Đằng sau vụ ám sát thủ tướng Iraq: "Mất bò mới lo làm chuồng"

Thứ Sáu, 06/04/2007, 10:00

Giới truyền thông Iraq mấy ngày qua liên tiếp đưa tin về vụ ám sát nhằm vào Phó thủ tướng Salam al-Zubaie bởi kẻ thực hiện âm mưu này từng là vệ sĩ tiếp cận của ông.

Ngay sau khi biết chuyện, Thủ tướng Nouri al-Maliki không những ra lệnh cho Bộ Nội vụ rà soát lại toàn bộ lực lượng vệ sĩ, nhất là số đang bảo vệ cho các thành viên chính phủ, mà còn đang tính tới khả năng thuê lực lượng bảo vệ nước ngoài để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho số lãnh đạo cao cấp trong nội các, cũng như một số yếu nhân khác.

Theo kế hoạch của Thủ tướng Nouri al-Maliki, các nhân viên an ninh, bảo vệ sẽ được cấp thẻ làm việc mới sau khi vượt qua vòng kiểm tra. Được biết, từ trước đến nay việc cấp thẻ đều do người Mỹ làm.

Theo điều tra của cảnh sát, Phó thủ tướng Salam al-Zubaie đã bị tấn công theo kiểu đánh bom liều chết sau khi ông rời nhà thờ ở thủ đô Baghdad hôm 23/32007. Vụ đánh bom đã khiến 9 người chết, 14 người khác bị thương. Rất may Phó thủ tướng Salam al-Zubaie chỉ bị thương nhẹ và hiện đã bình phục.

Ngay sau khi nhận được tin, cảnh sát cùng nhân viên an ninh đã có mặt tại hiện trường và họ nhanh chóng làm rõ danh tính của kẻ đứng đằng sau vụ ám sát, hắn là Wahab al-Saadi, một trong những vệ sĩ riêng từng bảo vệ Phó thủ tướng Salam al-Zubaie.

Điều đáng nói là Wahab al-Saadi từng bị bắt vì bị coi là thành phần phiến loạn, chống đối chính phủ, nhưng hắn đã được thả vì Phó thủ tướng Salam al-Zubaie đứng ra bảo lãnh. Sở dĩ Phó thủ tướng Salam al-Zubaie làm như vậy vì Wahab al-Saadi là người bà con xa, hơn nữa hắn có khả năng “dao kiếm” nên ông đã tuyển vào đội bảo vệ của mình.

Theo cảnh sát cho biết, vì là họ hàng và từng làm vệ sĩ cho Phó thủ tướng nên Wahab al-Saadi là người duy nhất trong đội phục vụ không bị kiểm tra an ninh khi tháp tùng ông Salam al-Zubaie vào cầu nguyện trong nhà thờ hôm 23/3. Và vì nhà thờ này nằm ngay sát tư dinh của ông nên bọn thích khách đã lên kế hoạch ám sát khá dễ dàng.

Ngay sau khi kẻ đánh bom liều chết kích hoạt khối thuốc nổ trên người, chiếc ôtô của Wahab al-Saadi đỗ bên ngoài nhà thờ cũng nổ tung sau đó mấy phút.

Nhiều người cho rằng, sở dĩ Wahab al-Saadi lên kế hoạch ám sát Phó thủ tướng Salam al-Zubaie bởi hắn bất mãn vì mới bị loại ra khỏi đội bảo vệ do gây rối.

Sau khi ám sát bất thành Phó thủ tướng Salam al-Zubaie, một đầu bếp của ông cũng đã mất tích và hiện tên này đang nằm trong danh sách truy nã của cảnh sát. Được biết, hắn có mặt tại bếp ăn, cách phòng cầu nguyện trong nhà thờ có mấy bước chân.

Từ những kết quả điều tra kể trên, cảnh sát khẳng định, Phó thủ tướng Salam al-Zubaie đã "nuôi dưỡng" trong nhà khá nhiều thích khách mà không hề hay biết.

Vụ ám sát nhằm vào Phó thủ tướng Salam al-Zubaie không những khiến dư luận xôn xao, mà còn gây tâm lý bất an cho nhiều chính khách khác bởi đây là vụ tấn công khủng bố thứ 3 trong vòng 4 tháng qua nhằm vào chính trị gia nước này.

Phó thủ tướng Salam al-Zubayi là thành viên của đảng Accordance Front, khối chính trị của người Sunni trong chính phủ đoàn kết dân tộc do người Shiite kiểm soát và ông là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của người Sunni đang làm việc trong nội các của Thủ tướng Nouri al-Maliki.

Ngoài Wahab al-Saadi, cảnh sát còn cho rằng, vụ ám sát Phó thủ tướng Salam al-Zubayi còn có bàn tay của người khác.

Cho đến nay đã có Liên minh Nhà nước Hồi giáo Iraq đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ ám sát nhằm vào Phó thủ tướng Salam al-Zubayi. Có một chi tiết khiến giới chuyên môn quan tâm, đó là việc tự chọn vệ sĩ bảo vệ cho mình.

Theo “luật”, Phó thủ tướng có quyền nhận 10 vệ sĩ, song do tình hình an ninh, chính trị bất ổn nên người ta đã tuyển nhiều hơn và đây chính là lỗ hổng để thích khách có thể trà trộn, thực hiện âm mưu của chúng.

Theo thống kê, thích khách đã xuất hiện trong tất cả các cơ quan của chính phủ cũng như lực lượng an ninh, cảnh sát, bảo vệ.

Cách đây không lâu, Thủ tướng Nouri al-Maliki từng ra lệnh điều tra nguyên nhân vụ ngộ độc thức ăn nhằm vào gần 400 cảnh sát khiến 11 người chết, gần 20 người bị tai biến mạch máu não sau khi những người này bị đầu độc lúc dùng bữa tối tại một doanh trại quân đội ở Numaniya, tỉnh Wasit.

Những cảnh sát bị ngộ độc thuộc Sư đoàn 4 Cảnh sát quốc gia được biết tới dưới tên gọi “Sư đoàn Karrar”, chuyên hoạt động tại thị trấn Salman Pak, phía đông nam ngoại ô thủ đô Baghdad, nơi diễn ra thường xuyên những cuộc giao tranh ác liệt giữa người Shiite và Sunni. Vụ ngộ độc diễn ra sau khi Lữ đoàn Cảnh sát số 8, Sư đoàn 2 bị giải tán.

Được biết, Lữ đoàn số 8, Sư đoàn 2 bị giải tán bởi những cảnh sát làm việc tại đơn vị này đã có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật - đa số là thành viên vũ trang Shiite và mục đích của họ khi gia nhập lực lượng cảnh sát là liên kết với lực lượng vũ trang Shiite bên ngoài tiêu diệt lực lượng vũ trang Sunni.

Khoảng trung tuần tháng 10/2006, 2 thiếu tướng cảnh sát đã bị điều chuyển công tác khi Bộ Nội vụ tiến hành một cuộc điều chỉnh lớn trong việc sắp xếp lại lực lượng cảnh sát nước này sau khi cách chức, đuổi việc và kỷ luật hơn 3.000 cảnh sát.

Giới truyền thông cho biết, thời gian qua đã có khá nhiều vụ thanh trừng diễn ra trong nội bộ lực lượng cảnh sát, mà nguyên nhân sâu xa là những xung đột giữa hai phái Sunni và Shiite.

Được biết, lực lượng cảnh sát Iraq tuy mới thành lập từ năm 2004, nhưng đến nay đã cho nghỉ việc khoảng 1.500 người, đồng thời cách chức, chuyển công tác khác với khoảng 2.000 người khác.

Giới thạo tin cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Abdul-Qader al-Obeidi cũng đã ra lệnh cho quân đội rà soát lại nội bộ, nhất là trong các đơn vị quan trọng, nhạy cảm, đề phòng những vụ tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới

Nguyễn Thị Lân (Tổng hợp)
.
.