Cuộc đối đầu giữa Iran và châu Âu: Giơ cao đánh khẽ

Thứ Năm, 08/12/2011, 11:25

Sau khi xảy ra sự cố người biểu tình quá khích tấn công đại sứ quán Anh tại Tehran hôm 29/11, tờ Time của Mỹ hôm 1/12 đã có bài bình luận "nóng hừng hực" rằng "liệu Iran và những kẻ đối nghịch ở phương Tây hướng đến chiến tranh?". Tuy nhiên, những gì diễn ra 2 ngày sau sự cố đó chỉ là một đòn trả đũa bằng biện pháp tăng cường cấm vận của châu Âu trong khi Israel và Mỹ thì… im như thóc.

Theo thông tin báo chí, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra thông báo chính thức gia tăng một số biện pháp trừng phạt Iran sau khi kết thúc một cuộc họp khẩn các Bộ trưởng ngoại giao khối. Các biện pháp trừng phạt mới chủ yếu chỉ bao gồm việc bổ sung danh sách thành viên Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) và một số doanh nghiệp do các thành viên này kiểm soát vào danh sách cấm vận, trong đó có cả Công ty Kho vận Cộng hòa Iran.

Biện pháp cấm vận là cấm các cá nhân, công ty của Iran trong danh sách cấm vận làm ăn kinh tế với các nước châu Âu, đồng thời cấm các cá nhân liên quan nhập cảnh vào EU. Trước đây, EU và Mỹ đã mấy lần ban hành các biện pháp cấm vận nhắm vào các thành viên IRGC, một số lãnh đạo Hồi giáo Iran và các công ty trực thuộc sự quản lý của những người này. Tổng cộng cho đến nay đã có 180 cá nhân và tổ chức Iran bị EU và Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Ngoại trưởng Anh William Hague hôm 30/11 đã bày tỏ sự "hài lòng" với việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới này. Các ngoại trưởng EU tuyên bố "sẽ không chịu khuất phục trước chiến thuật tấn công hù dọa của Iran". Tuy nhiên, giới phân tích thì đánh giá những biện pháp trừng phạt mới của EU tuy được tuyên bố "ầm ĩ", nhưng nhìn kỹ thì không có gì mới so với những lần trước, thiếu hẳn những biện pháp mạnh tay, trong đó EU không đưa ra lệnh cấm mua bán dầu hỏa với Iran như dự kiến ban đầu. Vậy, phải chăng vẫn còn vướng mắc gì đó khiến EU không thể mạnh tay hơn trong việc áp dụng đối sách chống Iran?

Đáng chú ý là ngay tại Mỹ, các nghị sĩ 2 đảng cũng rất sốt ruột lên tiếng chỉ trích chính quyền của Tổng thống Barack Obama vì chần chừ và không áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn chống Iran. Cả Israel, "kẻ thù" không đội trời chung với Iran, gần đây đã có nhiều động thái “khua trống” ầm ĩ đòi tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran, nay cũng đưa ra một động thái "lạ" qua tuyên bố của Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 30/11 rằng, Israel không muốn tấn công quân sự nhằm vào Iran, "trừ phi không còn chọn lựa nào khác".

Như vậy, sau vài tuần cố tình tạo ra tình hình căng thẳng khiến cho thế giới tưởng chừng sẽ chứng kiến một cuộc không chiến chống Iran, Israel đã hạ giọng một cách bất ngờ. Phải chăng sự hạ giọng này có liên quan đến một phát biểu gay gắt trước đó của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad rằng Iran sẽ tấn công cơ sở tên lửa của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ nếu bị tấn công? Việc EU áp dụng các biện pháp trừng phạt mới có thể được xem là một đòn trả đũa Iran sau sự cố những phần tử quá khích tấn công đập phá Đại sứ quán Anh tại Tehran.

Người Iran quá khích tràn vào đập phá đại sứ quán Anh hôm 29/11.

Theo thông tin báo chí, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Anh đã ra lệnh đóng cửa đại sứ quán và rút toàn bộ phái đoàn ngoại giao tại Iran về nước, đồng thời khuyến cáo công dân mình thận trọng khi đến Iran. Đồng cảm với Anh, các nước Pháp, Italia và Hà Lan cũng đã triệu hồi đại sứ về nước để "tham vấn" nhưng vẫn để đại sứ quán hoạt động bình thường. Một đoàn kiểm tra không chính thức gồm đại diện ngoại giao Nga, Australia và Canada đã đến hiện trường ngay sau khi vụ việc xảy ra và xác nhận Đại sứ quán Anh đã gần như hư hỏng hoàn toàn, đồ đạc, máy vi tính bị đập phá, vứt khắp nơi. Nước Anh và các đồng minh EU cáo buộc các cơ quan công quyền Iran đã khoanh tay đứng nhìn, không ngăn cản những kẻ quá khích.

Tuy nhiên, cũng theo báo chí nước ngoài, các cơ quan công quyền Iran dù muốn cũng khó có thể ngăn cản được dòng người Iran đang trong cơn tức giận vì những động thái trước đó của Anh. Thực chất vụ việc ngày 29/11 có nguyên nhân từ quyết định của Chính phủ Anh vào hạ tuần tháng 11/2011 ra lệnh cắt đứt hoàn toàn mọi quan hệ tài chính giữa các ngân hàng Anh và Iran. Động thái này đã khiến cho các tầng lớp dân chúng Iran tức giận, và các thành phần sinh viên và dân quân Iran đã kêu gọi xuống đường biểu tình trước Đại sứ quán Anh để phản đối. Điều đáng tiếc là, cuộc biểu tình đã biến thành bạo động và đã bị các phần tử quá khích lợi dụng biến thành cuộc đập phá.

Cho dù cố tình làm lớn chuyện sau báo cáo "gây bão" của IAEA về chương trình hạt nhân của Iran hồi tháng trước, phương Tây đã không dám đi xa hơn trong cuộc đối đầu với Iran. Một số nước châu Âu, đặc biệt là những quốc gia hiện đang lâm vào khủng hoảng nợ, vẫn đang lệ thuộc khá nhiều vào nguồn cung ứng dầu mỏ từ Iran. Đây dường như là lý do khiến châu Âu không dám áp dụng lệnh cấm mua bán dầu hỏa Iran. Theo dự báo, Iran đang là nước có trữ lượng dầu hỏa và khí đốt chưa khai thác lớn nhất thế giới. Tương lai phương Tây sẽ phải phụ thuộc vào nguồn cung dầu hỏa của Iran. Vì vậy, mọi động thái gây hấn đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt

Văn Trương (tổng hợp)
.
.