Dân Mỹ - Những con tốt trên bàn cờ chính trị?

Thứ Hai, 07/10/2013, 11:15

Những bế tắc chính trị tại Mỹ liên quan tới vấn đề ngân sách hiện nay không biết đến khi nào mới được giải tỏa. Các đảng phái tiếp tục làm căng với nhau, trong khi đời sống người dân Mỹ bắt đầu cảm nhận thấy hậu quả của việc chính phủ đóng cửa. Không chỉ có dân Mỹ mà thế giới cũng đang phản ứng. Cuộc khủng hoảng này chưa qua, một nguy cơ to lớn hơn, nguy hiểm hơn lại đang nằm ngay trước cửa nước Mỹ.

Tính đến ngày 5/10, các cơ quan Chính phủ liên bang Mỹ đã đóng cửa sang ngày thứ năm. Trả lời CNN ngày 4/10, Tổng thống Barack Obama tuyên bố: ông vô cùng tức giận vì thất bại không đạt được thỏa thuận về ngân sách với đảng Cộng hòa đã dẫn đến công việc của các cơ quan chính phủ bị đình trệ.

Trong tâm trạng đầy bức xúc, Tổng thống Obama nói, Quốc hội phải chấm dứt tình trạng tạm ngưng hoạt động của chính phủ vì không những khiến cho hàng trăm ngàn người phải ngừng làm việc, và gây phương hại cho hàng ngàn công ty lệ thuộc vào công việc của họ: “Sẽ không có vấn đề điều đình về việc này. Người dân Mỹ không phải là những con tốt trên bàn cờ chính trị. Quý vị không nhận được thỏa thuận để đổi lại việc giữ cho chính phủ hoạt động. Quý vị không nhận được thỏa thuận để đổi lại việc giữ cho nền kinh tế tiếp tục vận hành. Quý vị không nhận thỏa thuận để làm công việc cơ bản nhất của quý vị”.

Từ ngày 1/10 đến nay, các cuộc thương lượng về ngân sách giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không tiến triển, cho dù đã có một cuộc họp giữa Tổng thống Barack Obama và các lãnh đạo Quốc hội lưỡng viện vào tối ngày 2/10. Tiến bộ duy nhất đáng kể đạt được là có được cuộc họp. Lần đầu tiên, kể từ nhiều tuần qua, các lãnh đạo của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã gặp nhau để thảo luận, theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Phần còn lại, không có gì tiến triển cả.

Sau khi ra khỏi Nhà Trắng, Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa, ông John Boehner, nói rất ngắn gọn. Đại ý, Tổng thống Obama không muốn thương lượng, chính phủ bị chia rẽ và ông tuyên bố: “Tôi chẳng có gì để nói thêm”. Tất cả đều không chịu nhượng bộ trước việc chuẩn chi cho Đạo luật bảo hiểm y tế Obamacare trong ngân sách năm tới.

Tổng thống Obama nói: "Dân Mỹ không phải là những con tốt trên bàn cờ chính trị" tại buổi nói chuyện ngoài trời ở bang Maryland.

Trong khi giới chính trị bế tắc, các cơ quan dịch vụ công vẫn đóng cửa và sự khó chịu ngày càng thấy rõ ở người dân Mỹ. Một sự cố gây nhiều tiếng vang: việc đóng cửa các khu tưởng niệm, không cho các cựu chiến binh vào và những hình ảnh các cựu chiến binh, một số người ngồi trên xe lăn, không vào được bên trong để thăm viếng. Các cựu chiến binh rất tức giận, những hình ảnh này đã được phổ biến rộng rãi trên các kênh truyền hình và Internet.

Việc chính phủ tạm ngưng hoạt động đã khiến hơn 800.000 nhân viên liên bang, khoảng 1/3 lực lượng nhân sự liên bang, phải tạm nghỉ việc. Các nhân viên làm việc trong các lĩnh vực được xem là thiết yếu, như kiểm soát không lưu, nhân viên biên phòng và phần lớn nhân viên ngành kiểm tra thực phẩm, vẫn tiếp tục làm việc.

Theo giới chuyên gia, thời gian ngưng hoạt động càng dài thì thiệt hại càng lớn. Văn phòng Quản lý và Ngân sách ước tính chi phí của hai lần chính phủ ngưng hoạt động từ năm 1995 đến năm 1996 là hơn 1,4 tỉ USD. Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết, con số đó hiện nay là 2,1 tỉ sau khi đã điều chỉnh lạm phát. Rồi còn tổn hại về niềm tin của dân Mỹ đối với chính phủ họ thì sao?

Nếu đem lịch sử ra làm chỉ dấu thì nghiên cứu tổ chức Gallup nói rằng, đó có thể không phải là vấn đề to tát đối với Tổng thống Barack Obama hay Chủ tịch Hạ viện đảng Cộng hòa John Boehner. Gallup nói rằng, lần ngưng hoạt động năm 1995-1996 "ít ảnh hưởng" đến quan điểm của người Mỹ về Tổng thống Bill Clinton và Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich trong những tháng sau khi chính phủ bắt đầu nghỉ làm. Tỉ lệ ủng hộ Quốc hội nói chung, nền kinh tế Mỹ và cả nước nói chung cũng không bị ảnh hưởng.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo: Mỹ vỡ nợ sẽ khiến kinh tế toàn cầu lao đao.

Ngày 1/10, Chính phủ Mỹ đã đóng cửa, nhưng thế giới vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, một số chức năng của chính phủ liên kết Mỹ với thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các hoạt động về lãnh sự vụ của Mỹ ở nước ngoài sẽ tiếp tục chừng nào còn đủ ngân khoản để hỗ trợ. Có nghĩa là Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục cứu xét các đơn từ nước ngoài xin cấp thị thực và hộ chiếu của Mỹ, và cung cấp các dịch vụ cho công dân Mỹ ở nước ngoài chừng nào còn có thể làm được. Hầu hết nhân viên làm việc cho các cơ quan Dịch vụ Quốc tịch và Di trú (USCIS), sẽ tiếp tục làm việc, có nghĩa là các đơn xin cấp thẻ xanh, hay xin quy chế thường trú, sẽ tiếp tục được nhận như bình thường.

Việc công cán của Bộ Ngoại giao sẽ hạn chế ở mức độ cần thiết để duy trì quan hệ với nước ngoài cấp thiết cho an ninh quốc gia, hay xử lý các tình huống khẩn cấp có liên quan đến sự an toàn của mạng sống hay bảo vệ tài sản. Do đó, chẳng hạn, các chuyến kinh lý sẽ được phép thực hiện để thương nghị các hiệp định quan trọng và để cung cấp các dịch vụ cấp thiết cho người tị nạn, chứ không phải để đọc một bài phát biểu khích lệ tại một trường đại học nước ngoài. Tổng thống Obama ngày 3/10 đã quyết định rút ngắn chuyến đi châu Á đã được dự trù, cụ thể là hủy chuyến viếng thăm Malaysia và Philippines.

Trong khi đó, do Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần, số người bán chứng khoán và đôla trên các thị trường châu Á hôm 2/10 gia tăng. Các nhà mua bán chứng khoán cho biết, vụ đóng cửa đầu tiên trong vòng 17 năm của Chính phủ Mỹ đã làm sút giảm số điểm gia tăng trên thị trường Tokyo sáng sớm hôm 2/10. Masamichi Adachi, một chuyên gia kinh tế của Công ty JP Morgan ở Tokyo, cho biết trong thời gian gần đây các nhà đầu tư đã dự kiến là Chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa.

"Nhưng nếu họ đóng cửa lâu hơn, giả dụ như vài tuần lễ, thì việc đó chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực. Và chúng tôi quan tâm hơn tới vấn đề mức trần nợ vì điều đó có thể dẫn tới chỗ trái phiếu Chính phủ Mỹ không được thanh toán trên lý thuyết. Và việc đó sẽ có tác động tiêu cực rất lớn đối với các thị trường tài chính".

Nuttachart Mekmasin, Phó chủ tịch Công ty chứng khoán Trinity ở Bangkok, cho biết ông dự kiến các vấn đề ở Mỹ sẽ có những tác động hạn chế vào lúc này. "Tôi nghĩ rằng thị trường ở các nước châu Á có lẽ không gặp vấn đề lớn như ở Mỹ. Nhưng trong ngắn hạn có thể sẽ có tình trạng dòng vốn chảy ra ngoài. Trên thị trường của chúng tôi trong tuần qua, số chứng khoán người nước ngoài bán ra nhiều hơn số mua. Các thị trường chứng khoán khác ở châu Á cũng vậy. Nhưng thị trường đã ứng phó khá tốt với áp lực này”.

Tỉ giá hối đoái của đồng đôla Mỹ ở các thị trường châu Á đã giảm tới mức thấp nhất trong vòng 9 tháng, và đồng yen được hưởng lợi từ tình trạng bất trắc ở Washington. Tân Hoa xã cảnh báo: du khách tới Mỹ là những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch, như các công viên quốc gia và các đài tưởng niệm ở thủ đô Washington, đang trong tình trạng bị đóng cửa.

Trong khi cuộc khủng hoảng ngân sách Mỹ vẫn chưa thấy hồi kết, một thời điểm quan trọng khác đang cận kề: đó là việc nâng mức trần nợ công sẽ được bỏ phiếu vào ngày 17/10 tới đây. Đảng Dân chủ cảnh báo là sẽ xảy ra tai họa nghiêm trọng nếu văn bản này không được thông qua. Cách đây hai năm, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, mối đe dọa về việc nâng mức trần nợ công có thể không được Quốc hội thông qua, đã dẫn đến việc hạ điểm tín nhiệm tài chính của Mỹ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho biết, nền kinh tế toàn cầu có thể bị tổn hại nghiêm trọng nếu Mỹ không tăng trần nợ và tránh tình trạng mất khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde nói trước một cử tọa ở Washington hôm 3/10 rằng, việc Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động mấy ngày nay là đáng lo ngại, nhưng việc không nâng được mức trần nợ 16,7 ngàn tỉ USD của nước này còn tệ hơn. Như vậy, cuộc khủng hoảng ở Mỹ còn lâu mới kết thúc

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.