Cuộc đua nghiên cứu, thám hiểm mặt trăng giữa một số nước

Thứ Hai, 26/12/2005, 08:34

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa làm cho bầu không khí trong cuộc đua lên mặt trăng nóng lên khi công bố bản kế hoạch tái đưa người trở lại mặt trăng. Tuyên bố này của nước Mỹ đã gây xôn xao dư luận quốc tế, cũng như thách thức đối với các nhà khoa học của các nước có cùng mục tiêu chinh phục mặt trăng.

Thế kỷ XXI đã và sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi của thế giới. Tuy mới chỉ trải qua 5 năm đầu tiên, nhưng những gì mà ngành khoa học vũ trụ đang phát triển và cống hiến đã khiến những quốc gia muốn giành thắng lợi trong cuộc đua lên mặt trăng phải đầu tư rất nhiều cho các chương trình nghiên cứu và thực hành mang tính chiến lược. Hiện tại, Mỹ đang là quốc gia có tham vọng nghiên cứu và khai thác tối đa tài nguyên trên mặt trăng.

Các nước EU muốn xây dựng căn cứ riêng

Hiện nay, thiết bị thám hiểm mặt trăng Smart –1 của EU đang bay theo quỹ đạo của nó để tiến hành hoạt động quan sát, nghiên cứu mặt trăng. Đây là thiết bị đầu tiên trên thế giới sử dụng năng lượng mặt trời để hoạt động. Theo đúng thiết kế hiệu suất hoạt động của nó cao hơn gấp 10 lần hiệu suất hoạt động của những động cơ sử dụng nhiên liệu hóa học.

Ngày 15/11/2004, thiết bị này đã bắt đầu nhập vào quỹ đạo của mặt trăng. Mục tiêu của EU không chỉ dừng lại ở thử nghiệm kỹ thuật hay những nghiên cứu khoa học thông thường mà thông qua nền tảng cơ sở của những nghiên cứu ban đầu sẽ đề ra những bước đi chiến lược giống như những kế hoạch mang tầm vĩ mô mà nước Mỹ vẫn làm.

Hiện nay EU cũng đang xây dựng kế hoạch “Cực quang” rất giống với kế hoạch “Ý tưởng thám hiểm không gian” của Mỹ. Nếu kế hoạch này thành công có nghĩa là EU sẽ xây dựng những căn cứ của riêng mình trên mặt trăng. Sau khi các căn cứ hoàn thành, EU sẽ đưa người của mình lên sống và nghiên cứu trực tiếp trên mặt trăng.

Nếu công trình này đạt kết quả như ý, sau mặt trăng, điểm chinh phục tiếp theo của họ sẽ là sao Hỏa. Cụ thể trong thời gian qua, Cơ quan Hàng không vũ trụ Đức cùng với các doanh nghiệp của nước này đã kêu gọi sự đóng góp nguồn lực tài chính, kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học để làm sao cho tới cuối năm 2015, nước này sẽ hoàn thành công tác xây dựng một kính viễn vọng điện tử hoạt động theo nguyên lý của phản xạ bước sóng dài, thông qua kính viễn vọng này, con người có thể quan sát tỉ mỉ những gì đang diễn ra ở rất xa trái đất, tạo nên bước đột phá trong việc tìm kiếm thông tin mới từ vũ trụ và từ các thông tin này, các nhà khoa học Đức có thể cho triển khai xây dựng các trạm trên mặt trăng để phục vụ các đồng nghiệp và các nhà du hành lên nghiên cứu trực tiếp trên mặt trăng.

Các nước châu Á cũng tăng tốc

Tại châu Á, trong vài năm trở lại đây, kể từ khi Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 5 và Thần Châu 6, ưu thế độc quyền vũ trụ không chỉ còn dành cho một số nước như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đã trở thành những cường quốc đáng nể ở châu Á trong lĩnh vực vũ trụ. Họ cũng không chịu thua kém các nước châu Âu và Mỹ trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao cũng như những cuộc thám hiểm mặt trăng.

Tháng 1/1990, Nhật Bản lần đầu tiên thoát khỏi cái bóng khổng lồ của Nga, Mỹ để phóng thành công tên lửa đẩy có thiết bị quan sát mặt trăng mang tên Phi Thiên lên quỹ đạo. Thiết bị quan sát này nặng 182 kg, được đưa vào quỹ đạo của mặt trăng với mục đích quan sát và nghiên cứu tổng thể bề mặt của mặt trăng. Năm 1993, Phi Thiên được đáp xuống bề mặt của mặt trăng, kết thúc sứ mệnh của nó là quốc gia vô cùng nghèo về tài nguyên, khoáng sản. Nhật Bản có tham vọng sẽ là một trong những cường quốc đầu tiên chinh phục và khai thác được mặt trăng.

Theo như cơ quan thông tin Cục Phòng vệ Nhật Bản cho biết, một thiết bị nghiên cứu quan sát loại lớn có tên “Nữ thần mặt trăng” sẽ được Nhật Bản phóng vào không gian năm 2006. Sau khi thiết bị này được phóng thành công, đi được vào quỹ đạo của mặt trăng, Nhật Bản sẽ tiếp tục phóng tiếp 2-3 thiết bị nữa để nghiên cứu địa chất, các hiện tượng trên vành đai ngoài của mặt trăng. Cơ quan thông tin của Cục Phòng vệ Nhật Bản còn cho biết độ chính xác của thiết bị này gấp hơn 5 lần các thiết bị trên tàu Apolo.

Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc đang vươn lên để chứng tỏ mình là một đại diện xứng đáng cho châu Á trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ. Ngày 25/2/2004, Trung Quốc tuyên bố chính thức bắt tay vào nghiên cứu thám hiểm mặt trăng, công trình mặt trăng này có tên gọi “Công trình Hằng Nga”. Hiện những thiết bị phục vụ công trình nghiên cứu thám hiểm này đang trong giai đoạn thử nghiệm, chuẩn bị đưa vào khai thác.

Theo đúng kế hoạch năm 2007 nó sẽ được các tàu vũ trụ có người lái đưa tới những địa chỉ định sẵn. Thiết bị này sẽ bay theo quỹ đạo mặt trăng với khoảng cách 200 km để thực hiện những nghiên cứu. Bản kế hoạch đề ra 4 mục tiêu khoa học lớn là: Phải chụp được những bức ảnh 3 chiều về mặt trăng và trái đất, phân tích hàm lượng các nguyên tố có trong kết cấu bề mặt của mặt trăng, những đặc điểm phân bố của các loại vật chất; bước đầu triển khai dùng các thiết bị bức xạ viba để thám hiểm bề mặt của mặt trăng; nghiên cứu thăm dò môi trường không gian mặt trăng.

Ngày 28/11/2005, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa dự án nghiên cứu “Công trình Hằng Nga” vào hoạt động. Tổng thời gian nghiên cứu ứng dụng của công trình này ước tính mất khoảng 10 đến 12 năm và sẽ kết thúc vào khoảng năm 2017.

Một quốc gia khác ở châu Á cũng đang nỗ lực để ghi tên vào danh sách những nước có đủ khả năng trong cuộc đua lên mặt trăng đó là Ấn Độ. Mới đây, Cơ quan Hàng không vũ trụ Ấn Độ đã thông báo rằng nước này sẽ phóng thiết bị thám hiểm mặt trăng vào năm 2007. Thiết bị thám hiểm mặt trăng này sẽ bay quanh quỹ đạo của mặt trăng ở khoảng cách 100km để tiến hành các nghiên cứu khoa học. Nếu như thiết bị này phóng thành công theo đúng kế hoạch, vào năm 2015, Ấn Độ sẽ tiếp tục cho triển khai lần phóng tiếp theo. Sau khi chương trình nghiên cứu được hoàn tất mỹ mãn, các quốc gia châu Á trên sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch đưa con người lên mặt trăng.

Nước Nga muốn mở nhiều tour du lịch

Trong khi các quốc gia khác đang ở những bước đầu tiên để chinh phục mặt trăng thì nước Nga đã hai lần thành công với 2 du khách lên tham quan mặt trăng, và tới đây sẽ là du khách thứ 3. Điều cơ bản khiến nước Nga có sự chuyển hướng như vậy là vì lý do kinh tế. Hiện tại, nước Nga đang chú tâm vào công việc làm ăn kinh tế, chưa có kế hoạch cụ thể nào về công việc thám hiểm mặt trăng.

Theo các chuyên gia vũ trụ Nga cho biết, trong thời gian tới đây, Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga sẽ chú trọng vào các tour đưa du khách lắm tiền, nhiều của lên du lịch mặt trăng bằng tổ hợp vũ trụ liên hợp. Toàn bộ thời gian của chuyến bay ước tính vào khoảng 2 tuần. Sau khi du khách được đưa vào khoảng không, sẽ được tham quan trạm vũ trụ không gian quốc tế và sống ở đây một tuần. Tiếp đó, tàu vũ trụ sẽ đưa du khách đi tham quan mặt trăng, thời gian tham quan mặt trăng cũng khoảng một tuần. Sau 2 tuần sống trong không gian, du khách sẽ trở về trái đất.

Trước kia, giá mỗi chuyến du lịch tương đối đắt, nhưng trong thời gian tới sẽ dần được giảm, trung bình chỉ khoảng 15-20 triệu USD. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hàng không, trong tương lai sẽ có rất nhiều người được lên mặt trăng để du lịch và khám phá

Hồng Nguyên (Theo Tạp chí Khoa học hàng không)
.
.