Đằng sau việc phương Tây rút khỏi Iraq

Thứ Năm, 02/04/2020, 14:53
Ngày 29-3, liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã tuyên bố rút lực lượng khỏi căn cứ Kirkuk ở miền Bắc Iraq và giao thiết bị cho lực lượng an ninh Iraq. Hãng AP cho biết các lực lượng của liên quân đã bàn giao lại căn cứ K1 ở tỉnh Kirkuk cho quân đội Iraq.

Các thiết bị với tổng trị giá 1,1 triệu USD đã được chuyển cho phía Iraq, cùng với sự rời đi của khoảng 300 quân nhân liên quân. Căn cứ K1 là nơi được lực lượng liên quân sử dụng từ năm 2017 để tiến hành các chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở các khu vực miền núi gần đó.

Liên minh này cho biết việc rút quân không liên quan đến các cuộc tấn công nhắm vào căn cứ quân sự của quân đội Mỹ trong thời gian gần đây. Hồi tháng 12-2019, căn cứ K1 hứng một đợt tấn công bằng tên lửa, khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng và dẫn tới hàng loạt cuộc tấn công đáp trả qua lại giữa Mỹ và các nhóm dân quân Iraq được Iran hậu thuẫn.

Đến tháng 1-2020, quân đội Mỹ tiến hành cuộc không kích ở sân bay Baghdad, khiến chỉ huy Lực lượng Quds của Iran, tướng Qassem Soleimani và chỉ huy cấp cao của một nhóm dân quân Iraq thiệt mạng.

Quân đội Mỹ rút khỏi căn cứ Kirkuk ở miền bắc Iraq.

K1 là căn cứ thứ 3 mà liên quân chuyển giao lại cho Iraq trong tháng 3-2020, sau hai căn cứ Qayyara ở tỉnh Nineveh và căn cứ Qaim, gần biên giới giáp với Syria. Trước đó, Quốc hội Iraq đã thông qua một nghị quyết kêu gọi chính phủ nỗ lực loại bỏ các lực lượng nước ngoài ở nước này. Tuy nhiên, Mỹ đứng đầu liên minh này khẳng định vẫn duy trì lực lượng quân đội ở Iraq và chuẩn bị một chiến lược mới chống lại các nhóm được Iran hậu thuẫn.

Các quan chức Mỹ cảnh báo rằng bất kỳ sự leo thang quân sự nào ở Iraq đều có thể làm suy yếu sự ổn định của Trung Đông nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố giảm lực lượng của Mỹ ở đó. Các lực lượng thuộc liên quân đang được triển khai lại ở Iraq nhằm tiếp tục chống lại tổ chức cực đoan, khủng bố. Liên minh này cũng đã tạm thời bị ngừng các hoạt động ở Iraq trong khuôn khổ các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 lây lan.

Ngày 27-3, Pháp tuyên bố sẽ rút toàn bộ 100 binh sĩ đang làm nhiệm vụ tại Iraq cho tới khi có thông báo tiếp theo để đề phòng COVID-19 nhưng vẫn duy trì yểm trợ đường không cho liên quân trong thời gian tới. Trước đó, Anh cũng thông báo sẽ rút binh sĩ khỏi Iraq nhằm đề phòng COVID-19. “Đại dịch khiến yêu cầu huấn luyện lực lượng an ninh Iraq bị cắt giảm, liên quân chống IS và NATO cũng đình chỉ nhiều hoạt động tại nước này”, Bộ Quốc phòng Anh cho hay.

Hồi đầu tháng 1-2020, hai đồng minh Mỹ là Canada và Đức cũng quyết định rút quân khỏi Iraq để đảm bảo an toàn cho binh sĩ mình. Hơn 5.000 binh sĩ Mỹ đã được triển khai tại Iraq để hỗ trợ quân đội nước này chống IS, với nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện và cố vấn. Đây là một phần của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu, hiện cũng đang tiến hành những cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS ở cả Iraq và Syria.

Với mong muốn định hình lại khu vực Trung Đông Lớn, chính Washington đã vô hình trung giúp củng cố vị thế của Iran, với cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Thierry Coville, chuyên gia về Iran tại IRIS (Viện Quan hệ chiến lược và quốc tế) cho biết: “Mục tiêu rất quan trọng của Iran là có được một cường quốc Shiite được thành lập ở Iraq. Đó là một mục tiêu chiến lược dài hạn. Mục tiêu thứ hai là khiến quân đội Mỹ rời khỏi khu vực. Mặc dù ảnh hưởng của Iran đã bị phản đối ở Iraq, nhất là từ phía người dân nhưng chính quyền Iran vẫn muốn duy trì ảnh hưởng ở Iraq một cách lâu dài”.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cho rằng không đưa ra kết luận vội vàng, bởi vì Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện vũ trang không chỉ ở Iraq mà còn trong toàn khu vực. Vào năm 2019, đối mặt với căng thẳng Mỹ-Iran ở eo biển Hormuz, ông Donald Trump đã quyết định gửi thêm quân tới Vùng Vịnh.

Tehran vẫn luôn là “con cừu đen” trong mắt Nhà Trắng và những hành động của lực lượng dân quân Iraq thân Iran chống lại lợi ích của Mỹ minh chứng điều này. Đến nỗi một số quan chức cấp cao trong liên minh nói với AFP rằng những phe phái này nguy hiểm hơn cả IS.

Tuy nhiên, ông Thierry Coville không chia sẻ ý kiến này mà ngược lại cho rằng: “Nếu Iran không ở đó, đặc biệt là khi họ giúp Iraq vào mùa hè năm 2014 để chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của IS, tôi tự hỏi chúng ta sẽ ở đâu hôm nay. Nếu có sự bất ổn trong khu vực, chắc chắn IS được hưởng lợi. Chiến lược của Mỹ là gây bất ổn và làm suy yếu Iran trong khi theo tôi đây là quốc gia duy nhất thực sự chiến đấu chống lại IS. Rất rõ ràng, điều này không phù hợp với mục tiêu đã nêu của liên minh là chiến đấu chống lại IS và không tạo điều kiện cho chúng hồi sinh”.

Tuy nhiên, hiện tại, ưu tiên của Tehran không phải là chính sách đối ngoại: quốc gia này bị COVID-19 tấn công mạnh mẽ, số người chết và nhiễm bệnh tăng lên chóng mặt. Theo Thierry Coville, trong bối cảnh đang bị các lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ, dịch bệnh sẽ gây ra hậu quả thảm khốc đối với nền kinh tế của Iran, nhất là khi GDP năm 2019 của nước này giảm 9%. Không giống như các nền kinh tế phương Tây, chuyên gia Coville nói rằng “Chính phủ Iran không đủ khả năng để bảo vệ các khu vực bị ảnh hưởng và họ cũng không đủ tiềm lực để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch”.

Ngày 28-3, tờ Jerusalem Post của Israel có bài viết: “Iran và Mỹ đang chuẩn bị cho vòng xoáy xung đột tiếp theo ở Iraq” của tác giả Seth J.Frantzman. Theo Frantzman, việc Mỹ và đồng minh rút bớt lực lượng tại Iraq không có nghĩa là Mỹ đã “buông bỏ” quốc gia Trung Đông này cho Iran. Iraq trong bối cảnh hiện tại trông giống như một võ đài với hai võ sĩ đang chuẩn bị cho hiệp đấu tiếp theo.

Trước đó, tờ New York Times đưa tin rằng Lầu Năm Góc đã bí mật vạch kế hoạch leo thang hoạt động quân sự ở Iraq nhằm vào các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.