Cuộc họp mặt lịch sử của 5 đời tổng thống Mỹ

Thứ Năm, 15/01/2009, 10:15
Một sự kiện lịch sử hiếm có vừa xảy ra tại Nhà Trắng hôm 7/1 vừa qua: Đó là cuộc họp mặt dùng cơm thân mật của 5 đời tổng thống Mỹ gồm 3 cựu Tổng thống (Jimmy Carter, George W.H. Bush, Bill Clinton), Tổng thống sắp mãn nhiệm George W. Bush và Tổng thống sắp nhậm chức Barack Obama.

Cuộc hội ngộ đầu năm 2009 này được xem là một mốc đặc biệt ngay trước khi ông Obama lên nhậm chức, là cuộc hội kiến qua đó có thể giúp ông Obama thu thập được những lời khuyên, những kinh nghiệm bổ ích trước khi bước chân vào Nhà Trắng để giải quyết nhiều vấn đề vô cùng khó khăn do người tiền nhiệm W. Bush để lại.

Đây là một sáng kiến độc đáo đã được ông Obama đề xuất hồi tháng 11/2008 khi ông có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Bush trong chuyến viếng thăm Nhà Trắng sau khi đắc cử. Và ông Bush đã đồng ý thực hiện ngay sáng kiến này.

Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Dana Perino, cuộc hội ngộ đặc biệt hôm 7/1 hoàn toàn không có sự tham gia của báo giới; cánh nhà báo chỉ được phép chụp ảnh trước khi 5 vị tổng thống bước vào họp mặt và phỏng vấn họ sau khi đã tan tiệc.

Trong số 5 vị tổng thống này có 3 vị thuộc đảng Dân chủ (Jimmy Carter, Bill Clinton và Barack Obama) và 2 vị thuộc đảng Cộng hòa là Bush-cha và Bush-con. Ông Jimmy Carter là 1 trong 2 người cao tuổi nhất sau khi mãn nhiệm (người kia là Bush-cha).

Năm nay 85 tuổi, ông rời Nhà Trắng vào năm 1981 sau thất bại trong cuộc đua với Ronald Reagan. Bush-cha lên thay Reagan làm chủ Nhà Trắng sau khi giành chiến thắng trước ứng cử viên đảng Dân chủ Michael Dukakis.

Nhưng Bush-cha cũng chỉ ngồi Phòng Bầu dục được một nhiệm kỳ rồi phải nhường ghế lại cho Bill Clinton sau thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử năm 1992. Clinton lúc đó đang là ngôi sao sáng trên chính trường Mỹ, được xem là một trong những tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ, đắc cử Tổng thống khi mới 46 tuổi.

(Trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ, Theodore Roosevelt, sinh năm 1858, là Tổng thống trẻ tuổi nhất, đắc cử Tổng thống năm 1900, khi mới 42 tuổi; John F. Kennedy, sinh năm 1917, là Tổng thống trẻ tuổi thứ nhì, đắc cử năm 1960, 43 tuổi, theo tư liệu Nhà Trắng).

B.Clinton rời Nhà Trắng năm 2001 sau 2 nhiệm kỳ rất thành công về nhiều mặt, nhất là về kinh tế. Goerge W. Bush (Bush-con) cũng làm chủ Nhà Trắng 2 nhiệm kỳ (2001-2009) nhưng xem ra mức độ "hoàn thành nhiệm vụ" khó có được như ông B.Clinton. Ông sẽ rời Nhà Trắng vào ngày 20/1/2009, nhường lại chỗ cho Barack Obama - vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Nhìn lại lịch sử, thấy rằng mặc dù là người thuộc 2 đảng phái đối nghịch trong mọi vấn đề, đua tranh quyết liệt trong các cuộc bầu cử, nhưng khi bước ra khỏi Nhà Trắng, bước ra khỏi môi trường chính trị thì họ lại là những con người đời thường đối đãi nhau lịch sự, tử tế như những người bạn nhiều thế hệ.

Mỗi người mỗi vẻ, mỗi tính cách, cá tính khác nhau, nhưng tất cả đều trở nên một nhóm đặc biệt nhất khi tụ họp tại Phòng Bầu dục để cùng nhau trò chuyện về tất cả mọi chuyện trên đời, từ chuyện sức khỏe "đôi chân già nua" của ông Jimmy Carter cho đến những vấn đề "nóng bỏng" mà ông Obama sắp đối mặt trên cương vị Tổng thống nước Mỹ.

Điểm đặc biệt nhất của cuộc hội ngộ ngày 7/1/2009 là tính hiếm có của nó và cũng vì chưa có cuộc hội ngộ nào có đủ 5 đời tổng thống. Quả thật vậy, lịch sử cho thấy các đời tổng thống Mỹ rất ít khi cùng nhau hội ngộ, có chăng là vào những dịp diễn ra ngày lễ trọng đại của quốc gia.

Lần gần đây nhất mà các đời tổng thống Mỹ cùng gặp mặt nhau là vào tháng 1/2007, khi đó chỉ có 4 người gồm 3 cựu tổng thống (Bush-cha, Jimmy Carter và Bill Clinton) và đương kim Tổng thống Bush-con (Obama chưa ra tranh cử tổng thống).

Đó là dịp họ đến dự lễ tang cựu Tổng thống Gerald Ford. Còn lần hội ngộ cuối cùng tại Nhà Trắng là vào tháng 11/2000 nhân kỷ niệm 200 năm Nhà Trắng ra đời, nhưng lúc đó cũng không có mặt đầy đủ các cựu tổng thống vì Ronald Reagan bị bệnh mất trí nhớ, không thể dự.

Riêng đối với Tổng thống đắc cử Barack Obama thì cuộc hội ngộ ngày 7/1 vừa qua còn đặc biệt ở chỗ ông hầu như là người may mắn duy nhất trong lịch sử nước Mỹ có được dịp diện kiến một lúc nhiều người tiền nhiệm tại một nơi đặc biệt như vậy (Phòng Bầu dục).

"Tất cả những quý ông có mặt hôm nay đều hiểu các áp lực và khả năng của chức vụ này và đối với tôi đây là cơ hội để nhận được lời khuyên, lời cố vấn tốt và mối giao hảo với những cá nhân xuất chúng này", ông Obama nói.

Tuy nhiên, điểm "lặng" đáng buồn đằng sau những ý tốt đẹp đã được trao đổi tại cuộc hội ngộ lý thú này là Obama sẽ phải đối mặt những "di sản" cực kỳ khó chịu, trong đó nổi cộm lên 2 vấn đề lớn là tình hình chiến sự đẫm máu tại Trung Đông và cuộc suy thoái kinh tế nước Mỹ đang ngày càng gay gắt.

Ông Obama vừa lên tiếng sẽ đặt việc giải quyết bất ổn tại Trung Đông lên ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Ưu tiên số 1 về đối nội sẽ là vấn đề kinh tế; ông Obama vừa giới thiệu gói kích thích kinh tế trị giá 775 tỉ USD để phục vụ cho nhiệm vụ vô cùng khó khăn là phục hồi sức sống cho nền kinh tế quốc gia, đang đối mặt với nguy cơ thâm thủng ngân sách 1.200 tỉ USD trong năm nay.

Có lẽ vì những khó khăn mà ông Obama sẽ phải gánh vác sau ngày 20/1/2009 mà ngay trước khi bước vào cuộc hội ngộ với các tổng thống tiền nhiệm, ông Obama đã có cuộc hội đàm riêng với Tổng thống Bush-con khoảng 30 phút ở Phòng Bầu dục.

Tuy ngắn nhưng cuộc gặp riêng đó được đánh giá là "30 phút quý giá" Bush-con muốn dành để trao Obama những lời khuyên, những kinh nghiệm thật sự có giá trị có thể giúp ích cho Obama rất nhiều khi tiếp nhận chiếc ghế quyền lực cao nhất, để lèo lái con thuyền nước Mỹ thoát ra khỏi nhiều "bãi cạn" mà Bush-con đã "lỡ tay" đẩy nó vào.

Vâng, kinh nghiệm của người từng va vấp cùng một vấn đề nào đó luôn luôn bổ ích để người đi sau nhìn vào đó mà tránh "vết xe đổ"

Văn Trương (tổng hợp)
.
.