Đại sứ Sergey Kislyak, người kết nối những mối liên hệ Nga – Mỹ

Thứ Năm, 09/03/2017, 16:15
Vào một ngày gần cuối năm 2011, vài tuần trước khi ông Michael A. McFaul chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ Đại sứ Mỹ tại Moskva, Đại sứ Sergei Kislyak đã mở tiệc chúc mừng tại khu dinh thự riêng Beaux-Arts ở Washington DC, cách Nhà Trắng có 4 dãy phố. Ông McFaul nhớ lại đó là một bữa tiệc tối “trên mức bình thường”.

Sự thành công của Đại sứ Kislyak trong việc tạo mối quan hệ sâu rộng trong hệ thống chính trị Mỹ đang khiến ông trở thành tâm điểm chú ý của “cơn bão” chính trị ồn ào mang dấu ấn “yếu tố Nga”, trở thành vị đại sứ nước ngoài có ảnh hưởng đáng kể nhất ở Washington. Trong câu chuyện ồn ào hiện nay, hai quan chức cao cấp của chính quyền Tổng thống Donald Trump, gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đều đang hứng “bão” vì đã không công khai đầy đủ các cuộc tiếp xúc, trò chuyện với các quan chức Nga.

Ngoài ra, Đại sứ Kislyak cũng cho biết ông từng nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện với con rể đầy quyền lực của ông Trump là Jared Kushner.

Năm nay 66 tuổi, Sergey Kislyak sinh trưởng dưới thời Liên bang Xôviết, có phong cách ngoại giao rất đặc biệt, là gương mặt đối ngoại kỳ cựu, đáng tin cậy của nước Nga. Bởi vì đó là một phần công việc của ông, và cũng bởi vì ông đã có mặt ở Mỹ từ rất lâu, hầu như biết rõ mọi ngóc ngách của nước Mỹ. Ông đã đến làm việc trong ngành ngoại giao từ những năm 1985-1989, thời Liên Xô.

Sau đó, ông trở thành Đại diện Nga tại NATO và Đại sứ Nga tại Bỉ trong giai đoạn 1998-2003. Rồi ông trở về Moskva, làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trong 5 năm. Kislyak bắt đầu làm Đại sứ Nga tại Mỹ từ năm 2008, thời điểm ông Vladimir Putin mãn nhiệm tổng thống và chuyển sang làm Thủ tướng Nga.

Trong thời gian làm ở Mỹ, ông đã kết nối, phối hợp làm việc với nhiều quan chức Mỹ. Cho đến khi ông Putin trở lại ghế Tổng thống Nga vào năm 2012, và quan hệ giữa Nga và Mỹ đã trở nên căng thẳng, Kislyak đã là một trụ cột ngoại giao Nga trên đất Mỹ, là người nổi tiếng thường xuyên tiếp đãi khách thượng lưu và chính trị gia tại khu dinh thự ở Pioneer Point, bang Maryland, vào mỗi cuối tuần. Khu dinh thự này là nơi ông thường hay mở tiệc khoản đãi những người tham gia thương lượng hiệp định hạt nhân New Start và gia quyến họ.

Đại sứ Sergey Kislyak.

Steven Pifer, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraina nhận xét: Không có gì là khi ông Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tiếp xúc và nói chuyện với Đại sứ Kislyak. Tuy nhiên, khu dinh thự này đã bị Tổng thống Obama ra lệnh đóng cửa vào tháng 12-2016 vì vụ bê bối đột nhập lấy trộm e-mail đảng Dân chủ.

Vấn đề về các cuộc tiếp xúc giữa Đại sứ Kislyak với các quan chức Mỹ đang là vấn đề ngoại giao nổi cộm giữa Mỹ và Nga, nó đã bộc lộ quan điểm, sự hiểu biết của mỗi bên đối với người của đối phương. Dimitri K. Simes, Chủ tịch Trung tâm Lợi ích Quốc gia, người cổ xúy việc thúc đẩy quan hệ thân thiện giữa Nga và Mỹ, nhận xét Đại sứ Kislyak có lối giao tiếp rất mạnh mẽ và săn đón rất quyết liệt, khiến người đối diện khó mà cưỡng lại lời mời của ông.

Chính Simes là người đã mở tiệc chiêu đãi để chào đón Kislyak khi ông mới đặt chân đến Washington nhận nhiệm vụ. Và cũng chính Simes là người đã giới thiệu Đại sứ Kislyak với ông Trump vào tháng 4-2016 nhân dịp Trung tâm của ông tổ chức một sự kiện ngoại giao có ông Trump tham gia phát biểu tại Khách sạn Mayflower ở Washington. Kislyak là 1 trong 4 đại sứ được mời dự và ngồi ở hàng ghế danh dự.

Cho đến gần đây, Kislyak đã thể hiện vai trò mình một cách thận trọng hơn, lặng lẽ hơn ở Washington, thậm chí rất ít khi thể hiện mình ở Moskva. Tuy vậy, những mối quan hệ ngoại giao mà Kislyak đã triển khai trong thời gian qua, nhất là các tiếp xúc của ông với ông Trump và các quan chức chính quyền của ông Trump đã trở thành mối bận tâm của các cơ quan an ninh Mỹ, và tình báo Mỹ đã thường xuyên theo sát mọi hành tung, hoạt động của ông, nghe lén cả các cuộc gọi điện thoại cá nhân của ông.

Một số nguồn tin tình báo còn “đồn” rằng ông là điệp viên dưới vỏ bọc ngoại giao. Ngày 2-3, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố phản đối tất cả những điều này.

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.