Bầu cử Quốc Hội Tây Ban Nha:

Đảng Công nhân Xã hội chiến thắng áp đảo

Thứ Hai, 17/03/2008, 15:30
Cuộc bầu cử Quốc hội Tây Ban Nha diễn ra hôm 9/3 đã mang lại chiến thắng áp đảo cho đảng Công nhân Xã hội (PSOE), đồng thời khẳng định Thủ tướng đương nhiệm Jose Luis Rodriguez Zapatero sẽ thêm một nhiệm kỳ 4 năm để tiếp tục những chính sách, chương trình còn dang dở. Chiến thắng còn khẳng định ưu thế ngày càng mạnh của PSOE và Thủ tướng Zapatero trước đảng đối lập Bình dân (PP).

Có đến 70% trong tổng số 35 triệu cử tri Tây Ban Nha đã đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội trong ngày 9/3. Ngay buổi chiều cùng ngày, kết quả sơ bộ đã được hãng thăm dò dư luận IPSOS thông báo trên  truyền hình TVE, theo đó PSOE sẽ gia tăng số ghế trong Quốc hội và có thể giành được đa số (176 ghế) để  đủ điều kiện đứng ra thành lập Chính phủ mới. Trong khi đó, đảng đối lập PP được dự đoán chỉ giành được 148-152 ghế.

Tại cuộc bầu cử ngày 14/3/2004, PSOE giành được 164 ghế, còn PP do ông Mariano Rajoy dẫn đầu giành được 148 ghế. Kết quả này tương đương tỉ lệ phiếu bầu 45% cho PSOE và 38,6% cho PP. Ngày 10/3, đảng PSOE của Thủ tướng Zapatero đã tuyên bố thắng cử, trong khi thư ký Jose Blanco của PP cũng thừa nhận thất bại của PP.

Kỳ bầu cử này còn được xem là một cuộc tái ngộ gay cấn giữa 2 “kỳ phùng địch thủ” Zapatero của PSOE và Rajoy của PP. Và một lần nữa, ông Zapatero lại thắng ông Rajoy, thậm chí thắng còn đậm hơn lần trước. Xin nhắc lại, tại kỳ bầu cử ngày 14/3/2004, PSOE của ông Zapatero đã bất ngờ giành chiến thắng ngoạn mục, trước đảng cầm quyền PP khi đó đang gặp sự cố nghiêm trọng là vụ khủng bố đường sắt ngày 11/3/2004 làm chết gần 200 người.

PP và Thủ tướng Jose Maria Aznar khi đó đã không xử lý tốt vụ khủng bố mà đã quy trách nhiệm cho Tổ chức ly khai xứ Basque ETA thay vì phải nhận diện chính xác thủ phạm gây ra vụ đánh bom là các phần tử Hồi giáo cực đoan. Chính sai lầm này đã khiến cho cử tri giảm lòng tin.

Người ta cho rằng vì Tây Ban Nha tham gia cùng với Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq nên đã trở thành mục tiêu khủng bố. Nắm được điều này, PSOE khi đó đã giương khẩu hiệu chống lại việc tham chiến tại Iraq, đồng thời cam kết sẽ rút quân đội ra khỏi đây nếu giành thắng lợi. Lời cam kết đó đã có tác dụng ngay tức thì, tạo nên chiến thắng cho PSOE.

Thua trong hoàn cảnh vừa bị bọn khủng bố giáng một đòn chí tử, lại bị dư luận công kích vì tham chiến cùng với Mỹ tại Iraq đã khiến cho đảng PP và ông Rajoy cay cú, và suốt 4 năm qua lúc nào cũng phủ nhận chiến thắng của PSOE và luôn tìm cách chỉ trích bất kỳ chính sách kinh tế, xã hội nào của Chính phủ Zapatero.

Kết quả bầu cử đã tái khẳng định sự ủng hộ của cử tri Tây Ban Nha đối với Chính phủ của Thủ tướng Zapatero mặc dù Chính phủ của ông đã gặp phải nhiều khó khăn. Nhìn lại 4 năm cầm quyền của ông Zapatero, người ta thấy ông chỉ đạt được một số thành quả về chính sách đối ngoại, an ninh và cải cách xã hội trong nước, trong khi gặp khó khăn về kinh tế và việc giải quyết vấn đề ly khai xứ Basque.

Cử tri Tây Ban Nha có lẽ đã hài lòng với Thủ tướng Zapatero khi ông giữ đúng lời hứa rút toàn bộ 1.300 binh sĩ nước này về nước chỉ vài tuần sau khi nhậm chức. Với động thái này, Tây Ban Nha tạm thời không còn là mục tiêu hàng đầu của bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan. Nhưng tiến trình đàm phán chính trị với ETA thì đã thất bại do ETA tự ý phá vỡ các cam kết, gây ra vụ đánh bom khủng bố khu nhà ga sân bay Madrid năm 2006 khiến cho hy vọng hòa bình trở nên mong manh hơn.

Về kinh tế, cử tri không hài lòng vì chính phủ Zapatero đã để cho tỉ lệ thất nghiệp tăng (lên 8,6%), không kiểm soát được chi phí nhà đất, giá cả tiêu dùng như nhiên liệu, thực phẩm,...Cũng như nhiều quốc gia khác ở châu Âu, Tây Ban Nha đang đối diện cơn “bão giá” tiêu dùng khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng đến 4,3% trong tháng 1/2008, gần gấp đôi tháng 1/2007.

Những vấn đề về kinh tế của Tây Ban Nha còn liên quan đến tình hình khủng hoảng trên thị trường tín dụng quốc tế xuất phát từ Mỹ. Người Tây Ban Nha từng quen với việc vay tiền lãi suất thấp để đầu tư vào bất động sản kiếm lời, nay gặp phải chi phí tín dụng tăng cao trong khi giá bất động sản bị tụt giảm mạnh khiến cho công việc làm ăn trở nên khó khăn hơn.

Và theo sau đợt thoái trào thị trường bất động sản, dự báo tăng trưởng kinh tế cũng đi xuống, từ 3,8% năm 2007 nay chỉ còn 3,1% (dự báo của Chính phủ Tây Ban Nha) hoặc thậm chí 2,7% (dự báo của Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trong khi đó, 4 năm cầm quyền vừa qua hàng loạt chính sách cải cách xã hội được PSOE ban hành vẫn gây tranh cãi và chia rẽ sâu sắc trong toàn xã hội. Nổi bật nhất trong số này phải kể đến các chính sách mang tính “cách mạng” như hợp thức hóa hôn nhân đồng giới, cho phép các cặp đồng tính luyến ái nhận con nuôi, tự do hóa vấn đề ly hôn, giảm vai trò của tôn giáo trong trường học, và đặc biệt là ân xá cho hơn 600.000 người nhập cư bất hợp pháp.

Chính những chính sách trên đã đụng chạm mạnh mẽ đến các giá trị của Giáo hội Thiên Chúa gây nên xung đột giữa Chính phủ và đảng cầm quyền PSOE với Giáo hội. Riêng vấn đề ân xá cho người nhập cư, ông Zapatero đã bị đảng đối lập PP công kích mạnh do những xáo trộn mà người nhập cư tạo ra trong xã hội Tây Ban Nha.

Trong khi nhiều người không hài lòng về một số kết quả điều hành đất nước 4 năm qua của PSOE, nhưng kết quả số người ủng hộ đảng PSOE lại tăng cao hơn trước là vì PSOE có những chính sách rõ ràng về kinh tế, tuy không khởi sắc nhưng vẫn chấp nhận được. Mặt khác, chính sách hoàn thuế và giảm thuế của ông Zapatero dường như đã có tác dụng làm dịu bớt những căng thẳng xã hội do “bão giá” gây ra.

Hơn nữa, nhiều cử tri quay sang ủng hộ PSOE một phần do PP không đưa ra được chính sách kinh tế, xã hội nào mới mẻ, cho nên không thu hút được lá phiếu cử tri, phần còn lại là do thái độ quá bảo thủ và tiêu cực của PP trong việc chỉ trích các chính sách của Chính phủ

An Châu (tổng hợp)
.
.