở thành con số không". Thậm chí một cuộc thị sát các đảo trước khi mua cũng có thể trở thành mồi lửa làm bùng nổ tranh cãi ngoại giao, có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Nhật-Trung.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân liên tục ra tuyên bố: Điếu Ngư là của Trung Quốc, tái khẳng định quan điểm của chính phủ nước này: "Bất kỳ hành động đơn phương nào của Nhật Bản đối với Điếu Ngư và các đảo lân cận cũng là bất hợp pháp và không có giá trị, không thể thay đổi được sự thực Trung Quốc sở hữu chúng".

Thị trưởng của những phát ngôn gây sốc

Bên cạnh vụ tranh chấp Senkaku, Ishihara khá nổi tiếng với những phát biểu nhạy cảm gây tranh cãi và chỉ trích. Trong một bài phát biểu trước các binh sĩ thuộc Cục Phòng vệ Nhật Bản, Ishihara tuyên bố rằng, những người nước ngoài và nhóm "sangokujin" (tam quốc nhân, một từ ngữ với ý nghĩa miệt thị ám chỉ những người Hán và người Triều Tiên sống và làm việc tại Nhật Bản) đã liên tiếp gây ra nhiều tội ác tàn bạo ở Nhật Bản. Phát biểu này đã gây ra nhiều phản ứng cùng với áp lực đòi từ chức và yêu cầu xin lỗi từ phía người Triều Tiên ở Nhật Bản. Sau đó, Ishihara đã phải chữa cháy rằng "sangokujin" ở đây ám chỉ dân nhập cư bất hợp pháp đến Nhật Bản từ nước ngoài.

Ishihara tiếp tục "lỡ miệng" khi nói “tiếng Pháp không xứng đáng trở thành một ngôn ngữ thế giới vì nó là một thứ tiếng không ai tin tưởng được". Thế là ông hứng chịu hàng loạt các đơn kiện từ các trường dạy ngoại ngữ vì thái độ thiếu tôn trọng đối với văn hóa Pháp. Chưa hết, khi nói về trận động đất Sendai năm 2011, ông nói: Thảm họa này là do trời phạt dân Nhật bởi vì họ quá tham lam! Câu phát biểu này đã nhanh chóng gây ra nhiều tranh cãi và phẫn nộ từ dư luận trong lẫn ngoài nước Nhật. Bản thân Thị trưởng Miyagi đã bày tỏ sự không hài lòng về phát biểu của Ishihara, cho rằng Ishihara phải suy nghĩ đến những nạn nhân của thảm họa sóng thần và buộc Ishihara phải xin lỗi về lời phát biểu này.

Ishihara rất đặt nặng vấn đề tội phạm và đạo đức. Ông từng gây ra tranh cãi khi ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản và có một số biểu hiện phân biệt chủng tộc, xét nét quá khứ và phân biệt đối xử giới tính. Tuy nhiên, Ishihara cũng rất ái quốc, thẳng thắn, bộc trực. Ông ủng hộ thuyết hiện sinh, yêu tự do và luôn tràn đầy nhiệt huyết. Từng có thời người ta miêu tả Ishihara là anh hùng dân tộc khai sáng và thanh lọc những tàn dư của chính quyền cũ vốn đã mục ruỗng giai đoạn những năm 90. Ishihara nổi lên như một ngọn đuốc sáng trong nội các chính phủ bấy giờ, chống lại tham nhũng, hối lộ, quan liêu, thẳng tay chỉ trích bất kỳ bộ trưởng nào mắc sai phạm. Theo lẽ đó, ông đã ghi điểm trong mắt cử tri ở các cuộc bầu cử, thậm chí còn được kỳ vọng sẽ trở thành thủ tướng Nhật Bản trong tương lai không xa…

Trần Quân - Anh Doãn (theo Japantimes.co.jp)
.
.