Cư dân khối Liên Xô cũ lo ngại về thực trạng hiện nay

Thứ Sáu, 22/01/2010, 23:45
Trường đại học Tổng hợp Nam California (Mỹ) vừa kết thúc một đề tài nghiên cứu chuyên sâu tại 13 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xôviết trước đây, cho thấy sự bất mãn của đa phần dân chúng trước thực trạng đời sống bấp bênh và nạn tội phạm lộng hành.

Đề tài nghiên cứu bao trùm hai thập niên qua, bắt đầu từ thời điểm cuối năm 1989 giữa cao trào "cải tổ" của vị Tổng thống Liên Xô đầu tiên và duy nhất Mikhail Gorbachov. Kế đến là sự tan rã của Liên bang Xôviết kéo theo những hệ lụy khôn lường. Về mặt xã hội học, sự biến chuyển từ mô hình kinh tế tập trung bao cấp sang gắn với thị trường tự do đã phá vỡ các chuẩn mực truyền thống, đà ly hôn và tự vẫn tăng cao song hành với tệ bạo lực gia đình, nạn nghiện rượu và ma túy được dịp "bùng nổ". Những cải cách chính trị sâu rộng thực ra chẳng tác động mấy đến việc nâng cao phúc lợi của dân chúng.

Mục đích hàng đầu của cuộc nghiên cứu nhằm đánh giá chỉ số hạnh phúc của người dân trong các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, tái khẳng định luận điểm tự do chính trị đi kèm tăng trưởng kinh tế ắt đem lại sự mãn nguyện cho mọi người. Nhưng các kết quả thăm dò dư luận khiến giới triết gia thủ cựu ngỡ ngàng. Hầu như hiếm người được hỏi đả động đến quyền lợi chính trị riêng tư; đa phần đều lên tiếng phàn nàn rằng cải cách kinh tế vô hình trung đã hạ thấp hạnh phúc cá nhân, hệ lụy trực tiếp từ việc ngân sách dành cho phúc lợi xã hội cứ ngày một "teo tóp" dần.

Dưới thời Liên bang Xôviết toàn dân được hưởng quy chế khám chữa bệnh miễn phí, chẳng ai sợ bị thất nghiệp, còn nạn băng đảng tội ác tuyệt nhiên không xuất hiện. Thực trạng hiện thời là người dân không lưu tâm lắm đến các chương trình ở cấp vĩ mô, điều họ trăn trở thường trực theo thứ tự ưu tiên là sức khỏe bản thân, đời sống gia đình và của cải vật chất kiếm được. Điều duy nhất mà dân chúng cảm thấy thỏa mãn là hàng hóa dồi dào và đa dạng, tuy có những mặt hàng mà người có mức thu nhập bình thường không dễ "với tới". Một vấn đề bất cứ ai được hỏi cũng nhắc đến là nỗi sợ "bóng ma" lạm phát, điều mà người Xôviết trước đây chưa hề phải đối mặt.

Ngoài ra, các nhà tâm lý học tham gia cuộc nghiên cứu đều nhất trí nhận thấy rằng, lớp người trên 30 tuổi cảm thấy hạnh phúc hơn trong giai đoạn đầu của thời kỳ "hậu cải tổ", còn giới cao niên lại vấp phải những hệ quả do quỹ phúc lợi eo hẹp. Vào năm cuối cùng của thế kỷ trước, chỉ số hạnh phúc của cư dân Liên Xô cũ có nhích lên, nhưng tới năm 2005 lại tụt giảm và kéo dài cho tới nay

Quang Long (theo Itar-Tass)
.
.