Cúm A/H1N1 có bị thổi phồng thành đại dịch?

Thứ Sáu, 15/01/2010, 03:40
Mới đây, nhà báo nổi tiếng người Mỹ F. William Engdhal, từng có nhiều cuốn sách viết về những vấn đề năng lượng và địa chính trị, đã có phóng sự điều tra vạch trần  những thủ đoạn của một nhà khoa học nổi tiếng trong việc đánh lừa dư luận thế giới, cảnh báo thái quá tác động của dịch cúm A/H1N1, từ đó tạo cơ hội làm giàu bất chính cho những công ty dược phẩm mà ông ta làm việc.

Với biệt danh "Giáo sư cúm", nhà virus học Albert Osterhaus, người Hà Lan, là cố vấn chính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong kế hoạch ngăn ngừa đại dịch cúm A/H1N1. Từ nhiều năm qua, Giáo sư Osterhaus luôn cảnh báo thế giới sẽ phải đối mặt với một đại dịch toàn cầu mới và những gì diễn ra vừa qua đã khẳng định điều mà vị giáo sư này dự báo là có lý.

Tuy nhiên, vụ bê bối bùng phát tại Hà Lan, biến thành đề tài gây tranh cãi lớn tại Quốc hội nước này, đã làm lộ rõ những mối liên hệ cá nhân giữa giáo sư Osterhaus với các doanh nghiệp sản xuất vaccine mà WHO đã đặt mua hàng triệu triệu liều.

Trong suốt năm 2009, Quốc hội Hà Lan đã có nghi ngờ đối với vị giáo sư nổi tiếng và từng mở một cuộc điều tra để làm rõ những tai tiếng về xung đột quyền lợi và hành vi tham ô của nhân vật này. Nếu như các phương tiện truyền thông của Hà Lan đưa tin đậm đặc về vụ việc này thì bên ngoài chỉ có duy nhất tờ tạp chí khoa học danh tiếng của Anh là Science trong số ra ngày 16/10/2009, có phản ảnh vài dòng về cuộc điều tra trên của Quốc hội Hà Lan.

Không phải trình độ hay khả năng của Giáo sư Osterhaus bị nghi ngờ mà chính là tính độc lập trong những phán xét của cá nhân ông về khả năng bùng phát đại dịch cúm A/H1N1. Tại Hà Lan, từ 6 tháng nay, thật khó có thể tìm thấy kênh truyền hình nào không có sự xuất hiện của nhà virus học Albert Osterhaus, suốt ngày nói ra rả về nguy cơ bùng phát đại dịch cúm A/H1N1.

WHO nâng mức cảnh báo dịch cúm A/H1N1 thành đại dịch toàn cầu tháng 6/2009.

Điều này âu cũng là bình thường vì vào thời gian này, nhiều quốc gia liên tục báo cáo có những trường hợp nhiễm cúm mới và vị "Giáo sư cúm" này lại là giám đốc của một phòng thí nghiệm nổi tiếng thế giới nằm trong khuôn viên Trung tâm Y khoa của Đại học Érasme, thành phố Rotterdam, Hà Lan.

Nhưng tuần trước, sự nổi tiếng này đã nhanh chóng bị dập tắt sau khi có tin đồn rằng, việc vị giáo sư này liên tục lên tiếng cảnh báo về một đại dịch cúm đang cận kề thực chất là nhằm phục vụ cho những quyền lợi của chính phòng thí nghiệm của ông ta trong việc đưa vào sử dụng những loại vaccine ngừa bệnh mới. Vào thời điểm các báo đặt vấn đề đối với những cảnh báo của Giáo sư Osterhaus thì Thượng viện Hà Lan thông báo sẽ đưa vấn đề này ra tranh luận tại Quốc hội và liệt vào danh sách những vấn đề nổi cộm và cấp bách.

Ngày 3/11/2009, trang mạng của tạp chí Science thông báo: "Thượng viện Hà Lan đã bác bỏ kiến nghị yêu cầu chính phủ nước này phải cắt đứt ngay lập tức quan hệ với nhà virus học Albert Osterhaus, do người này đang là đối tượng có liên quan trong một vụ tranh chấp quyền lợi với tư cách là cố vấn của chính phủ". Theo điều luật về minh bạch tài chính đối với những công trình nghiên cứu khoa học tại Hà Lan, thì tất cả các nhà khoa học phải công khai những khoản tiền thu được từ việc hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân.

Trong một thông báo trên trang mạng của Bộ Y tế Hà Lan, Bộ trưởng Klink, người có quan hệ cá nhân khá mật thiết với Giáo sư Osterhaus, khẳng định rằng ông Osterhaus chỉ là một trong nhiều cố vấn của Bộ Y tế trong vấn đề mua vaccine ngừa cúm A/H1N1.

Ông Klink cũng cho biết rằng, ông nắm rất rõ về những lợi ích tài chính của Giáo sư Osterhaus. Tuy nhiên, việc nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về hồ sơ Osterhaus đã cho thấy rằng, nhà virus học nổi tiếng này có thể là tâm điểm của một vụ lừa đảo hàng tỉ USD, liên quan tới nguy cơ về cái gọi là đại dịch cúm A/H1N1. Một hệ thống lừa đảo mà trong đó các loại vaccine chưa qua thử nghiệm lâm sàng đã được đưa vào sử dụng. Đây là thứ có thể gây ra những di chứng nghiêm trọng, thậm chí gây chết người.

Thực tế thì ban đầu Albert Osterhaus không phải là kẻ tồi. Ông ta là người đóng vai trò đáng kể trong tất cả những thời khắc quan trọng bởi sự xuất hiện của virus gây bệnh SRAS (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) ở Hongkong. Theo bản lý lịch chính thức tại Ủy ban châu Âu tháng 4/2003, thời điểm bùng phát cực độ của dịch SRAS, Osterhaus đã dấn thân vào những cuộc nghiên cứu các trường hợp nhiễm bệnh tại Hongkong.

Trong báo cáo của Ủy ban châu Âu có đoạn: "Một lần nữa, ông ta (Osterhaus) chứng tỏ được tài năng trong việc phản ứng nhanh trước những tình huống nghiêm trọng. Trong 3 tuần, ông ta đã chứng minh được rằng SRAS được gây ra bởi một loại virus coronavirus vừa được phát hiện trước đó ở loài cầy hương, dơi và những động vật ăn thịt khác".

Chiến dịch cảnh báo của Osterhaus về nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm đã bùng nổ vào năm 2003, sau khi một bác sĩ thú y Hà Lan báo cáo về một trường hợp tử vong. Osterhaus cho rằng cái chết của nạn nhân trên là do bị lây nhiễm virus H5N1 và thuyết phục Quốc hội Hà Lan ra lệnh tiêu hủy hàng triệu con gà. Tuy nhiên, sau đó không có thêm một trường hợp tử vong nào khác do virus H5N1.

Theo Osterhaus, điều đó chứng tỏ chiến dịch ngừa dịch đã phát huy hiệu quả. Nhà virus học này còn cho rằng, phân gia cầm phát tán virus và từ đó lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số rất nhiều mẫu phân gia cầm được đông lạnh mà Osterhaus và các cộng sự của ông thu gom lại chỉ có duy nhất một mẫu có biểu hiện nhiễm virus H5N1.

Năm 2006, tại Hội nghị của Tổ chức Dịch động vật quốc tế, nay gọi là Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới, Osterhaus và các cộng sự tại Đại học Érasme đã bị buộc phải thừa nhận rằng, khi thử nghiệm 100.000 mẫu phân gia cầm, họ đã không phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào của virus H5N1.

Năm 2008, trong cuộc họp chuyên đề của WHO tại Vérone, Osterhaus thừa nhận rằng những kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy mức độ nguy hiểm của virus H5N1 không đáng phải đưa ra cảnh báo, và không gì khẳng định rằng virus này có thể gây ra một đại dịch toàn cầu.

Vì nhận thấy virus cúm gia cầm không có khả năng làm chết hàng loạt nạn nhân trên thế giới và lúc này các hãng dược phẩm Roche và GlaxoSmithKline đã kiếm được hàng tỉ USD nhờ bán hai loại thuốc chống cúm gia cầm là Tamiflu và Relenza cho chính phủ các nước, Osterhaus và những cố vấn khác của WHO bắt đầu quay sang một mảnh đất màu mỡ khác.--PageBreak--

Tháng 4/2009, công trình nghiên cứu của họ đã bắt đầu gặt hái thành công khi một em bé ở La Gloria, một ngôi làng nhỏ ở Mexico, đã được chẩn đoán là nhiễm loại virus cúm heo hay H1N1. Ngay sau đó, bộ máy tuyên truyền của WHO đã được khởi động với những tuyên bố của Giám đốc WHO, bà Margaret Chan, về khả năng bùng phát một đại dịch cúm A/H1N1. Sau tuyên bố trên, hàng loạt trường hợp khác được phát hiện tại La Gloria và được một trang web y khoa cho rằng, đó là một thể lạ của viêm phổi và đường hô hấp cấp tính, thể bệnh lạ này phát triển thành viêm phế quản phổi ở một số bệnh nhân là trẻ em.

Một người dân ở La Gloria còn miêu tả những triệu chứng của căn bệnh như sốt, ho và chảy máu mũi nghiêm trọng. Mọi ánh mắt bắt đầu dồn về những trại chăn nuôi lợn tại đây, rồi trong nhiều tháng sau đó người dân địa phương đã kéo tới trụ sở của các tập đoàn chăn nuôi gia súc để phản đối và cho rằng, họ bị mắc bệnh hô hấp là hít phải mùi phân lợn từ các trại chăn nuôi.

Ngày 11/6/2009, Margaret Chan thông báo: Cúm A/H1N1 đã trở thành đại dịch toàn cầu. Nhưng điều kỳ lạ là khi đưa ra thông báo trên bà Chan cũng chỉ rõ rằng theo những thông tin mà WHO có trong tay tính đến thời điểm đó, một số lượng lớn những người nhiễm virus H1N1 mới chỉ có những triệu chứng bệnh lành tính và nhiều người phục hồi rất nhanh và toàn diện, đặc biệt nhiều trường hợp không cần chữa trị gì cả.

Tuy nhiên, theo bà Chan, ở cấp độ toàn cầu thì số lượng người tử vong vì virus H1N1 là chưa cao nhưng WHO đưa ra cảnh báo trên nhằm ngăn chặn một khả năng bùng phát bất ngờ số lượng người nhiễm bệnh ở mức độ nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Lời cảnh báo đại dịch của WHO đã buộc chính phủ các nước mua số lượng cực lớn vaccine phòng bệnh.

Sau này người ta mới biết được rằng sở dĩ bà Chan đưa ra thông báo như vậy là sau các cuộc họp căng thẳng tại WHO, và dựa trên những lời tư vấn của Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của WHO (SAGE). Một trong những thành viên của SAGE khi đó và hiện nay là "Giáo sư cúm", Albert Osterhaus.

Ông Osterhaus không chỉ đưa ra một quan điểm mang tính chiến lược để yêu cầu WHO phải ban bố tình trạng đại dịch mà còn là chủ tịch một tổ chức hàng đầu về lĩnh vực này, Nhóm hành động của các nhà khoa học châu Âu về cúm (ESWI). ESWI là nhóm định hướng dư luận về cúm với mục đích là chống lại những tác động của một đại dịch cúm toàn cầu.

ESWI do Osterhaus dẫn dắt là trụ cột trung tâm giữa WHO và Viện Robert Koch tại Berlin và Đại học Connecticut của Mỹ. Điều thú vị nhất là toàn bộ chi phí tài chính của ESWI đều do chính các hãng dược phẩm lớn trên thế giới đài thọ, và lời cảnh báo đại dịch cúm A/H1N1 của WHO đã giúp các hãng dược phẩm này kiếm được hàng tỉ USD. Nên biết, cảnh báo nguy cơ đại dịch của WHO một khi được đưa ra, đồng nghĩa với việc chính phủ các quốc gia trên thế giới buộc phải mua và dự trữ một số lượng lớn vaccine ngừa bệnh.

Thực tế là mới đây vì dự trữ quá nhiều, chính phủ một số nước đã phải bán lại vaccine phòng cúm A/H1N1. ESWI nhận tiền tài trợ từ các hãng bào chế vaccine phòng cúm A/H1N1 như Baxter Vaccine, MedImmune, GlaxoSmithKline, Sanofi Pasteur, Novartis, và nhà phân phối Tamiflu, Hofmann-La Roche.

Theo tính toán của Ngân hàng JP Morgan, nhờ vào cảnh báo đại dịch cúm A/H1N1 vừa qua của WHO, các hãng dược phẩm lớn trên thế giới đã thu lợi được từ 7,5 đến 10 tỉ USD.

Ngoài Giáo sư Osterhaus còn có rất nhiều nhà khoa học khác làm công tác "tư vấn" cho WHO đã nhận tiền từ các hãng dược phẩm tham gia vào việc sản xuất vaccine ngừa virus H1N1. Trong đó đáng kể là bác sĩ Frederick Hayden, thành viên của SAGE, hay nhà khoa học người Anh David Salisbury, làm việc cho Bộ Y tế Anh và là người đứng đầu SAGE.

Salisbury, người bảo vệ lý tưởng cho các hãng dược phẩm, đã từng chủ tọa nhiều cuộc họp của Nhóm tư vấn về H1N1 tại WHO. Tại Anh, Salisbury đã bị Nhóm bảo vệ sức khỏe One Click, cáo buộc che giấu mối liên hệ giữa các loại vaccine và sự gia tăng những trường hợp tự kỷ ở trẻ em.

Điều tồi tệ hơn cả là trong các cuộc họp của các nhà khoa học "độc lập" của SAGE, lại có sự hiện diện của các nhà sản xuất vaccine như GlaxoSmithKline, Novartis, Baxter. Để trả lời cho câu hỏi vì sao SAGE lại mời các nhà sản xuất vaccine tham gia những cuộc họp như vậy, cần thiết phải trở lại một quy định của WHO. Trong nhiều thập niên gần đây, WHO đưa ra một quy định gọi là "sự hợp tác công/tư" với mục đích tăng nguồn tài trợ cho tổ chức này.

Nhưng thay vì chỉ nhận tài trợ từ chính phủ các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc như quy định ban đầu, bây giờ WHO nhận cả tiền từ phía các công ty tư nhân. Số tiền này lại cao gấp đôi so với ngân sách của Liên Hiệp Quốc phân bổ cho WHO. Những công ty tư nhân đó là ai? Đó là các hãng sản xuất vaccine và dược phẩm được lợi từ những quyết định chính thức như quyết định hồi tháng 6-2009 của WHO về cảnh báo đại dịch cúm toàn cầu.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Der Spiegel của Đức, một thành viên của Cochrane Collaboration, Tổ chức các nhà khoa học độc lập chuyên đánh giá những nghiên cứu về cúm, Giáo sư Tom Jefferson đã chỉ ra những hậu quả của việc "xã hội hóa" nguồn vốn của WHO. Tờ Washington Post trong một số ra tháng 8/2009, dẫn lời các nhà dịch tễ học nổi tiếng của Mỹ cho biết đại dịch cúm A/H1N1 như WHO đã cảnh báo là một trong những đại dịch gây ra số người tử vong ít nhất trong số những đại dịch cúm mà nhân loại biết đến.

Nói khác đi, dịch cúm A/H1N1 mà thế giới phải đối mặt vừa qua chưa đáng phải nâng cấp cảnh báo lên đại dịch toàn cầu. Igor Barinov, đại biểu Quốc hội Nga và là Chủ tịch Ủy ban Y tế Duma, mới đây đã ra lệnh cho các đại diện của Nga tại WHO tiến hành một cuộc điều tra chính thức về những dấu hiệu tham nhũng hàng loạt tại WHO và những hành động đút lót của các tập đoàn dược phẩm. Theo ông Barinov có rất nhiều lời tố cáo tình trạng tham nhũng nghiêm trọng tại WHO và một ủy ban điều tra quốc tế sẽ sớm được thành lập để làm rõ vụ việc này

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.