Đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giới sẽ thành pháo đài?

Thứ Hai, 01/10/2012, 19:50

Trong vòng 3 thập niên qua, việc thiết kế những đại sứ quán Mỹ nhằm phục vụ hai mục đích cơ bản: bảo vệ các nhà ngoại giao và quảng bá hình ảnh tích cực về nước Mỹ. Nhưng những cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở của Mỹ ở nước ngoài, nhất là sau ngày 11/9/2001, đã buộc chính quyền Mỹ phải tính đến chuyện biến các tòa nhà ngoại giao này thành pháo đài thật sự và vấn đề tiếp tục được bàn cãi sau những vụ tấn công đại sứ quán Mỹ diễn ra hàng loạt ở Libya, Ai Cập, Yemen và những nơi khác.

Trước kia, Bộ Ngoại giao Mỹ không quan tâm nhiều đến việc thiết kế các đại sứ quán ở nước ngoài mà thường chỉ bỏ tiền ra mua những tòa nhà đã có sẵn ở thủ đô nước đối tác. Năm 1926, Cơ quan Xây dựng phục vụ ngoại giao (FSBO) - về sau được đặt tên lại là Cơ quan Phục vụ xây dựng hải ngoại (OBO) - chính thức được thành lập để giám sát việc xây dựng các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài.

Năm 1954, OBO thành lập chương trình thiết kế đại sứ quán thu hút sự tham gia của các kiến trúc sư giỏi để tạo cho các cơ sở ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài một diện mạo mà Jane Loeffler - nhà sử học kiến trúc và là tác giả cuốn sách "Kiến trúc trong ngành ngoại giao" - gọi là "đặc thù của Mỹ".

Điển hình là đại sứ quán được xây dựng vào năm 1959 ở thủ đô Athens của Hy Lạp do kiến trúc sư nổi tiếng Walter Gropius (người thành lập trường kiến trúc và thiết kế vào năm 1919 tại Đức) thiết kế; và đại sứ quán ở New Delhi của Ấn Độ xây dựng cùng năm của kiến trúc sư Edward Durell Stone. Ngày nay, hai tòa nhà ngoại giao này trông chẳng có gì thu hút song vào thời điểm được xây dựng chúng được coi là cột mốc lịch sử của ngành kiến trúc và tượng trưng cho sức mạnh của Mỹ giữa cao trào của cuộc Chiến tranh lạnh.

Lực lượng an ninh đang canh gác Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Cairo của Ai Cập.

Nhưng giai đoạn thiên về biểu tượng trong thiết kế đại sứ quán chấm dứt vào năm 1983, sau vụ đánh bom liều chết nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Beirut của Liban giết chết 63 người. Cuộc tấn công đẫm máu chống Mỹ ở hải ngoại đã làm lộ rõ những mối nguy hiểm chết người mà các nhà ngoại giao phải đối mặt khi làm việc trong những tòa nhà không được bảo vệ nghiêm ngặt.

Sau vụ đánh bom khủng khiếp này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho thành lập một nhóm phụ trách vấn đề an ninh cho sứ mạng ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Bobby Ray Inman, đô đốc về hưu và là cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). Báo cáo của Inman năm 1985 dẫn đến việc ra đời của Cơ quan An ninh ngoại giao (BDS) trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và một bộ nguyên tắc chỉ đạo xây dựng đại sứ quán mới được phê chuẩn.

Theo tiêu chuẩn mới, các đại sứ quán Mỹ ở hải ngoại phải nằm trong vòng tường an ninh cao ít nhất 2,7m, được xây dựng cách xa đường lộ ít nhất 30m và tỉ lệ tối đa giữa số lượng cửa sổ và tường là 15%. Báo cáo Inman đề nghị nâng cấp hoàn toàn hoặc xây dựng mới 126 cơ sở ngoại giao của Mỹ ở hải ngoại, nhưng do thiếu kinh phí - Quốc hội chỉ thông qua khoản tiền 880 triệu USD thay vì 3,5 tỉ USD theo yêu cầu - cho nên chỉ có 15 đại sứ quán được sửa chữa theo tiêu chuẩn mới vào thập niên sau.

Đám đông người phẫn nộ trèo cổng Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Sanaa của Yemen, ngày 12/9/2012.

Năm 1998, tiếp tục xảy ra những vụ đánh bom đồng loạt nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở KenyaTanzania, giết chết 223 người. Những cuộc tấn công liên tiếp cảnh báo nước Mỹ về mối đe dọa từ Osama bin Laden và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda của ông ta, đồng thời là hồi chuông cảnh tỉnh Washington về vấn đề an ninh cho đại sứ quán. Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania đều không đạt chuẩn của Inman - ví dụ, thủ đô Dar es Salaam của Tanzania Sứ quán Mỹ chỉ nằm cách đường lộ 7,6m - và cuộc điều tra sau đó phát hiện 85% các đại sứ quán Mỹ không tuân thủ theo nguyên tắc an ninh.

Kiến trúc sư Jane Loeffler cho biết: "Sau năm 1998, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, và Bộ Ngoại giao Mỹ - do bị nhiều chỉ trích gay gắt và với ngân sách tăng thêm được Quốc hội thông qua - đã quyết định tái tổ chức chương trình xây dựng các cơ sở ngoại giao ở hải ngoại".

Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 càng làm cho Washington quyết tâm bảo đảm an ninh cho các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài. Năm 2002, OBO thông qua một bộ quy tắc mới gọi là "Thiết kế đại sứ quán chuẩn" (SED) nhằm tạo nên một khuôn mẫu trong việc xây dựng đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giới. Tiêu chuẩn mới đòi hỏi mọi cơ sở của Mỹ phải nằm gọn trong cùng một khu liên hợp kiên cố.

Tính thẩm mỹ không còn được ưu tiên sau ngày 11/9/2001, và Ủy ban Cố vấn kiến trúc của Bộ Ngoại giao Mỹ bị giải tán vào năm 2004. Tiêu biểu nhất cho quyết tâm tăng cường an ninh là Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad của Iraq - công trình cực kỳ quy mô bắt đầu vào năm 2005 và đi vào hoạt động năm 2009.

Được bao bọc bởi những bức tường bê tông cao gần 3m trong Vùng Xanh ở Baghdad. Đại sứ quán - rộng ngang ngửa thành phố Vatican trị giá 736 triệu USD và nằm cách tường rào gấp 2,5 lần khoảng cách thông thường - là nơi ở của hàng trăm nhân viên và lính thủy đánh bộ, độc lập về điện và nước. Đại sứ quán ở Baghdad kiên cố đến mức được gọi là "Pháo đài Mỹ", và Thượng nghị sĩ John Kerry thuộc Ủy ban Quan hệ ngoại giao của Quốc hội Mỹ phải thốt lên vào năm 2009: "Chúng ta đang xây dựng những pháo đài vòng quanh thế giới. Chúng ta đang tự cô lập mình với người dân ở các quốc gia đối tác".

Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv, Israel.

Nhưng sự thay đổi tiếp tục diễn ra dưới thời của nữ Ngoại trưởng Hillary Clinton. Tháng 7-2009, Hội Kiến trúc sư Mỹ (AIA) có báo cáo đề nghị cải tiến thiết kế các đại sứ quán cho linh động hơn và đặc biệt là thoát khỏi SED. Năm 2010, OBO tiếp tục đưa ra sáng kiến thiết kế các đại sứ quán Mỹ có tính thẩm mỹ hơn, thân thiện với môi trường hơn. Tiêu biểu là Đại sứ quán Mỹ ở London có Công ty KieranTimberlake xây dựng,  thay thế cho tòa nhà cũ do kiến trúc sư nổi tiếng Eero Saarinen xây dựng vào thập niên 50. Ngoài ra, thiết kế hiệu quả về năng lượng của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh - do Công ty Skidmore, Owings & Merrill đảm nhận và mở cửa vào năm 2008 - giành được nhiều giải thưởng kiến trúc của thế giới.

Nhưng liệu những cuộc tấn công nhằm vào đại sứ quán Mỹ đang lan rộng ở khắp nơi trên thế giới có làm cho Ngoại trưởng Hillary Clinton quay lại với ưu tiên an ninh cho sứ mạng ngoại giao của Mỹ? OBO từ chối bình luận về vấn đề này. Đại sứ quán Mỹ ở Cairo (Ai Cập), vừa bị tấn công, được xây dựng từ năm 1982 nên không theo tiêu chuẩn Inman, dù sau này được tăng cường an ninh. Đại sứ quán Mỹ ở Benghazi (Libya) - nơi bị khủng bố ngày 11/9 vừa qua khiến Đại sứ Christopher Stevens thiệt mạng - chỉ là một "cơ sở tạm thời" nên không có lính thủy đánh bộ bảo vệ, và cũng không có những biện pháp an ninh như kính chống đạn hay những cánh cửa gia cố theo tiêu chuẩn đại sứ quán Mỹ.

Người ta đặt câu hỏi: Liệu những cuộc tấn công Đại sứ quán Mỹ hàng loạt vừa qua có là lý do để các nhà ngoại giao Mỹ từ bây giờ sẽ phải tự cô lập trong những bức tường kiên cố và nhiều lớp hàng rào dây thép gai?

Duy Minh (tổng hợp)
.
.