Cuộc chiến chống tập đoàn ma túy của Mỹ mở rộng đến Châu Phi

Thứ Bảy, 04/08/2012, 05:35

Trong nỗ lực mở rộng cuộc chiến chống các tập đoàn ma túy Mỹ Latinh đang sử dụng châu Phi để buôn lậu cocaine vào châu Âu, Mỹ đã triển khai chương trình huấn luyện một đơn vị cảnh sát tinh nhuệ chống ma túy ở Ghana và có kế hoạch thành lập những đơn vị tương tự ở Nigeria và Kenya. Theo các tài liệu chính quyền và những cuộc phỏng vấn một loạt các quan chức ở Bộ Ngoại giao cũng như Cơ quan bài trừ ma túy (DEA) và Lầu Năm Góc, Mỹ đang có kế hoạch can thiệp sâu vào châu Phi sau những nỗ lực chống ma túy ở Trung Mỹ.

Trước cuộc chiến chống ma túy quyết liệt ở Mỹ Latinh, Washington lo ngại các tập đoàn ma túy ngày càng di chuyển nhiều hơn đến các quốc gia nhỏ và yếu ở châu Phi, từ đó gây mất ổn định cho những nơi này. Quyết định mở rộng cuộc chiến chống ma túy đến châu Phi của Mỹ là dấu hiệu cho thấy Washington đang tập trung sự chú ý và mọi nguồn lực vào cuộc chiến này sau khi rút quân khỏi IraqAfghanistan.

Nói chuyện với giới truyền thông, Jeffrey P. Breeden - chỉ huy bộ phận DEA ở châu Âu, châu Á và châu Phi - thừa nhận châu Phi đang là mặt trận mới trong cuộc chiến chống khủng bố và ma túy của Mỹ. Sứ mạng mới của Mỹ ở châu Phi hình thành sau khi một số chiến dịch phối hợp giữa đội biệt kích DEA và Cảnh sát Honduras tấn công bọn buôn lậu ma túy thành công ở nước này.

Trong một chiến dịch vào tháng 5/2012, cảnh sát Honduras đã giết chết 4 tên buôn lậu ma túy gần làng Ahuas và trong hai chiến dịch khác vào tháng 6 vừa qua biệt kích DEA bắn hạ được nhiều tên khác. Tuy nhiên, hiện nay đội biệt kích DEA chưa chính thức được triển khai làm việc với các biệt đội cảnh sát tinh nhuệ mới thành lập ở châu Phi.

Vào tháng 5/2012, William R. Brownfield - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề về thực thi pháp luật và chống ma túy quốc tế, đồng thời là nhân vật hàng đầu đề ra chiến lược hiện nay ở Honduras - đã bay đến Ghana và Liberia để hoàn tất những chi tiết cuối cùng của Sáng kiến hợp tác an ninh Tây Phi, sự tiếp nối các chương trình chống các tập đoàn ma túy ở Trung Mỹ và Mexico.

Wiliam Brownfield cho biết, Mỹ đang cố gắng giúp đỡ các quốc gia trong cả hai khu vực hợp tác chia sẻ thông tin tình báo và điều hành những trung tâm huấn luyện cảnh sát đặc biệt để cải thiện khả năng chiến đấu chống bọn buôn lậu ma túy xuyên quốc gia. William Brownfield cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập ngay những biệt đội cảnh sát tinh nhuệ ở châu Phi do các tập đoàn ma túy Mỹ Latinh đã di chuyển đến khu vực này.

Một sĩ quan an ninh ngồi trước tấm biển ghi "Không mang theo ma túy!" bên ngoài sân bay quốc tế Kotoka, Ghana.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về chiến lược mới của Mỹ. Bruce Bagley - giáo sư Đại học Miami, chuyên gia về Mỹ Latinh và cuộc chiến chống ma túy - nhận định những gì xảy ra ở Tây Phi trong vài năm qua cho thấy bọn buôn lậu ma túy không bị suy yếu đi mà đơn giản chỉ là di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Giới chức chính quyền Mỹ thừa nhận cuộc chiến chống ma túy đầy cam go, song họ không bi quan cho dù sự can thiệp của Mỹ có thể dẫn đến sự gia tăng bạo lực.

Theo số liệu điều tra của Liên Hiệp Quốc, buôn lậu và tiêu thụ cocaine tăng mạnh ở Tây Phi trong những năm gần đây và từ đó góp phần gây mất ổn định tại các quốc gia như Guinea-Bissau. Cách đây vài năm, một băng nhóm buôn lậu ma túy Nam Mỹ cố gắng hối lộ con trai tổng thống Liberia để được phép sử dụng lãnh thổ nước này vào mục đích trung chuyển ma túy sang châu Âu, nhưng cuối cùng người này đã hợp tác với DEA dẫn đến một số vụ bắt giữ và xét xử buộc tội ở Mỹ.

Nhưng các quan chức Mỹ cho biết, điều đáng quan ngại hơn hết là nhóm chiến binh Al-Qaeda vùng Maghreb (AQIM) đã biệt phái 3 điệp viên giúp đỡ bọn tội phạm ma túy vận chuyển nhiều tấn cocaine xuyên Bắc Phi vào châu Âu - một hành động được coi là kiếm tiền để tài trợ những cuộc tấn công khủng bố. Tháng 3/2012, Tòa án liên bang ở New York đã xét xử vụ án này và buộc tội một số người.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, trong 2 năm qua, Mỹ đã hỗ trợ cho cuộc chiến chống ma túy ở Tây Phi tổng cộng khoảng 50 triệu USD mỗi năm, trong khi vào năm 2009 chỉ vào khoảng 7,5 triệu USD. DEA đã mở văn phòng đầu tiên ở Senagal và Lầu Năm Góc cũng đã hợp tác với đảo quốc Cape Verde (phía tây Senegal) để thành lập trung tâm dò tìm những con tàu vận chuyển ma túy.

Trước đây, DEA chỉ tập trung hỗ trợ huấn luyện cũng như cung cấp trang thiết bị cần thiết như là máy kiểm tra phát hiện nói dối cho các quốc gia bị nạn tham nhũng hoành hành gây suy yếu cho lực lượng an ninh - trong đó bao gồm các nước: Cộng hòa Dominican, El Salvador, Guatemala và Panama. Việc đặc vụ DEA hợp tác hỗ trợ các biệt đội chống ma túy ở nước ngoài là chuyện bình thường, nhưng việc người Mỹ giết các nghi can buôn lậu ma túy được coi là không bình thường.

Một vài cựu đặc vụ DEA tuyên bố những vụ giết người xảy ra mới đây ở Honduras cho thấy cơ quan Bài trừ ma túy của Mỹ đang đi tiên phong trong các chiến dịch đột kích hơn là chỉ đóng vai trò cố vấn.

Nỗ lực chống buôn lậu ma túy của Mỹ ở Tây Phi vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu, và các quan chức cho biết một cơ sở bào chế methamphetamine được phát hiện tại châu Phi được cho là thuộc về một tập đoàn của Mexico. William F. Wechsler, chuyên gia hàng đầu chống buôn lậu ma túy của Lầu Năm Góc, cho rằng Tây Phi đang đối mặt với tình huống tương tự từng xảy ra ở vùng Caribe trong thập niên 80 thế kỷ trước, lúc đó các quốc gia nhỏ đang phát triển vô cùng chật vật trong cuộc chiến chống lại bọn tội phạm buôn lậu ma túy sử dụng lãnh thổ của họ để vận chuyển ma túy đến các quốc gia giàu có

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.