Đằng sau quyết định trao đổi tù nhân giữa Israel và Hamas

Thứ Năm, 27/10/2011, 16:30

Ngày 18/10, 477 tù nhân người Palestine đã được Israel trả tự do đợt đầu trong số hơn 1.000 tù nhân Palestine phải thả để đổi lấy việc Hamas trao trả trung sĩ Gilad Shalit. Diễn biến này gây chú ý mạnh mẽ trong dư luận do tính chất bất ngờ và kịch tính của nó. Giới phân tích khẳng định đây không phải là động thái hòa giải giữa Hamas và Israel, mà chỉ là một nỗ lực của Thủ tướng Israel nhằm giải tỏa áp lực trong nước.

Sáng 18/10, chuyến xe buýt đầu tiên chở 96 tù nhân Palestine trong số 477 người được trao trả trong đợt đầu tiên đã lăn bánh khỏi một nhà tù ở miền Nam Israel, điểm đến là một nhà tù khác ở lãnh thổ Bờ Tây của Palestine (theo kế hoạch, các tù nhân sẽ được trả tự do tại đây). BBC News cho biết, cuộc trao đổi tù nhân Israel-Palestine được tiến hành làm 2 đợt, đợt 1 diễn ra vào ngày 18/10, và đợt 2 với 550 tù nhân còn lại sẽ được trả tự do vào tháng 11/2011.

Theo Der Spiegel, do Hamas và Israel không thể trực tiếp nói chuyện với nhau nên việc thương lượng trao đổi tù nhân giữa 2 bên đã phải tiến hành thông qua một số nhân vật trung gian đến từ nước Đức. Danh tính cụ thể những người trung gian hoàn toàn được giữ kín, vì giới chức của Đức không muốn công khai rộng rãi bất cứ vai trò nào của mình trong các vấn đề nhạy cảm ở Trung Đông.

Tuy nhiên, những nguồn tin bên ngoài ở Jerusalem cho báo chí biết các thành viên Cơ quan Tình báo BND của Đức chính là những người trực tiếp góp công vào làm trung gian thương lượng, giúp 2 bên xem xét và cân nhắc những chi tiết về việc trao đổi tù nhân để cùng đi đến thỏa thuận.

Ngày 10/10, các lãnh đạo Israel và Hamas đã đồng loạt công bố kết quả thương lượng và thỏa thuận về các điều kiện trao đổi tù nhân đã được ký kết. Trong thông điệp gửi lên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và thủ lĩnh Hamas Khaled Mashaal đã cùng đưa ra lời cảm ơn Thủ tướng Đức Angela Merkel, vì "nếu không có người Đức thì sẽ không có thỏa thuận trao đổi tù nhân", theo nhận định của tờ Der Spiegel.

Ông Noam Shalit, cha của Gilad Shalit đến toà ngày 17/10 thỉnh cầu toà phê chuẩn vụ trao đổi tù nhân.

Sự kiện Trung sĩ Gilad Shalit được thả đang tạo nên một không khí sôi sục ở Israel, nhất là gia đình thân nhân của Gilad và các nạn nhân bạo lực những năm trước đây. Một đơn thỉnh nguyện đã được trình lên Tòa án Tối cao Israel yêu cầu hoãn việc trao đổi tù nhân.

Sáng 17/10, đích thân ông Noam Shalit, cha của Gilad, đã đến trước tòa để thỉnh cầu tòa phê chuẩn cho vụ trao đổi tù nhân được tiếp tục. Rốt cuộc, Tòa án Tối cao Israel đã bác đơn thỉnh nguyện yêu cầu hoãn trao đổi tù nhân của các gia đình nạn nhân. Trong dư luận Israel, đa số ủng hộ cuộc trao đổi tù nhân. Đến thời điểm sáng ngày 18/10, Israel đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp nhận Shalit.

Bộ Quốc phòng Israel cho biết, một lộ trình tiếp nhận Gilad Shalit đã được vạch sẵn, theo đó anh ta sẽ được đưa từ Gaza sang Ai Cập, rồi từ đó sẽ được chuyển tiếp trở về Israel, được kiểm tra sức khỏe tại một trạm quân y trước khi lên máy bay đi thẳng về căn cứ không quân Tel Nof, phía nam Tel Aviv và được Thủ tướng Netanyahu tiếp đón tại đó.

Như vậy, sau nhiều năm nỗ lực, cuối cùng Israel cũng đã đạt được mục đích là giải thoát Trung sĩ Gilad Shalit khỏi sự giam giữ của các tay súng Palestine ở Gaza, nhưng với cái giá là 1.027 tù nhân Palestine. Đối với những người Israel theo tinh thần dân tộc cực đoan thì cái giá này là một "thất bại", vì họ vẫn xem những tay súng phản kháng người Palestine là "khủng bố" do hành động bạo lực gây thương vong trên đất Israel. Còn với người Palestine, đây là một thắng lợi ngoạn mục mang ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc đối đầu với Israel.

Một khía cạnh khác, Israel đang ở vào thế khó khi buộc phải chấp nhận các điều kiện trao đổi của Hamas để Gilad Shalit được thả. Áp lực từ nhiều tháng nay bên trong Israel do những khó khăn về các vấn đề kinh tế - xã hội đã khiến cho hàng ngàn người biểu tình theo kiểu "Occupy Wall Street" tại các thành phố lớn đã khiến cho chính quyền Tel Aviv chao đảo.

Thủ tướng Netanyahu đứng trước áp lực rất lớn từ nhiều phía, kể cả vấn đề Nhà nước Palestine. Do vậy, việc phải giải thoát Gilad Shalit bằng mọi giá là một giải pháp trước mắt nhằm xoa dịu bớt những khó khăn trên. Nhưng việc này cũng lại làm nảy sinh một nguy cơ mới: các tay súng cực đoan người Palestine sẽ thừa thắng từ vụ này gây ra những vụ bắt cóc khác để buộc Israel thả tù nhân Palestine. Đây đang là nỗi lo của Thủ tướng Netanyahu.

Trước mắt, phía Ai Cập, sau khi biết Israel đạt thỏa thuận trao đổi tù nhân với Hamas, cũng đã đánh tiếng đòi Israel phải thả 70 người Ai Cập (bị Israel bắt giam vì buôn lậu vũ khí vào Gaza) để đổi lấy việc Ai Cập thả Ilan Grapel - công dân Israel bị Ai Cập bắt vì cáo buộc làm gián điệp. Tuy nhiên, trường hợp này đang bị Israel từ chối, vì Grapel mang 2 quốc tịch Mỹ - Israel và phần lớn thời gian anh ta sinh sống không phải ở Israel

Văn Trương (tổng hợp)
.
.