Cục điều tra trung ương – cơ quan phá án hàng đầu của Ấn Độ

Thứ Tư, 10/12/2008, 18:00
Để tạo lòng tin trong dư luận và đẩy mạnh công tác phá án một cách hiệu quả, nhất là đối với các vụ trọng án, Chính phủ Ấn Độ quyết định thành lập Cục Điều tra trung ương theo mô hình hoạt động của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Vào ngày 1/4/1963, CBI chính thức được thành lập.

Vào ngày 4/2/2003, xác một bé trai 12 tuổi được phát hiện tại một ngôi nhà hoang ở làng Nithari gần thành phố Noida, bang Uttar Pradesh. Hai tuần sau, ngày 18/2/2003, xác của một bé trai 10 tuổi khác lại được tìm thấy trong một căn chòi ở phía nam làng Nithari. Và thế là từ đó đến cuối tháng 5/2003 lại liên tiếp xảy ra những cái chết bí ẩn của 10 nạn nhân nhỏ tuổi khác, trong đó có 3 bé gái.

Cục Điều tra trung ương Ấn Độ (CBI) được lệnh vào cuộc. Đích thân thanh tra cao cấp Nayak Sharma đã dẫn Đơn vị Điều tra trọng án (DSC) của CBI đến thành phố Noida để điều tra.

Sau khi tiến hành khám nghiệm và so sánh các hiện trường, thanh tra DSC đã lần ra được dấu vết của thủ phạm, một người đàn ông 43 tuổi tên Moninder Singh là chủ một nông trại nhỏ. Singh bị tuyên án tử hình. Việc nhanh chóng phá vụ án giết hại trẻ em hàng loạt tại làng Nithari là  một trong những chiến công của CBI.

Vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước, tình hình phát triển các loại tội phạm lan rộng khắp Ấn Độ. Nhiều vụ trọng án đã xảy ra không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực xã hội, quốc phòng...

Tuy nhiên, do năng lực điều tra phá án của các đơn vị chuyên trách từ trung ương đến địa phương còn hạn chế đã dẫn đến tình trạnh đình trệ trong điều tra phá án.

Để tạo lòng tin trong dư luận và đẩy mạnh công tác phá án một cách hiệu quả, nhất là đối với các vụ trọng án, Chính phủ Ấn Độ quyết định thành lập Cục Điều tra trung ương theo mô hình hoạt động của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Vào ngày 1/4/1963, CBI chính thức được thành lập.

CBI là cơ quan duy nhất tại Ấn Độ được quyền hợp tác điều tra với các quốc gia thành viên của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). CBI có quyền tham gia điều tra với các cơ quan an ninh, tình báo đối với những vụ án liên quan đến an ninh quốc gia có yếu tố của tội phạm tham nhũng, hối lộ, giết người.

Về tổ chức, CBI không tuyển dụng nhân viên từ ngoài xã hội mà chỉ xét tuyển từ 3 nguồn nhân lực chính là: từ các đơn vị cảnh sát chuyên nghiệp của Bộ Nội vụ, lực lượng cảnh sát địa phương và sĩ quan quân đội tại ngũ. Các điều tra viên của CBI có tuổi đời trên 25, có thâm niên phục vụ  chuyên ngành trên 3 năm, từng tham gia phá án thành công nếu được tuyển dụng từ các đơn vị cảnh sát chuyên nghiệp của Bộ Nội vụ và lực lượng cảnh sát địa phương.

Sau khi được tuyển dụng, các nhân viên mới của CBI sẽ phải trải qua 18 tháng huấn luyện nghiệp vụ tại Học viện có khuôn viên rộng đến 26,5ha của CBI tại thành phố Ghaziabad, bang Uttar Pradesh.  Học viện của CBI tại Ghaziabad còn là nơi đặt các cơ sở xét nghiệm chứng cứ thu thập từ các vụ án và thử nghiệm các công cụ, phương tiện mới phục vụ cho công tác điều tra phá án

V.H. (Theo Global Security)
.
.