Cuộc chiến tranh dầu mỏ mới sắp bùng nổ?

Thứ Hai, 15/12/2014, 17:00
Trong tháng 11 này, Tại phiên họp cuối cùng của năm diễn ra giữa các Bộ trưởng Dầu mỏ thuộc các quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), được tổ chức ở Vienna (Áo) cần phải đi đến một quyết định quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, nếu không muốn dẫn đến “cuộc chiến dầu mỏ” mới. Đứng trước đà sụt giá thê thảm của giá dầu trong thời gian gần đây, vấn đề nan giải hiện nay là cần duy trì việc cắt giảm sản lượng để giá dầu không đi xuống thêm nữa; hay là cứ sản xuất “thả phanh”, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn nhất ở Bắc bán cầu trong mùa đông này.

Quan điểm đối chọi

OPEC bao gồm 11 quốc gia thành viên gồm: Iran, Iraq, Kuwait, Arập Xêút, Qatar, Venezuela, Indonesia, Libya, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Algeria và Nigeria. Các nước thành viên OPEC khai thác vào khoảng 40% tổng sản lượng dầu lửa hàng năm của thế giới, cũng như nắm giữ khoảng 3/4 trữ lượng dầu mỏ trên hành tinh.

Việc "xuống dốc" của giá dầu thô bắt đầu từ mối rạn nứt sâu sắc trong Tổ chức OPEC. Trong khi một nhóm các nước thuộc OPEC do Iran đứng đầu yêu cầu cần hành động ngay lập tức, để ngăn chặn đà suy giảm của giá cả; nhóm còn lại do Arập Xêút chủ trương nên kiên nhẫn chờ đợi thêm khoảng 3 tháng nữa, xem nền kinh tế thế giới có buộc phải "chựng lại" hay không.

Ai cũng biết dầu mỏ là "mạch máu" của nền kinh tế toàn cầu, bởi nó luôn tác động trực tiếp đến đà lạm phát và giá cả của các mặt hàng khác. Đầu tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên trong nhiều thập niên, giá dầu thô Brent khai thác tại biển Bắc đã tụt xuống 92 USD mỗi thùng (1 thùng = 158,9873 lít), còn  hiện thời là trên dưới 85 USD/thùng. Tại thị trường Mỹ cũng là nơi tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, giá dầu thô đầu tháng 11 đã giảm xuống dưới "rào cản tâm lý" là 90 USD/thùng. Điều này dấy lên mối lo ngại, rằng sự suy giảm kéo dài có thể gây tác động tiêu cực đối với nhiều công ty Mỹ đang đầu tư vào lĩnh vực này. Dầu mỏ khai thác trong nội địa Mỹ chủ yếu từ nguồn khí đá phiến, với giá thành sản xuất là 80 USD/thùng. Hệ quả giá dầu rẻ ở Mỹ, song song với việc Tổng thống Barack Obama bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô, từng được áp dụng suốt 70 năm qua để bảo đảm vấn đề an ninh năng lượng, do kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ đang tồn đọng quá mức cần thiết, vô hình trung đã trở thành mối đe dọa cho các nhà sản xuất ở Trung Đông.

Tình hình tại Anh cũng không khả quan hơn, giá dầu giảm đã trở thành "con dao 2 lưỡi" đối với nền kinh tế xứ sương mù, cũng như tác động tiêu cực đến giới đầu tư khai thác dầu Brent trên biển Bắc. Ngược lại, ông George Osborne - Bộ trưởng Tài chính Anh - lại đánh giá rằng "sự sụt giảm giá dầu sẽ khiến giữ được mức lạm phát thấp".
Bộ trưởng Dầu mỏ Arập Xêút Ali al-Naimi là người có tiếng nói quan trọng tại OPEC.

Mọi con mắt đều đổ dồn về Vienna, trông chờ kết quả cuộc họp vào ngày 27/11 của các bộ trưởng OPEC. Hiện tổ chức này đang hứng chịu sự chỉ trích kịch liệt từ giới ủng hộ cho xu hướng thị trường tự do, nếp áp dụng hạn ngạch sản xuất khống chế qua mức trần là hành động thao túng giá cả, đi ngược với các nguyên tắc kinh điển của nền kinh tế thị trường. Đáp lại, Ban lãnh đạo OPEC đã bác bỏ thẳng thừng lời buộc tội nêu trên, khẳng định chính sách mềm dẻo đối với ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu mà OPEC áp dụng, cũng tương tự như cách thức mà các ngân hàng phương Tây thực hiện để kiểm soát tiền tệ và tỷ giá hối đoái.

Trong chục năm gần đây, quan điểm của các nước OPEC luôn tạo ra sự đồng thuận, khi giá dầu đạt trên ngưỡng 100 USD/thùng song hành với việc khuyến khích việc tuân thủ hạn ngạch sản xuất, bởi ít nhiều nền kinh tế của tất cả các quốc gia thành viên đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, đứng trước sự kiện giá dầu ngày càng sụt giảm, từ sự đồng thuận đã trở thành sự đối kháng tạo khả năng gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Để tránh sự bất hòa nội bộ không đáng có, Iran đã rút lại lời đề nghị khẩn thiết triệu tập phiên họp bất thường của OPEC, để thảo luận về việc cắt giảm sản lượng và tìm biện pháp để duy trì giá dầu. Điều này đồng nghĩa với quan điểm sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào về sản lượng khai thác hiện nay, cho đến khi phiên họp thường niên cuối cùng trong năm của OPEC kết thúc.

Nhưng cuộc họp vừa qua được đánh giá là căng thẳng hơn bao giờ hết so với những năm trước, kể từ lúc mùa xuân Arập bùng phát trong năm 2010, khi đại diện của người Hồi giáo Shiite ở Iran và Iraq đã ra mặt phản kháng lại người Hồi giáo Sunni tại Arập Xêút và UAE. Ông Bijan Namdar Zangeneh - Bộ trưởng Dầu mỏ Iran - quyết định "chơi bài ngửa",  ra lời kêu gọi OPEC cắt giảm ngay lập tức sản lượng khai thác để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh của giá dầu, đe dọa nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này đang bị phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt hà khắc.

Viễn cảnh sắp tới

Theo kết quả nghiên cứu của Deutsche Bank AG, tổ chức tài chính hàng đầu nước Đức cũng là đại lý ngoại hối lớn nhất chiếm tới 21% thị phần thế giới, thì chiến lược phát triển kinh tế của Iran muốn giữ giá dầu ở mức 130 USD/thùng, trong khi Arập Xêút là 90 USD/thùng và UAE là 70 USD/thùng. Ngoài ra, các quốc gia vùng Vịnh Persic vẫn có khoản tiền khổng lồ được gửi ở nước ngoài, qua các quỹ tài sản cũng như ngoại tệ. Họ có thể dựa vào lợi thế này khi có sự sụt giảm doanh thu từ việc xuất khẩu dầu.

Còn đại diện Hiệp hội Thương mại Oil & Gas UK của Vương quốc Anh lại khẳng định, cho dù giá dầu có giảm theo chiều hướng "thẳng đứng" đi chăng nữa, thì Arập Xêút vẫn kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ, bởi giá thành khai thác của họ chỉ vào khoảng 2 USD/thùng. Để so sánh, chi phí sản xuất cho một thùng dầu Brent ở biển Bắc là 50 USD, còn khai thác dầu đá phiến tại Mỹ lên tới 80 USD/thùng. Tuy Arập Xêút đã đơn phương giảm sản lượng đến 400.000 thùng mỗi ngày kể từ cuối năm 2008 để giữ giá dầu ổn định ở mức cao, nhưng số dầu bán ra trên thị trường của nước này vẫn đứng đầu khối OPEC và nhiều gấp 3 lần so với Iran.

Trước viễn cảnh Iran đạt được tiến bộ trong nhóm P5 +1 về vấn đề giải trừ hạt nhân của mình, tiến tới việc phương Tây dỡ bỏ cấm vận toàn phần, nên Tehran dễ bề tiếp cận với nguồn vốn đầu tư nước ngoài để mở rộng sản xuất. Điều mà các nước OPEC lo ngại là Iran sẽ bất chấp mức hạn ngạch đã được thỏa thuận trong khối, thay vì giảm sản lượng lại đi khai thác hết công suất nhằm đáp ứng nhu cầu của bất kể thị trường nào, góp phần làm giá dầu tụt xuống thê thảm hơn.

Lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua, sản lượng khai thác dầu thô ở Mỹ đã lên tới 8,5 triệu thùng/ngày, bảo đảm nguồn cung dồi dào trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Còn nguồn thu ngoại tệ của Liên bang Nga chủ yếu dựa vào việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, nếu giá dầu tiếp tục đi xuống sẽ gây tác hại không nhỏ cho nền kinh tế của nước này. Riêng kinh tế Trung Quốc đã có sự suy giảm bất ngờ vào nửa cuối năm nay, trong khi hầu hết các nhà sản xuất dầu lửa ở vùng Vịnh Persic đều coi Bắc Kinh như là đối tác thương mại quan trọng hơn Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Nếu kinh tế Trung Quốc "chựng lại", đồng nghĩa với việc OPEC mất đi một bạn hàng tiềm năng.

Vấn đề nan giải nữa là sự xuất hiện của IS, đang cát cứ một vùng lãnh thổ không nhỏ thuộc Iraq và Syria. Mùa hè vừa qua, quân IS đã toàn quyền kiểm soát Nhà máy lọc hóa dầu Baiji ở phía bắc Baghdad, cũng là cơ sở lọc dầu lớn nhất của Iraq. Từ đó trở đi, IS mặc sức bán dầu mỏ thành phẩm với "giá bèo" cho bất kỳ ai muốn mua, đem lại nguồn thu nhập tới 2 triệu USD mỗi ngày đe dọa trầm trọng nguồn cung của OPEC.

Trần Quang Long (tổng hợp)
.
.