Bầu cử ở Tunisia: Cựu Chủ tịch Quốc hội giành chiến thắng áp đảo

Thứ Sáu, 26/12/2014, 18:15
Mặc dù phải đến tối 22/12 (theo giờ Việt Nam) kết quả kiểm phiếu mới chính thức được công bố nhưng ngay từ sáng cùng ngày, ông Beji Caid Essebsi, 88 tuổi, ứng cử viên đảng Nidaa Tounes, đã tuyên bố giành chiến thắng trước đối thủ là Tổng thống sắp mãn nhiệm Moncef Marzouki trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai tại Tunisia, diễn ra hôm 21/12. Trước đó, trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 10 vừa qua, đảng Nidaa Tounes của ông Essebsi cũng giành nhiều ghế nhất và có quyền đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp.

Luật gia, chính trị gia Mohamed Beji Caid Essebsi, sinh ngày 29/11/1926, tại Sidi Bou Said trong một gia đình quý tộc. Ông học luật tại Paris (Pháp) và trở thành luật gia tại Tunis Bar, nơi ông bắt đầu sự nghiệp của mình với việc bảo vệ các nhà hoạt động của đảng Neo-Destour (nay gọi là đảng Xã hội Destour). Sau khi Tunisia giành độc lập vào năm 1956, ông là thành viên trong Hội đồng Cố vấn của Thủ tướng Habib Bourguiba – người sáng lập ra Neo-Destour. Từ năm 1990 đến 1991, ông là Chủ tịch Quốc hội trong chính phủ của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali.

Chính trị gia kỳ cựu Caid Essebsi. Ảnh: AP.

Ngày 27/2/2011, sau thất bại của cuộc “Cách mạng Hoa nhài”, Thủ tướng Mohamed Ghannouchi tuyên bố từ chức trong bối cảnh lực lượng an ninh nước này đụng độ với người biểu tình đòi cách chức một số bộ trưởng của Chính phủ lâm thời. Tổng thống Tunisia vào thời điểm đó là Fouad Mebazza đã bổ nhiệm Essebsi vào chức Thủ tướng, vì ông là “một người có đời sống cá nhân và chính trị hoàn hảo, nổi tiếng với lòng yêu nước sâu sắc, lòng trung thành và có nhiều hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ đất nước”.

Tuy nhiên, động thái này vẫn không làm dịu được sự tức giận của hàng trăm nghìn người biểu tình, vốn cho rằng Thủ tướng lâm thời của Tunisia từng là “cánh tay phải” của cựu Tổng thống Ben Ali. Người biểu tình phản đối chính phủ đã đưa ra quyết định đơn phương khi bổ nhiệm ông Essebsi. Ông Essebsi rời ghế Thủ tướng ngày 24/12/2011 khi Tổng thống lâm thời Moncef Marzouki bổ nhiệm ông Hamadi Jebali vào chức vụ này.

Cuộc bầu cử tổng thống Tunisia đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tiến trình chuyển đổi dân chủ kéo dài suốt 4 năm qua tại Tunisia, sau khi những người biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Ben Ali hồi năm 2011. Tuy nhiên, cuộc bầu cử lại được cho là đã chỉ ra những chia rẽ sâu sắc trong nước, không chỉ giữa những người Hồi giáo và các nhóm thế tục mà còn giữa các khu vực thành thị giàu có và khu vực nông thôn nghèo khó. Bởi trong khi ông Essebsi kêu gọi sự hợp tác từ những phe phái thế tục và tự do hơn trong xã hội Tunisia thì các nhà phân tích cho rằng, ông Marzuoki đang tranh thủ sự ủng hộ từ các khu vực nông thôn bảo thủ. Vị Tổng thống sắp mãn nhiệm cũng bác bỏ tuyên bố chiến thắng của đối thủ và cho rằng, kết quả bầu cử chính thức được công bố sẽ nêu tên ông là người dẫn đầu cuộc bầu cử vừa qua. Tại miền Nam Tunisia cũng có hàng trăm người khác xuống đường biểu tình phản đối tuyên bố chiến thắng của ông Essebsi.

Trong chiến dịch tranh cử của mình trước đó, ông Marzuoki cũng cáo buộc đảng của ông Essebsi đang cố gắng kiểm soát đất nước theo cách mà chế độ cũ của nhà độc tài Ben Ali đã làm, thông qua việc nắm quyền tại Quốc hội và Chính phủ. Tuy nhiên, ông Essebsi đã bác bỏ những chỉ trích cho rằng, chiến thắng của ông sẽ mở đường cho sự trở lại của những nhân vật hoạt động tích cực trong chế độ của Tổng thống bị lật đổ Ben Ali.

Chính trị gia kỳ cựu này cho rằng ông là một nhà kỹ trị mà Tunisia đang cần sau nhiều năm hỗn loạn ở Tunisia, đồng thời “đánh tiếng” cho một sự hòa giải, khi kêu gọi những người ủng hộ đối thủ của ông làm việc với chính phủ mới nhằm xây dựng đất nước. Trong khi đó, đối với người dân Tunisia, họ chỉ có mong muốn rằng, bất cứ ai chèo lái đất nước thì cũng sẽ đưa Tunisia trở lại sự ổn định sau nhiều năm bất ổn.

Đặng Hà (tổng hợp)
.
.