Vòng cuối đàm phán hạt nhân Iran: Cuộc chiến nước rút

Thứ Tư, 01/04/2015, 11:20
Vòng đàm phán cuối cùng trước hạn chót 31/3 đã bắt đầu vào hôm 30/3, với việc các bên tham gia đàm phán đưa ra những nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm một thỏa thuận khả dĩ cho chương trình hạt nhân Iran, kết thúc tốt đẹp chuỗi đàm phán kéo dài hơn một năm qua. Áp lực không chỉ từ hạn chót kết thúc vòng đàm phán, mà còn đến từ các thế lực chống thỏa thuận hạt nhân – Israel và Arập Xêút.

Ngày đầu tiên của vòng đàm phán cuối cùng đã diễn ra không mấy suôn sẻ. Theo giới quan sát, những khác biệt trong các điều kiện đàm phán vẫn chưa thể được san bằng. Sau buổi sáng 30/3, tình hình đang giẫm chân tại chỗ do hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề. Bế tắc sau buổi sáng đàm phán khiến Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố sẽ rời hội nghị sớm vào buổi chiều 30/3.

Ông Lavrov đã phải tổ chức một số cuộc hội đàm riêng rẽ với một số quốc gia nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Các quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Lavrov có thể quay lại bàn đàm phán nếu thấy cần thiết, có nghĩa là khi đàm phán có tiến triển khả quan cho một thỏa thuận như dự kiến. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao các nước còn lại (Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Trung Quốc và Iran) đều bày tỏ sẽ tiếp tục đàm phán cho đến hạn chót nửa đêm 31/3 để tìm kiếm một khung chính trị cho thỏa thuận cuối cùng vào tháng 6.

Phái đoàn Mỹ (bên trái) và Iran trong vòng đàm phán mới tại Lausanne.

Theo giới quan sát, giữa Iran và nhóm P5+1 vẫn còn một số vướng mắc cần giải quyết, bao gồm: giới hạn thời gian làm giàu uranium; việc dỡ bỏ các cấm vận về kinh tế và việc tái cấm vận nếu Iran vi phạm một trong các điều khoản thỏa thuận; và vấn đề vận chuyển uranium đã làm giàu ra khỏi Iran. Trong các vấn đề trên, thì thời hạn làm giàu uranium và vấn đề dỡ bỏ cấm vận của Hội đồng Bảo an LHQ là 2 vấn đề khó khăn, nhạy cảm nhất. Còn vấn đề thứ ba coi như tạm ổn.

Việc Hội đồng Bảo an dỡ bỏ cấm vận Iran là vấn đề vô cùng phức tạp, và giữa Iran và các cường quốc phương Tây còn những khác biệt khá lớn trong vấn đề này. Iran đòi hỏi dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận của LHQ hủy bỏ tất cả 6 nghị quyết mà Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua, trong đó xem chương trình hạt nhân của Iran là bất hợp pháp, trong khi Iran có quyền bảo lưu quan điểm chương trình hạt nhân của mình là hợp pháp, phục vụ mục đích hòa bình. Nhóm P5+1 đang đề nghị gói các giải pháp giải tỏa vướng mắc, bao gồm dỡ bỏ cấm vận dầu hỏa của EU và gỡ bỏ các hạn chế giao dịch ngân hàng, nhưng lại khẳng định các biện pháp cấm vận của LHQ phải được duy trì cho đến khi nào Iran chứng minh mình thật sự không có ý định theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Điều này có thể kéo dài nhiều năm.

Vấn đề thứ hai, thời hạn làm giàu uranium. Iran đã chấp nhận các giới hạn nghiêm ngặt trong việc phát triển các máy ly tâm mới trong 10 năm đầu thực thi thỏa thuận. Nhưng sau 10 năm đó, lại có sự khác biệt. Nhóm P5+1 muốn gia hạn thêm 5 năm đối với các giới hạn đó, còn Iran không đồng ý việc tiếp tục hạn chế việc chế tạo máy ly tâm, cho rằng như thế sẽ buộc Iran phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài.

Thời gian đàm phán còn lại sẽ hết sức quan trọng, liệu các bên có cùng nhau tháo gỡ được các vướng mắc nêu trên hay không. Vấn đề dỡ bỏ cấm vận của LHQ là mấu chốt giải quyết mọi vấn đề, như Đại giáo chủ Ali Khamenei viết trên Website riêng của ông vào sáng 30/3: “Cấm vận phải được dỡ bỏ ngay chứ không phải là kết quả của những hành động trong tương lai của Iran”.

Phái đoàn Nga tại vòng đàm phán Lausanne, sáng ngày 30/3.

Ở cách xa bàn hội nghị hàng ngàn kilômét, có 2 “kẻ ném đá hội nghị” đang ra sức tìm cách gây áp lực nhằm phá bĩnh đàm phán. Đó là Israel và Arập Xêút; chưa bao giờ 2 nước này “thân nhau” như lúc này. Cả hai nước đều chung quan điểm cho rằng thỏa thuận hạt nhân sẽ tạo cơ hội cho Iran phát triển năng lực chế tạo bom hạt nhân, “đe dọa hòa bình và ổn định khu vực”.

Nhưng, như Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond vừa nói: “Chúng ta đến đây bởi vì chúng ta tin là có thể đạt một thỏa thuận. Mà đó phải là một thỏa thuận sẽ đưa quả bom ra xa tầm với của Iran. Không thể có sự nhượng bộ nào trong vấn đề đó”. Vì thế, có thể hiểu điều mà Israel và Arập Xêút “quan ngại” không hẳn là khả năng Iran chế tạo được vũ khí hạt nhân, mà chính là sự mạnh lên của Iran một khi các biện pháp cấm vận của phương Tây được dỡ bỏ sau khi thỏa thuận có hiệu lực áp dụng. Khi đó, cả Israel (Do Thái) lẫn Arập Xêút (Hồi giáo Sunni) đều cảm thấy bị Iran (Hồi giáo Shiite) đe dọa vị thế cường quốc khu vực của mình.

V. Trương (tổng hợp)
.
.