Đạn pháo vẫn nổ ở Gaza sau đàm phán?

Thứ Tư, 13/08/2014, 19:50

5h sáng GMT (12 giờ Việt Nam) thứ sáu ngày 8/8, thỏa thuận ngừng bắn 72 giờ hết hiệu lực. Đây là thời điểm vô cùng nhạy cảm tại Dải Gaza khi những điều kiện các bên đặt ra cho việc đàm phán hòa bình giữa Israel và Hamas đang còn nhiều khác biệt. Cho đến nay, phái đoàn đàm phán của Hamas vẫn bảo vệ các điều kiện mặc cả của mình trong khi Israel tiếp tục bảo lưu quan điểm bảo thủ, chưa có bên nào chịu nhượng bộ bên nào.

Bước vào bàn đàm phán ở Cairo, phía Palestine tham gia đàm phán gồm các đại diện Hamas, Cơ quan quyền lực Palestine (PA) và Tổ chức Palestine Islamic Jihad (PJI). Cái khó cho Hamas là tổ chức này chính thức bị cấm hoạt động chính trị tại Ai Cập, tuy nhiên, vào giờ chót một số nhà đàm phán bổ sung vẫn được phép đến Ai Cập, trong đó có một lãnh đạo tên là Khalil al-Hayya.

Dẫn đầu phái đoàn đàm phán Palestine là Moussa Abu Marzouk. Đây có lẽ là lần tập trung lực lượng chính trị đầy đủ nhất của người Palestine để tiến hành đàm phán một thỏa thuận với Israel.

Giới phân tích đưa ra một số nhận định trước khi Israel và các nhóm Palestine bước vào đàm phán, cho rằng, vòng đàm phán tại Cairo lần này chỉ mới là bước đầu tiên để giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng khác nhau giữa Israel và Palestine. Trước hết, đó là vấn đề các chốt cửa khẩu biên giới.

Đề xuất do Ai Cập đưa ra: "Các cửa khẩu sẽ được mở, người và hàng hóa được lưu thông qua lại một khi tình hình an ninh trên mặt đất được bảo đảm ổn định".

Liên quan đến vấn đề này, người Palestine cũng đưa ra các điều kiện đàm phán của mình. Hamas và Tổ chức Giải phóng Palestine đặt ra một số yêu cầu ngay từ đầu là Israel phải dỡ bỏ chính sách bao vây, phong tỏa Gaza kéo dài suốt 8 năm qua; các chốt biên giới giữa Gaza với Israel và Ai Cập phải được mở trở lại; và vùng đánh bắt hải sản phải được mở rộng lên 12 dặm, thay vì chỉ 3 dặm như hiện nay, đồng thời Gaza được xây dựng một cảng biển và sân bay.

Ai Cập và Israel từng đồng ý nới lỏng bao vây phong tỏa sau lần giao chiến giữa Israel và Hamas vào năm 2012, nhưng biên giới và việc nhập khẩu hàng hóa vẫn được kiểm soát chặt chẽ.

Phái đoàn Palestine tham gia đàm phán tại Cairo.

Lần này, Israel đang đối mặt với sức ép lớn từ dư luận quốc tế đòi hỏi phải nới lỏng phong tỏa để giúp người dân Palestine ổn định cuộc sống. Về vấn đề trao trả tù nhân, người Palestine đòi Israel phải trả tự do cho 125 tù nhân Palestine chủ chốt. Phía Israel chưa có phản hồi nào đối với các yêu cầu của Palestine. Bên cạnh đó còn có hàng loạt vấn đề khác cũng cần xem xét giải quyết, như việc kiểm soát biên giới được cho là nên giao lại cho Cơ quan quyền lực Palestine (PA), rồi vấn đề vũ trang và phi quân sự hóa Dải Gaza cũng được đặt ra, Israel mong muốn kiểm soát chặt chẽ vấn đề này nhưng bị Hamas bác bỏ.

Một vấn đề tưởng chừng không ai quan tâm nhưng thực tế đang đặt ra yêu cầu bức thiết là tái thiết cơ sở hạ tầng Dải Gaza và khôi phục kinh tế cho người dân Palestine sau nhiều năm bị phong tỏa. Có thể cộng đồng quốc tế sẽ lo việc này, với chi phí dự kiến khoảng 6 tỉ USD, trong đó cấp bách nhất là xây dựng lại khoảng 100.000 đơn vị nhà ở cho người Palestine. Một hội nghị quyên góp tài trợ dự kiến sẽ được tổ chức tại Na Uy vào tháng 9 tới để làm việc này.

Một phát ngôn viên của Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam, cánh quân sự của Hamas, đưa ra lời cảnh báo, giao tranh có thể tái diễn nếu các yêu cầu của người Palestine không được đáp ứng.

Người phát ngôn Hamas cho rằng, nếu không dỡ bỏ hoàn toàn việc bao vây, phong tỏa thì ít nhất Israel cũng phải mở một lối thoát ra biển Địa Trung Hải cho người Palestine. Và đây là điều kiện để 2 bên có thể đạt được thỏa thuận kéo dài ngừng bắn chứ chưa thể có hòa bình lâu dài.

Phát biểu của người phát ngôn quân sự của Hamas khiến cho dư luận lo ngại về tình hình không lường trước được ở Gaza. Mọi người đang mong rằng Hamas không rời bàn đàm phán khi các yêu cầu của người Palestine chưa được Israel đáp ứng thỏa đáng.

Giới quan sát cũng đưa ra nhận định rằng, thành bại của đàm phán không chỉ phụ thuộc vào sự thỏa hiệp của 2 bên mà còn phụ thuộc vào những nỗ lực hòa giải của nước chủ nhà Ai Cập. Dựa vào những hành động của Ai Cập từ trước đến nay và việc Cairo vẫn đang là "đồng minh" của Israel, giới phân tích cho rằng Ai Cập có lợi ích với Israel nhiều hơn với Hamas, do đó sẽ khó có sự khách quan hoàn toàn trong đàm phán.

Cuộc chiến 29 ngày vừa diễn ra giữa Israel và Hamas đã để lại hậu quả thảm khốc cả về nhân mạng và cơ sở vật chất hạ tầng ở Dải Gaza. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, đã có 1.890 người Palestine thiệt mạng, trong đó 73% là dân thường, tức 1.354 người, trong đó có 429 trẻ em. Phía Israel cũng mất 67 binh sĩ. Hơn 10.000 ngôi nhà của người Palestine bị phá hủy, chưa kể các trường học, cơ sở y tế,…

Đây là cuộc giao tranh vô bổ và gây tổn thất nhiều nhất mà Israel tiến hành với người Palestine trong gần 10 năm trở lại đây. Cuộc chiến này đã khiến Israel mất thêm uy tín trong cộng đồng quốc tế, với thêm nhiều nước phản đối và tẩy chay Israel. Israel chỉ rút quân khỏi Gaza vào sáng ngày 5/8, khi thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập đề xuất có hiệu lực.

Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố "sứ mệnh phá hủy đường hầm đã hoàn thành" như một cách "vớt vát" danh dự cho một cuộc rút quân vô điều kiện mà không đạt được mục tiêu ban đầu là "làm suy yếu Hamas".

Israel đã theo đuổi đường lối sai lầm khi tiến hành cuộc chiến với Hamas, vì Tel Aviv sẽ không thể đạt được mục tiêu bằng vũ lực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từng "khuyên" Israel rằng, "phải dùng cách khéo léo để đối xử với Hamas", trong đó bao gồm cả việc phải tiến hành đàm phán với tổ chức này.

Còn Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội Mỹ (DIA) tướng Micheal Flynn thì nói thẳng: "Nếu Hamas bị tiêu diệt và biến mất, chúng ta có thể sẽ gặt hái được điều tồi tệ hơn nhiều"

Văn Trương (tổng hợp)
.
.