Cục diện mới trong cuộc xung đột Israel - Liban

Thứ Năm, 03/08/2006, 08:00

Mặc dù chiến sự giữa Israel với Hezbollah (Liban) và Hamas (Palestine) vẫn tiếp diễn, nhưng tình thế đang thay đổi. Những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột được tăng cường ráo riết hơn. Cộng đồng Arập đã quay sang ủng hộ Hezbollah chống lại Israel.

Ngày 31/7, chính quyền Israel đã quyết định tạm ngừng các cuộc không kích ở miền Nam Liban trong vòng 48 tiếng để điều tra vụ Qana. Đó là vụ máy bay Israel oanh tạc làng Qana ở Nam Liban hôm chủ nhật (30/7) làm chết gần 60 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, trong đó có khoảng 30 trẻ em. Đây là cuộc tấn công khiến nhiều người thiệt mạng nhất trong vòng hơn 20 ngày diễn ra giao tranh. Thủ tướng Liban Fouad Siniora đã lên án tội ác ghê tởm chống lại dân thường của Israel sau vụ ném bom Qana làm nhiều người trú dưới hầm tử nạn. Ông Siniora nói chính phủ của ông sẽ không thương thuyết gì với phía Israel chừng nào mà nước này không ngừng các cuộc tấn công.

Chiến sự cũng đã mở rộng tới biên giới Liban - Syria. Theo các nhân chứng và quan chức Liban, các trận không kích của Israel đã khiến cửa khẩu chính từ Liban sang Syria bị đóng lại.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Olmert vẫn tỏ ra cứng rắn khi nói rằng ông không thể ra lệnh chấm dứt không kích vào Liban và tuyên bố Israel sẽ không vội vàng ngừng bắn ở Liban cho tới khi đạt được mục tiêu mà nước này đề ra là tiêu diệt sức kháng cự của Hezbollah. Trong những ngày qua, quân đội Do Thái cũng đã tiến vào sâu trong lãnh thổ Liban và các cuộc đấu súng với du kích Hezbollah nổ ra dữ dội. Nội các an ninh Israel đã quyết định triệu tập 30.000 quân dự bị nhằm bổ sung cho lực lượng đang giao chiến tại nam Lebanon.

Về phần mình, Hezbollah cũng tiếp tục bắn tên lửa vào các vùng ở miền Bắc Israel. Tên lửa Katyusha của Hezbollah đã nã vào thị trấn Kiryat Shemona của Israel làm một số người bị thương. Người dân Israel mô tả chiến sự đã vào hồi ác liệt nhất.

Còn lực lượng “gìn giữ hòa bình” của Liên Hiệp Quốc (LHQ) phải đi tránh bom đạn sau khi bị tổn thất do máy bay Israel thả bom “nhầm”. LHQ công bố kế hoạch di dời các quan sát viên không có vũ trang khỏi các chốt dọc theo biên giới Israel tới một địa điểm có sự bảo vệ của UNIFIL - quân gìn giữ hòa bình LHQ tại Liban.

Trong những ngày này, cộng đồng thế giới vẫn tiếp tục những nỗ lực để chấm dứt cuộc xung đột. Hội đồng Bảo an LHQ cũng có cuộc gặp khẩn để thảo luận về khủng hoảng Trung Đông... Vụ đánh bom Qana cũng khiến quốc tế đồng loạt lên án và khiến các nỗ lực ngoại giao để giải quyết khủng hoảng càng trở nên gấp rút hơn.

Mặc dù trước đó không lâu, trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Anh T.Blair còn nhất trí với Tổng thống Mỹ G.Bush là phải đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài chứ không phải ngừng bắn ngay lập tức, ông T.Blair thừa nhận rằng những gì xảy ra tại Qana đã "thay đổi tất cả". Thủ  tướng Anh T.Blair đã tuyên bố rằng tình trạng này không thể tiếp diễn và cần chấm dứt một khi có nghị quyết của LHQ.

Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ lập trường của Israel. Đại sứ Mỹ John Bolton nói Washington vẫn phản đối một lệnh ngừng bắn khẩn cấp và đưa ra một giải pháp lâu dài. Sau khi dự Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice quay lại Trung Đông. Bà Rice có kế hoạch đi vận động các bên ủng hộ một nghị quyết của LHQ nhằm dẫn tới việc triển khai lực lượng quốc tế tới Nam Liban. Nhưng sau cuộc không kích Qana đẫm máu của Israel, Ngoại trưởng Mỹ C. Rice không dám thực hiện chuyến đi tới Lebanon như dự kiến mà quay về Washington ngay.

Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, nhà hòa giải chính trong cuộc xung đột Israel - Arập 25 năm qua, đang bày tỏ sự bất bình trước cách giải quyết khủng hoảng ở Liban của chính quyền Bush. Trả lời các câu hỏi của tạp chí TIME, Tổng thống Mubarak nói rằng, phản ứng của Washington trước cuộc xung đột mới ở Trung Đông là “quá ít, quá muộn” và chiến dịch quân sự của Israel đã “đi quá xa” và “chọc giận trong cộng đồng Arập, Hồi giáo và cả thế giới”.

Vào cuối tuần qua, Pháp đã gửi tới  14 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ một bản dự thảo nghị quyết kêu gọi chấm dứt giao tranh ngay lập tức giữa Israel và Hezbollah. Bản dự thảo nhấn mạnh việc cần thiết phải "tạo điều kiện cho một giải pháp ngừng bắn lâu dài cho cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Israel và Liban". Ngoài ra, đề xuất của Pháp còn nêu bật việc phải chấm dứt tình trạng bạo lực leo thang và "giải quyết khẩn cấp nguyên nhân sâu xa dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay".

Có một diễn biến mới đáng chú ý là, khi cuộc khủng hoảng Liban bắt đầu, chính phủ một số nước Arập gay gắt lên án Hezbollah khiêu chiến, nhưng giờ đây họ đã thay đổi thái độ. Khi hàng trăm người Liban thiệt mạng và Hezbollah cầm chân quân đội hùng mạnh của Israel suốt hơn 20 ngày qua, dư luận tại các nước Arập hướng sang ủng hộ Hezbollah và thủ lĩnh Sheik Hassan Nasrallah được ngợi ca như một anh hùng dân tộc. Lần đầu tiên, lực lượng Hezbollah lại giành được sự ủng hộ từ rất nhiều người dân. Nếu Israel thực sự tin rằng, chiến sự bùng nổ chống lại Hezbollah ở Nam Liban sẽ khiến dân chúng địa phương nổi lên chống lại nhóm Shi'ite này, thì những thông tin về số người thiệt mạng, về những khu vực bị phá hủy có hiệu quả hoàn toàn ngược lại. Người ta cho rằng, một thế hệ những người ủng hộ Hezbollah đã ra đời.

Trong khi đó, mạng lưới Al-Qaeda cũng đã lợi dụng cuộc xung đột này để khuếch trương thanh thế của mình. Phó tướng Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri cảnh báo Al-Qaeda sẽ đáp trả các cuộc tấn công nhằm vào người Hồi giáo ở Liban và Gaza...

Xem ra tình thế cuộc chiến đang có nhiều thay đổi theo những chiều hướng khó đoán định

Nguyễn Khắc Đức
.
.