Cuộc chiến ngân sách khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa: Tổng thống Obama bị bắt chẹt?

Thứ Tư, 02/10/2013, 22:55

Cuộc chiến ngân sách giữa phe Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ suốt 2 năm qua lại vừa được đẩy lên đỉnh điểm. Chọn đúng thời điểm kết thúc năm tài khóa, phe Cộng hòa kiểm soát Hạ viện đang tìm cách bắt chẹt phe Dân chủ của Tổng thống Obama vì một chương trình mang tên Obamacare.

Thực ra sẽ không có chuyện này nếu không có chuyện lưỡng viện Quốc hội do hai phái đang nắm quyền điều hành: phe của đảng Dân chủ chiếm đa số ở Thượng viện, trong khi Hạ viện thì đảng Cộng hòa làm chủ. Một dự luật muốn được trở thành luật thì phải được lưỡng viện phê chuẩn.

Tuy nhiên, trong trường hợp hiện nay, dự luật ngân sách cho năm tài khóa 2014, bắt đầu từ ngày 1/10/2013, đã không nhận được sự đồng ý của phe Cộng hòa, tức có thể gọi là phe đối lập của Tổng thống Obama. Muốn Hạ viện thông qua dự luật ngân sách trên thì phải kèm điều kiện. Đó là hoãn 1 năm việc thực hiện đầy đủ kế hoạch cải tổ hệ thống y tế - được gọi là "Obamacare" - và hủy bỏ một khoản thuế mới trên các thiết bị y tế.

Điều này là không thể chấp nhận được với phe Dân chủ bởi vì Obamacare, tên gọi châm biếm của phe Cộng hòa đối với đạo luật Affordable Care Act, được chính Tổng thống Obama soạn thảo nhằm loại bỏ những đặc quyền của giới sản xuất và kinh doanh các thiết bị y tế để tập trung nhiều hơn cho quyền lợi y tế của người nghèo.

Thực ra thì dự luật Obamacare đã được Quốc hội thông qua, và cũng đã được Tối cao pháp viện Mỹ thông qua rồi chỉ có điều chưa đến thời điểm áp dụng. Nói cách khác thì cho dù Hạ viện có phê chuẩn dự luật ngân sách của Thượng viện hay không thì cũng chả ảnh hưởng gì tới việc thực thi Obamacare!

Đây không phải lần đầu tiên luật bảo hiểm y tế được Hạ viện đưa ra tranh luận. Kể từ ngày nắm khối đa số đến giờ, các nghị sĩ Cộng hòa đã 42 lần bỏ phiếu hủy bỏ luật được Quốc hội thông qua và Tổng thống Barack Obama ký ban hành hồi năm 2010, và cả 42 lần đó dự luật đều không được phía Thượng viện cứu xét. Lần này cũng thế, ông Harry Reid, chủ tịch khối đa số bên Thượng viện đã nói đừng trông mong các vị nghị sĩ gật đầu "tất cả những dự luật không cấp ngân khoản cho Obamacare đều bị bác bỏ. Chắc chắn sẽ bị bác bỏ".

Nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer cũng lắc đầu than thở, "Họ (Hạ viện Cộng hòa) ở hành tinh nào vậy trời? Tại sao họ lại làm chuyện kỳ lạ như vậy?".

Như vậy, Hạ viện sẽ thông qua những quy định như Hạ viện muốn, Thượng viện sẽ từ chối không cứu xét. Kết quả: ngân sách năm đến ngày 30/9 là hết, năm tài khóa mới, bắt đầu từ 1/10 Chính phủ liên bang sẽ phải đóng cửa vì không có tiền trang trải chi phí và trả lương cho nhân viên.

Tại sao Hạ viện lại làm điều này, cho dù biết kết quả sẽ đi tới đâu? "Rất dễ hiểu. Họ muốn đẩy Thượng viện vào thế khó khăn, và sử dụng lợi thế này cho cuộc bầu cử 2014 sắp tới" - chiến lược gia độc lập - bà Nina Twinning trả lời. "Thế khó khăn đó là “Thượng viện sẽ bác bỏ điều khoản liên quan đến Obamacare, chỉ đồng ý gia hạn ngân sách và cho hành pháp vay thêm tiền để chi tiêu, lúc đó bên Hạ viện sẽ có cớ nói với dân chúng rằng, họ đã cố gắng bằng mọi cách để loại trừ luật Obamacare như người dân mong muốn nhưng gặp trở ngại vì cánh Dân chủ cứ khăng khăng muốn giữ lấy luật đó. Ai cũng hiểu luật Obamacare không được lòng mọi người nên bên Cộng hòa sử dụng vũ khí chính trị mà họ tin là rất lợi hại đó để kiếm phiếu, hy vọng sẽ lấy được khối đa số ở Thượng viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm sau" - bà Twinning nói tiếp.

Chiến lược đó cũng được ông Chủ tịch Hạ viện nói đến ngay sau cuộc họp với các vị dân cử cùng đảng. Theo lời ông Boehner, "Chúng tôi (Cộng hòa) không hề muốn chính phủ đóng cửa, nhưng luật Obamacare đã được chúng tôi thông qua biết bao nhiêu lần, bây giờ là lúc bên Thượng viện phải quyết định", ý muốn nói chuyện chính phủ phải đóng cửa là "vấn đề" của Thượng viện Dân chủ chứ không phải là chuyện bên Hạ viện Cộng hòa phải lo.

Những tranh cãi tại Quốc hội Mỹ về ngân sách tài khoá mới.

Nhưng chính các vị dân cử Cộng hòa cũng không đồng ý với chiến lược chính trị của Hạ viện. Người đầu tiên lên tiếng là Thượng nghị sĩ John McCain, nói rằng sau nhiều năm hoạt động trong chính trường, "tôi hiểu người dân chưa hẳn đã thích chính quyền nhưng chắc chắn họ không ưa chuyện chính phủ phải đóng cửa". Cùng với một số đồng viện Cộng hòa khác, ông McCain e ngại chiến lược của Hạ viện không được cử tri ủng hộ, và nói rõ Thượng viện "sẽ không hủy bỏ hay không cấp ngân khoản thi hành luật Obamacare đâu", nhắn nhủ Hạ viện "đừng nên nghĩ đến chuyện đó".

Bên Hạ viện, dân biểu Peter King đổ lỗi chuyện này cho một số thượng nghị sĩ Cộng hòa được nhóm cử tri Tea Party ủng hộ như các ông Ted Cruz, Rand Paul và Mike Lee, và Hạ viện "tin tưởng" vào những gì mấy ông này hứa hẹn là sẽ gây khó khăn cho Obamacare khi vấn đề này được đưa ra thảo luận trước nghị trường. Theo vị dân biểu Cộng hòa của tiểu bang New York, chiến lược có thể dẫn đến việc chính phủ phải đóng cửa "là sách lược điên rồ", "chúng ta (Cộng hòa) sẽ thất bại", "mất hết uy thế, ảnh hưởng trong chính trường".

Những ý kiến đó được chia sẻ bởi một số chiến lược gia, trong đó có ông Karl Rove từng soạn thảo chiến lược cho guồng máy vận động tranh cử của Tổng thống George W. Bush. Trên trang mạng xã hội, ông Rove cho rằng nên tìm cách khác để loại trừ Obamacare, đừng gắn liền với chuyện ngân sách kẻo "lợi bất cập hại".

Bà Ana Navarro, người từng giữ vai trò cố vấn chính trị cho ứng viên John McCain, lại cho rằng khi gắn chặt Obamacare vào với ngân sách và nợ trần "chứng tỏ Hạ viện Cộng hòa đang ở thế lúng túng". Lúng túng ở đây là "ông Chủ tịch Boehner dù nắm khối đa số nhưng không có đủ phiếu để thông qua dự luật về ngân sách ông muốn thông qua, do đó ông ta phải nắm lấy các vị dân cử thuộc nhóm Tea Party, chấp thuận đòi hỏi họ đặt ra". Theo bà, "điều này tạo thêm bất lợi cho phe Cộng hòa khi muốn kêu gọi thành phần cử tri độc lập tham gia với mình" vì thành phần cử tri độc lập "không ưa Obamacare nhưng họ cũng không bằng lòng khi thấy phe Cộng hòa gây khó khăn đến độ chính phủ phải đóng cửa".

Quan trọng hơn nữa, "chẳng ai muốn bước vào một căn nhà trong lúc biết trước là những người ở căn nhà đó đang lục đục với nhau".

Và hệ quả là “căn nhà đồ sộ của thế giới với toàn những thành viên bất đồng” phải đóng cửa về mặt kỹ thuật. Điều này sẽ có những ảnh hưởng gì? Khoảng 800.000 công chức liên bang có thể phải nghỉ việc không lương; 1.400.000 nhân viên quân đội sẽ tiếp tục thi hành nhiệm vụ, nhưng có thể phải lĩnh lương trễ; NASA sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên; các nhân viên kiểm soát không lưu và kiểm tra hành khách sẽ tiếp tục công tác; các tòa án liên bang sẽ tiếp tục hoạt động; sẽ tiếp tục giao thư tín vì Sở Bưu chính Mỹ không được tài trợ bởi tiền thuế; phần lớn nhân viên của Bộ An ninh Nội địa sẽ tiếp tục làm việc; phần lớn các dịch vụ dành cho cựu chiến binh sẽ tiếp tục vì đã nhận tiền tài trợ từ trước; các công viên quốc gia sẽ đóng cửa…

Tổ chức đánh giá tình trạng tài chính Standard & Poor's nhận định rằng: nếu chính quyền Mỹ chỉ đóng cửa dưới 2 tuần lễ thì không có tác động gì đáng kể,  nhưng nếu kéo dài thì sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty và tình trạng kinh tế

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.