Cuộc chiến cam go chống tội phạm có tổ chức ở Italia

Chủ Nhật, 25/07/2010, 21:50
Ngày 13/7/2010, hơn 300 thành viên của 'Ndrangheta, một trong những tập đoàn tội phạm nổi tiếng nhất trong lịch sử đất nước Italia đã bị bắt giữ sau cuộc truy quét khổng lồ của cảnh sát nước này. Chiến dịch quy mô huy động khoảng 3.000 cảnh sát mang theo 305 lệnh bắt giữ, tiến hành 55 cuộc truy tìm và tịch thu được số tài sản trị giá đến 75 triệu USD. Đây là chiến dịch điều tra phối hợp cực kỳ chặt chẽ tiến hành đồng loạt ở cả hai miền Nam và Bắc Italia.

Cứ mỗi vài năm sau một chiến dịch trấn áp mafia quy mô, báo chí Mỹ có xu hướng loan báo rầm rộ một bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức ở Italia. Nhưng thật ra, con số những vụ bắt giữ khá lớn này cũng là một dấu hiệu cho thấy sự phát triển mạnh và lan tỏa rộng của một trong những tập đoàn tội phạm mạnh nhất và nổi tiếng nhất Italia.

160 vụ bắt giữ diễn ra ở Milan, thủ đô tài chính của miền Bắc Italia, nơi mà người ta tin là 'Ndrangheta có 500 chi nhánh. Không nổi tiếng bằng Cosa Notra ở Sicile và Camorra ở Naples, nhưng 'Ndrangheta có vẻ nhiều bí ẩn hơn. Theo tổ chức Eurispes của Italia, 'Ndrangheta cũng là một trong những tập đoàn tội phạm có tổ chức giàu nhất Italia, làm giàu phần lớn nhờ vào hoạt động buôn ma túy.

Eurispes đánh giá tài khoản mạng lưới tội phạm có tổ chức chiếm khoảng 9% GDP của Italia và 'Ndrangheta chiếm 1/3 trong số đó. Trong hơn 2 năm kiên nhẫn điều tra, cảnh sát và các công tố viên thu thập được số lượng bằng chứng khổng lồ - 64.000 giờ băng hình video và hơn 1 triệu cuộc trao đổi qua điện thoại.

Cùng với việc bắt giữ nhiều ông trùm mafia - trong đó bao gồm một người mà cảnh sát tin đó là nhân vật số 1 của 'Ndrangheta: Domenico Oppedisano, 80 tuổi - cuộc điều tra đang tiếp diễn còn giúp cho chính quyền Italia một cái nhìn sâu hơn vào thế giới của 'Ndrangheta. Khác với suy nghĩ trước đây - cho rằng 'Ndrangheta chỉ là một tổ chức "nằm ngang" gồm nhiều nhóm hoạt động độc lập với nhau, nay cảnh sát tin rằng tập đoàn này thật sự có cấu trúc "chiều dọc" hết sức chặt chẽ, với sự phân ngôi thứ và cấp bậc rõ ràng với một hội đồng tối cao chịu trách nhiệm mọi quyết định quan trọng nhất.

Khi các thành viên của nhóm ở Milan rục rịch muốn hoạt động độc lập thì thủ lĩnh của nhóm sẽ bị thủ tiêu ngay tức khắc. Chi tiết và chất lượng của những thông tin thu thập được trong chiến dịch này hứa hẹn một bước đột phá thật sự trong việc thâm nhập cơ cấu của 'Ndrangheta.

Đó là những tin tốt, còn bây giờ đến tin xấu. Mặc dù cảnh sát Italia có được nhiều thành công đáng kể trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức trong nước trong vòng 15 năm qua, nhưng những vụ bắt giữ và truy tố liên tiếp - về thực chất - vẫn không hề làm suy giảm được quyền lực khủng khiếp của mạng lưới tội phạm có tổ chức ở nước này. Cảnh sát và đội ngũ công tố viên đang phải chiến đấu trong một cuộc chiến cam go mà trong đó họ còn phải va chạm với giới chính khách Italia, bởi vì nhiều chính khách tiếp tục có quan hệ thân thiết với những ông trùm của thế giới ngầm. Hơn nữa, nhiều chính khách Italia còn tiếp tục được thăng chức và hưởng lợi nhuận cao từ một hệ thống tham nhũng và bảo trợ tạo vô số những cơ hội kiếm tiền cho các tập đoàn mafia như 'Ndrangheta.

Vào ngày mà chiến dịch trấn áp 'Ndrangheta được loan báo, mọi tờ báo của Italia đều đưa tin dày đặc về một cuộc điều tra khác trong đó vài chính khách có quyền lực trong tay và những doanh nhân có quan hệ với chính quyền bị buộc tội đã thành lập một cơ cấu gọi là "chính quyền trong chính quyền" song song nhằm mục đích lèo lái những hợp đồng của chính quyền, gây ảnh hưởng đến hệ thống tư pháp nước Italia, và sử dụng thông tin giả nhằm đe dọa hay vu khống những đối thủ chính trị. Một trong những mục đích của nhóm này là tranh giành những hợp đồng hết sức béo bở cho một doanh nhân đáng ngờ có một quá khứ tội phạm - đó là Flavio Carboni - cho phép ông ta xây dựng những trạm năng lượng gió ở ngoài khơi đảo Sardinia của Italia ở Địa Trung Hải.

Các công tố viên nghi ngờ các nhóm Camorra ở Naples đứng sau mạng lưới công ty của Carboni. Thêm vào đó là sự liên quan đến Camorra của Nicola Cosentino (Thứ trưởng Kinh tế của Berlusconi) và một chính khách ở Naples được các thành viên mafia coi là một trong những người bạn thân nhất của Camorra. Nhưng bất chấp mọi sự nghi ngờ, Thủ tướng Berlusconi vẫn tỏ ra ưu ái đối với Cosentino cho đến khi cảnh sát có được khá nhiều bằng chứng mới chống lại ông ta. Sau đó một số thành viên trong đảng của Berlusconi bắt đầu nổi loạn và buộc Cosentino từ chức.

Hệ thống chính trị ở Italia đã cung cấp một mảnh đất màu mỡ cho tội phạm có tổ chức của nước này. Chính những mối quan hệ với các chính khách, thẩm phán và doanh nhân đã tạo thuận lợi cho các tập đoàn mafia có được quyền lực đặc biệt, bất khả xâm phạm và khả năng len lỏi vào chính trường để chiếm giữ những vị trí quan trong trong chính quyền Italia. Những hợp đồng kinh tế của chính quyền là một trong những nguồn thu nhập đáng kể cho các tập đoàn tội phạm chính ở Italia. Ví dụ, những dự án công trình công cộng được thiết kế nhằm quảng bá cho sự phát triển kinh tế ở miền Nam Italia đã giúp cho 'Ndrangheta từ một nhóm mafia nghèo ở vùng nông thôn trở thành một tập đoàn tội phạm hùng mạnh như hiện nay.

Chiến dịch trấn áp 'Ndrangheta mới đây của nước Italia đã vạch mặt vài chính khách địa phương, cùng với một nhúm những sĩ quan cảnh sát được cho là tham nhũng. Những chính khách chóp bu của Italia phản ứng như thế nào? Hiện tại, ông Berlusconi đang cố thúc đẩy một luật mới nhằm gây khó khăn nhiều hơn cho các công tố viên trong việc sở hữu những băng hình video - mà dĩ nhiên đó chính là "xương sống" của cuộc điều tra 'Ndrangheta cũng như vụ bê bối "năng lượng gió".

Dự luật do Thủ tướng Berlusconi đề ra sẽ coi việc lắp đặt những "con rệp" trong phần lớn những trường hợp là... bất hợp pháp. Mặc dù luật pháp miễn trừ cho những vụ việc liên quan đến mafia và khủng bố, nhưng các công tố viên chống mafia thường xuyên bị chỉ trích là hành động lắp đặt những "con rệp" của họ là một trở ngại tiềm tàng cho công việc của các chính khách? Nếu như dự luật này được thông qua, nó sẽ bao gồm cả những hình phạt cứng rắn dành cho những nhà báo và chủ báo nào dám công bố nội dung những vụ nghe trộm điện thoại - đó là nhà tù cho nhà báo và tiền phạt khổng lồ cho chủ báo! Điều này rõ ràng sẽ đặt dấu chấm hết cho sự bối rối thêm nhiều nữa cho Berlusconi và những chính khách thân cận của ông - những người dễ bị bắt quả tang nói chuyện qua điện thoại với những kẻ tình nghi tội phạm (mà điện thoại của những đối tượng này thường bị nghe trộm).

Nếu như dự luật của Berlusconi được thông qua, người dân Italia có lẽ sẽ biết rất ít hay chẳng biết gì về nhiều vụ bê bối động trời gây xôn xao dư luận nước này trong năm qua - ví dụ, Berlusconi giao du với gái mại dâm, hay vụ một bộ trưởng có được một căn hộ khang trang một cách không rõ ràng v.v... Không cần đến bằng chứng rõ ràng người ta cũng dễ nhận ra một điều là Berlusconi đã tạo nhiều đặc ân cho tội phạm có tổ chức ở Italia.

Thủ tướng Italia Berlusconi, với quyền lực trong tay, ông ta đã cố gắng để hạn chế quyền lực của hệ thống tư pháp và cuộc chiến giữa ông ta với hệ thống này chỉ bắt đầu căng thẳng trong những năm gần đây

Diên San (tổng hợp)
.
.