Đàm phán hạt nhân Iran: Những “hòn đá” ngáng đường

Thứ Ba, 25/11/2014, 15:30

Lại thêm một thời hạn chót cho thỏa thuận hạt nhân cuối cùng giữa Iran với các cường quốc thế giới (P5+1) đang đến gần (ngày 24/11/2014), nhưng cho đến nay giữa hai bên vẫn còn những vấn đề gút mắc cuối cùng chưa được giải quyết xong. Thêm vào đó là những trở ngại khó vượt cũng đang đe dọa làm thất bại những nỗ lực đàm phán bấy lâu nay.

Khi các nhà ngoại giao của Iran và nhóm các cường quốc P5+1 (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) chuẩn bị gặp lại nhau tại Vienna, Áo, giới chức ngoại giao phương Tây đang cố lạc quan khi đưa ra thông tin cho rằng họ và các đồng nghiệp Iran đã hoàn thành đến 95% khối lượng công việc để tiến tới thỏa thuận, giờ chỉ còn chờ các lãnh đạo hai bên đưa ra các quyết định chính trị đối với năng lực làm giàu uranium của Iran trong vài năm tới, và vấn đề tiếp theo sau là gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Iran. Nhưng phần việc 5% còn lại đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định thỏa thuận có được ký kết hay không.

Một số chuyên gia hàng đầu về giải trừ vũ khí cho rằng các khó khăn, trở ngại đang đe dọa cản trở thỏa thuận hạt nhân mang tính chính trị nhiều hơn, quyết định bởi khả năng chính quyền của Tổng thống Obama và chính quyền cải cách của Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong việc thuyết phục phái bảo thủ trong nước mình về sự cần thiết đạt được thỏa thuận, hơn là chính chương trình năng lượng hạt nhân của Iran.

Tổng thống Obama, đang cần hơn bao giờ hết một kết quả tích cực để hoàn tất một thành tựu về đối ngoại trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ II. Muốn thế thì thời hạn 24/11 là cái mốc quan trọng cần phải bảo đảm và không thể để kéo dài thêm. Quốc hội mới với phe Cộng hòa chiếm đa số sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2015. Trong khi đó, ngay từ đầu, đa số thành viên đảng Cộng hòa đều chống việc ký thỏa thuận hạt nhân với Iran và đã lên tiếng dọa sẽ phủ quyết bất kỳ thỏa thuận nào được ký. Nếu để kéo dài sang năm 2015, nhiều khó khăn sẽ chồng chất và cản trở việc ký thỏa thuận lẫn việc phê chuẩn tại Quốc hội.

Đàm phán thất bại có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng. Quốc hội Mỹ đang rất muốn áp đặt thêm lệnh trừng phạt Iran, và sau khi phe Cộng hòa giành được quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội sau kỳ bầu cử vừa qua, ông Obama sẽ khó lòng phủ quyết các biện pháp trừng phạt mới. Trong khi đó, ở phía ngược lại, những người theo quan điểm cứng rắn ở Iran cũng đòi hỏi chấm dứt việc đóng băng một phần chương trình hạt nhân của người Iran theo thỏa thuận tạm thời cách đây một năm. Thái độ leo thang cứng rắn giữa hai phía có thể khiến cho tình hình quay trở lại thời kỳ căng thẳng cách đây 12 năm.

Thêm vào đó là một Israel hiếu chiến của Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng đang hậm hực đòi “dự phần” bằng cách đơn phương sử dụng vũ lực quân sự tấn công các mục tiêu trên đất Iran, càng tạo thêm sức ép với các nhà đàm phán. Trong vài tuần gần đây, ông Netanyahu liên tục đưa ra luận điệu chống lại việc đàm phán hạt nhân với Iran, liên tục so sánh Iran với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và tuyên truyền rộng rãi rằng “Iran không phải là đối tác của Mỹ, mà là kẻ thù của Mỹ”. Trọng tâm của Israel là Iran là “mối đe dọa hiện hữu”.

Nhiều chính khách ở Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi tác động từ ông Netanyahu và bộ máy chính quyền Israel. Trước những áp lực lớn bên ngoài bàn đàm phán, các nhà đàm phán của hai bên chắc chắn sẽ không muốn để cho đàm phán sụp đổ. Nhằm tạo điều kiện thêm cho đàm phán, Tổng thống Obama đã viết một bức thư bí mật gửi cho lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, với nội dung kêu gọi Đại giáo chủ hỗ trợ cho thỏa thuận đạt được đúng hạn chót 24/11. Động thái này cho thấy ông Obama đang nôn nóng như thế nào. Không ai bảo đảm lãnh tụ Iran có đáp ứng yêu cầu của ông Obama hay không.

Một kịch bản “tối thiểu” được nhiều nhà phân tích nói đến là cả hai bên sẽ thống nhất gia hạn thêm thời gian nếu thỏa thuận hoàn chỉnh không thể đạt được vào đúng ngày 24/11. Có thể hai bên sẽ chọn giải pháp “câu giờ” và thông báo một “thỏa thuận khung” để tranh thủ thời gian gần 2 tháng còn lại (trước khi phe Cộng hòa chính thức nắm quyền ở Quốc hội Mỹ) để chạy đua nước rút giải quyết nốt các vấn đề còn lại, hoặc chỉ đơn giản là gia hạn đàm phán thêm. Nhưng cả hai giải pháp này đều không bền vững về mặt chính trị nếu các bên không thể hiện được sự tiến bộ cụ thể

Văn Trương (tổng hợp)
.
.