Đằng sau những vụ đánh cắp các kiệt tác hội họa

Thứ Bảy, 23/07/2005, 07:33

Mọi người thường nghĩ một kiệt tác hội họa bị đánh cắp đơn giản vì giá trị của nó. Thực ra, người ta chẳng được lợi lộc gì khi sở hữu một bức tranh mà cảnh sát đã phát lệnh truy tìm. Thế nhưng với bọn tội phạm, những bức tranh quý vẫn là mục tiêu hàng đầu. Chúng làm để khẳng định mình nhiều hơn là kiếm chác.

Chẳng có nhà sưu tầm nào lại mua những kiệt tác chỉ để giấu chúng thật kỹ. Những người dám bỏ ra cả trăm triệu đôla để mua một bức tranh thường là dân kinh doanh đàng hoàng và bộ sưu tập của họ phải được giới thiệu công khai trước công chúng. Nói chung, những bức tranh bị đánh cắp khó có thể bán cho các nhà sưu tầm. Các bảo tàng thì thường không có tiền để chuộc, các công ty bảo hiểm cũng không, vì chẳng mấy ai dám bảo hiểm cho những thứ  nhiều tiền như vậy.

Đằng sau các vụ trộm tranh cũng có các “ông trùm”, có “chợ đen”. Nhưng trong thế giới tội phạm thì những kiệt tác nghệ thuật cũng chỉ là thứ hàng hóa như ma túy hay vũ khí mà thôi. Đã vậy lại phải mất đến dăm bảy năm trôi nổi chúng mới có thể hợp pháp hóa trong một bộ sưu tập nào đó. Có lẽ vì thế mà giá của những báu vật ấy rẻ hơn rất nhiều so với giá trên thị trường công khai (thường chỉ bằng 10%). Ấy vậy mà những vụ trộm cắp các kiệt tác hội họa vẫn rất phổ biến.

Chỉ trong vài năm trở lại đây, ở Na Uy, tranh của danh họa Edvard Munk đã ba lần trở thành mục tiêu của bọn trộm. Riêng bức “Tiếng thét” - tác phẩm được xem là biểu tượng của hội họa thế kỷ XX đã bị đánh cắp tới hai lần.

Tháng 2/1994, “Tiếng thét” đã từng bị đánh cắp ở Galery Quốc gia tại thủ đô Oslo. Hai tên trộm đột nhập vào galery qua cửa sổ bằng một chiếc thang xếp vào sáng sớm. Sau khi gỡ đi bức tranh chúng còn để lại một mẩu giấy giễu cợt: “Cảm ơn đã canh gác quá tồi”. Vụ trộm này giáng một cú nặng nề vào lòng tự tôn của Chính phủ Na Uy và các chuyên gia giỏi nhất trong việc truy tìm các kiệt tác hội họa lập tức được mời vào cuộc. Cuối cùng hai tên trộm đã bị tóm trong khi đang dàn xếp để bán bức tranh cho một trùm xã hội đen.

Chưa hết, ngày 7/3/2005, hai bức tranh litô và màu nước cũng của danh họa Munk treo ở một khách sạn sang trọng gần thành phố Moss (phía nam Na Uy) đã không cánh mà bay. Những vụ trộm liên tiếp này khiến người ta phải thắc mắc: Kẻ trộm là ai? Một người thù ghét Munk hay một fan hâm mộ ông đến mức cuồng tín?

Động cơ của vụ trộm tại Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam năm 1991 thậm chí còn kỳ quặc hơn. Hai tên cướp bịt mặt đột nhập vào bảo tàng ngay giữa ban ngày và lấy đi 20 bức tranh trị giá khoảng 200 triệu đôla. Nhưng chưa đầy một giờ sau cả 20 bức tranh này đã được tìm thấy trên chiếc xe mà bọn cướp bỏ lại. Tại sao chúng lại vất đi những thứ đã lấy được? Theo các chuyên gia thì rất có thể bọn trộm cuỗm những bức tranh nổi tiếng này chỉ cốt thể hiện “tay nghề” của chúng trước các “đồng nghiệp”. Hoặc là chúng làm chuyện này đơn thuần vì trò cá cược?

Bọn cướp rất hay trà trộn vào dòng người tham quan để tấn công các bảo tàng ngay trong giờ mở cửa, lúc những người bảo vệ mất cảnh giác nhất. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cá biệt. Năm 2002 tại thủ đô của Paraguay, những tên kẻ trộm đã đào một con đường hầm dài 25mét từ ngôi nhà chúng thuê đến Bảo tàng Mỹ thuật để thực hiện kế hoạch lấy trộm các kiệt tác hội họa. Bọn chúng đã mất đến hai tháng trời để làm công việc này.

Còn những kẻ đã lấy đi 7 bức tranh của Pavel Philonov ở Bảo tàng Nga tại Petersburg cũng hành động công phu không kém: chúng dùng những bức tranh chép để đánh tráo lấy bản gốc. Các bức tranh ấy của Pavel Philonov được bà vợ góa họa sĩ trao cho Bảo tàng Nga vào năm 1977.  Vậy mà năm 1983, Trung tâm nghệ thuật đương đại mang tên Georges Pompidou ở Paris lại giới thiệu chính bộ sưu tập này với công chúng. Sau khi kiểm tra lại, các chuyên gia ở Petersburg mới ngã ngửa ra là họ đang sở hữu những bức tranh giả. Tuy vậy, mãi đến năm 1990, người ta mới điều tra và xác định được rằng chính nhân viên bảo tàng đã tiếp tay cho bọn trộm. Trung tâm Pompidou đã mua bộ sưu tập này hoàn toàn hợp pháp tại một cửa hàng đồ cổ. Nhưng khi biết được nguồn gốc của nó, Bộ trưởng Văn hóa Pháp đã quyết định trả lại cho nước Nga. Cũng tại Bảo tàng Nga, vào năm 1995 các bức tranh của Philonov, Makovsky và Repin lại bị đánh cắp theo kiểu đánh tráo như vậy.  

Về vụ hai bức “Tiếng thét” và “Madonna” mới bị đánh cắp tại Bảo tàng Munk ở Oslo năm ngoái còn có giả thiết cho rằng: Đây chỉ là một chiêu nhằm đánh lạc hướng cảnh sát Na Uy khỏi cuộc điều tra về vụ cướp ngân hàng táo tợn do 10 tên cướp tiến hành tại thành phố Stavanger trước đó vài tháng.

Mới đây Cơ quan điều tra có thông báo rằng đã bắt được kẻ tình nghi, tuy nhiên hai bức tranh thì vẫn bặt vô âm tín. Người ta cũng không chắc hai kiệt tác này hiện có còn ở Na Uy hay đã chuyển sang nước khác. Cũng có tờ báo loan tin rằng bức “Madonna” đã bị hủy hoại nặng

Phan Minh Ngọc
.
.