Dân rất cần đuợc dự báo

Thứ Năm, 20/03/2008, 09:00
Chỉ mới hơn một năm trước, khi nước ta chập chững bước vào WTO, ai mà chẳng cảm thấy rạo rực, phấn khởi. Những lời "có cánh" như khiến đất nước ta như sắp... cất cánh bay lên thật... Khi ấy, những người ít đầu óc lãng mạn, tỉnh táo đã lên tiếng dè dặt cảnh báo rằng, cơ hội lớn luôn đi kèm với thách thức; rằng nếu để tuột khỏi tay cơ hội thì nó có thể biến thành nguy cơ.

Khi ấy, mấy ai có thể tưởng tượng nền kinh tế chỉ sau một năm hội nhập lại dễ bị tổn thương đến vậy. Giờ đây những vấn nạn của kinh tế đã nhãn tiền: lạm phát, giá cả tăng chóng mặt, nhập siêu đáng báo động...

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định rằng, một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát là "có yếu kém trong dự báo nhưng không sai lầm về chính sách".

Trước đó, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương, ông Bộ trưởng cũng thừa nhận: "Vừa qua có yếu kém trong dự báo và triển khai thực hiện". Câu nói này nghe quen tai quá, vẫn thường vọng lên khi kiểm điểm thực hiện các nghị quyết: “Đường lối chủ trương đúng nhưng yếu kém trong khâu thực hiện".

Như vậy rõ ràng là có một khoảng cách lớn tồn tại giữa "đường lối" và "thực hiện". Nhưng không thể xây dựng chính sách mà không có dự báo. Hơn thế, không thể có chính sách đúng đắn nếu dự báo kém. Đương nhiên, từ xưa tới nay, dự báo vẫn là việc cực kỳ khó. Dự báo sai một cơn bão, một trận động đất, một đợt rét hại kéo dài, thì thảm hại khôn lường, hậu quả lâu dài.

Song, dự báo kinh tế yếu kém, dự báo tài chính - tiền tệ yếu kém, thì tác hại của nó gấp vô số lần thiệt hại về thiên tai bởi nó bao trùm lên toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, lên cuộc sống của triệu triệu người. Đây có phải là điều mà ta hoàn toàn không thể dự báo được và phải bó tay chấp nhận một cách bất lực hay không?

Dũng cảm, trung thực nhìn thẳng vào sự thật, tự soi mình nghiêm khắc mà nói, ta vừa dự báo yếu vừa kém sự phối hợp giữa các ngành.

Văn bản 319 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp “cả gói” kiềm chế lạm phát, các giải pháp đồng bộ, quyết liệt thể hiện quyết tâm của Chính phủ. Đằng sau những thuật ngữ khó hiểu "tài khóa", "thanh khoản", tùy theo từng người có mối quan tâm sát sườn khác nhau.

Người đang đầu tư vào chứng khoán sẽ yên tâm vì chính phủ "không để thị trường đi xuống”. Người đang tham gia vào thị trường bất động sản thì tin tưởng rằng Nhà nước sẽ "tạo điều kiện phát triển lành mạnh thị trường bất động sản”.

Thật đáng tiếc, những thông tin mang tính dự báo sống còn ấy chỉ được đăng tải trên một số tờ báo lớn. Không nên quên rằng báo chí, dù số lượng phát hành hàng triệu bản cũng chỉ may ra "phủ kín" ở thành phố. Đa số người dân luôn “đói” thông tin, thiếu thông tin, thậm chí “mù tịt" thông tin là một tình trạng khá phổ biến và thật đáng lo ngại. Lo ngại hơn cả là người dân không được dự báo.

Liên tiếp trong những ngày qua hàng loạt sự việc diễn ra mà dường như các cơ quan chức năng, người có trách nhiệm hết sức lúng túng không thể đưa ra những dự báo hướng dẫn dư luận trấn an người dân. Nói có sách, mách có chứng. Mới vừa đây lại thêm một đứa trẻ tử vong sau tiêm chủng ở Cà Mau.

Vậy là từ tháng 7/2007 đã có 10 trẻ thiệt mạng liên quan đến tiêm chủng. Riêng năm 2007, sự cố liên tiếp 8 trẻ tử vong được coi là tai nạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử 20 năm của chương trình tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế thừa nhận: "Các báo cáo đều cho rằng quy trình tiêm chủng đúng, vắcxin đảm bảo an toàn... Không hiểu tử vong là do đâu!". Ông Bộ còn không hiểu thì dân hiểu sao nổi!

Những thông tin trái chiều về Aslem, thuốc được cho là có khả năng kéo dài cuộc sống bệnh nhân ung thư, một lần nữa khiến người dân khó hiểu, không biết tin ai bây giờ. Thuốc được Cục Quản lý dược chính thức cấp sổ đăng ký sản xuất và lưu hành trên thị trường. Thế nhưng, phát biểu trên một tờ báo, ông Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh lại khẳng định việc nghiên cứu bài bản thuốc này nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được.

Người dân thực sự khó xử về thông tin. Rõ ràng người dân không có điều kiện tiếp cận thông tin như báo, đài, vì thế họ rất cần được dự báo, thông báo trung thực, rõ ràng.

Mức độ “cởi mở” thông tin được coi là tiêu chí hàng đầu của một xã hội dân chủ và là nền tảng để xây dựng nhà nước pháp quyền. Luật Quyền tiếp cận thông tin đang được trưng cầu dân ý để trình Quốc hội thông qua. Quyền tiếp cận thông tin còn gọi là "quyền được biết", là cốt lõi của quyền thông tin. Quyền này nhấn mạnh đến nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo cung cấp thông tin.

Tiếp cận thông tin giúp dân hiểu rõ hơn những quyền lợi nào họ được hưởng và có thể được hưởng và ai phải chịu trách nhiệm thực hiện quyền ấy. Thông qua quyền được biết, người dân sẽ kiểm soát tốt hơn trách nhiệm của chính quyền do mình tin cậy bầu ra.

Báo chí được coi là một kênh thực thi quyền được biết của người dân. Báo chí có tác động rất lớn, có sức lan tỏa rộng và sâu trong xã hội. Tuy thế, còn một kênh thông tin khác rất hữu hiệu chưa được sử dụng và tận dụng hiệu quả. Đó là truyền hình, phát thanh.

Ở hầu hết các nước, trên các kênh truyền hình thời sự thu hút sự quan tâm của đông đảo dân chúng, người ta luôn dành chỗ cho những nhà bình luận sắc sảo, có uy tín, thông báo, dự báo, cảnh báo, thậm chí cấp báo những sự kiện nóng nhất của đất nước. Hơn thế, các cơ quan nhà nước còn có người phát ngôn "lên hình" chỉ đường dẫn lối cho dư luận, cho người dân với những thông tin chính thức, công khai. Còn ở ta, không có ai có trách nhiệm dự báo, khuyến cáo người dân nửa lời trong lúc họ "bơ vơ" giữa thông tin nhiễu loạn.

Con số 107 người lao động Việt Nam chết tại Malaysia gây bàng hoàng dư luận, cộng lại từ năm 2004 đến nay, số người tử vong ở đất khách quê người lên đến 315 người. Vậy mà thông tin kinh hoàng này đã bao giờ được công bố trên công luận?

Và, chỉ đến khi báo chí lên tiếng về nguy cơ truyền nhiễm từ loài chuột Hamster "nhập ngoại", thì Cục Thú y mới "giật mình" đưa ra quy định kiểm soát, quản lý mua bán, vận chuyển loài gặm nhấm nguy hiểm này.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, đã đến lúc các bộ, ngành, cơ quan có trách nhiệm cần có những phát ngôn viên chính thức không chỉ trên báo chí. Đã đến lúc, Đài Truyền hình trung ương nên dành thời lượng sóng cố định cho bình luận viên sắc sảo, cho chuyên gia có uy tín và người phát ngôn của các cơ quan cung cấp thông tin trung thực, chính xác cho người dân.

Dự báo quan trọng nhất mà xã hội dân sự không thể thiếu là "dự báo" uy tín, "dự báo" lòng tin

Hồng Hạc
.
.