Đáng thương cho cô bé bị vứt xuống hầm vệ sinh

Thứ Ba, 09/10/2012, 15:15

Cách đây 14 năm, một người dân ở ấp Suối Sóc, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai lúc đi vệ sinh đã tình cờ nghe được tiếng khóc của một hài nhi cất lên từ dưới hầm vệ sinh công cộng. Sau khi kiểm tra, người ta đã tìm thấy một bé gái sơ sinh máu me be bét…

14 năm trôi qua, bây giờ tấm thân bé nhỏ, gầy gò của bé gái ấy cứ cố rướn tới chỗ ngồi của bà mẹ nuôi và không ngớt đập mạnh tay chân xuống sàn nhà như để báo tin khi thấy sự xuất hiện của chúng tôi - những người khách lạ…

Thoạt đầu, lúc nghe một cán bộ hiện đang công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai kể lại câu chuyện này, chúng tôi vẫn không tin đó là sự thật. Nhưng lúc tìm đến nhà  ông Phạm Trung Trực, 64 tuổi, mới hay sự thật còn bi thảm  hơn nhiều.

Sáng sớm một ngày đầu tháng 6/1998, tại một xóm nhỏ thuộc ấp Suối Sóc, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, ông Phạm Trung Trực thức dậy đi vệ sinh. Ông kể: "Không biết đêm hôm trước ăn uống trúng thứ gì mà tôi cứ đau râm ran trong bụng, liên tục muốn đi cầu. Nhưng tình cờ thế nào mà ba, bốn lần, hễ ra tới nơi tôi lại thấy cô Nguyễn Thị Phương M. - là người hàng xóm, ở cách đó chỉ khoảng 30m - cứ đi qua đi lại, hai tay ôm chặt bụng, mặt mày nhăn nhó. Nghĩ là cô ấy cũng đang trong tình trạng như tôi nhưng chưa "giải quyết" được, tôi đành nén lại, vào nhà, chờ đợi…".

Sau đó ông Trực cùng ông hàng xóm muốn đứng tim khi thấy một đứa bé sơ sinh trong tư thế nằm sấp ở dưới hầm chứa phân, sâu gần 5m.

Khi bé gái được chuyển lên Bệnh viện đa khoa huyện Long Khánh để chữa trị thì cũng là lúc người dân ấp Suối Sóc lần tìm manh mối về thân thế đứa bé. Theo lời bà Lê Thị Kim Dung, 52 tuổi, thì trước đó vài tháng bà có thấy Nguyễn Thị Phương M. - là người ở gần nhà - có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Bà Dung nói: "Lúc ấy, M. góa chồng và đã có hai con, sinh sống nhờ vào đồng lương công nhân cạo mủ cao su tại nông trường Xuân Mỹ".

Bằng kinh nghiệm của mình, chị Dung biết là M. có thai nên chị tìm cơ hội để tiếp xúc riêng nhằm tránh điều tiếng không hay cho M. Nhưng có lẽ muốn giấu nhẹm nên M. phủ nhận mọi việc, đồng thời sẵn sàng "xù lông, giương mỏ" với bất kỳ ai nếu họ to nhỏ cho rằng M. chửa hoang! Một người dân khác cho chúng tôi biết cùng thời gian đó, M. đã có lần đến Trung tâm y tế của nông trường xin khám bệnh. Khi hay tin mình có thai, vì sợ dèm pha nên M. đã nài nỉ cán bộ y tế tại đây giữ kín chuyện giúp mình…

Do bị bỏ xuống hầm cầu nên bé Thương phải sống thực vật suốt đời.

Được đưa lên Bệnh viện đa khoa Long Khánh, hơn 1 tuần nằm điều trị, tất cả chi phí thuốc men cho bé gái đều nhờ vào sự vận động đóng góp của nhiều người tốt bụng trong ấp Suối Sóc. Thấy thương cho hoàn cảnh bất hạnh của cô bé, bà Lê Thị Thanh Quỳnh, 55 tuổi, mặc dù đã có chồng, 3 con nhưng bà vẫn tình nguyện bỏ công chăm sóc và nhận nuôi sau khi bé xuất viện.

Trò chuyện với chúng tôi mà nước mắt bà Quỳnh cứ lăn dài: "Tôi đặt tên cháu là Thương với ngụ ý rằng cháu sống được tới ngày hôm nay là nhờ vào lòng yêu thương của bà con chòm xóm". Ngồi cạnh đó, ông Nguyễn Minh Hà, 56 tuổi, chồng bà Thương không giấu nổi những bức xúc: "Từ ngày con Thương  được cứu vớt, M. chưa lần nào tìm đến hỏi han. Xa xôi gì đâu, chỗ con bé sống cách nhà nó chỉ vài bước chân là tới. Vậy mà…".

Vừa nói ông Hà vừa quay mặt nhìn Thương rồi khẽ giục cô bé ngủ trưa. Trên nền gạch men được lau chùi rất sạch sẽ, Thương nằm nghiêng, chân tay co quắp, mắt chớp chớp như hiểu ý cha nuôi. Do bị ngạt dưới hầm phân một thời gian khá lâu nên não Thương bị ảnh hưởng nặng nề bởi khí mêtan, dẫn đến hệ quả là mặc dù 14 tuổi nhưng sức khỏe tâm thần của Thương phát triển không bình thường. Thấy Thương nhắm mắt, bà Quỳnh vội đứng dậy rồi đi nhanh ra đầu ngõ để kịp dọn gánh hàng hủ tiếu.

Trong căn nhà tuềnh toàng chỉ hơn 30m2, trống trước hở sau ấy, chúng tôi thấy đồ vật đáng giá nhất có lẽ chỉ là chiếc tivi và cây quạt máy cũ mèm. Suốt 14 năm nay, bà Quỳnh không dám bỏ Thương ở lâu một mình bởi lẽ lúc nào bà cũng nơm nớp lo sợ lại có tai nạn nào đó xảy đến với đứa con gái tật nguyền.

Bà nói: "Ngày đó, thấy nó tội nghiệp quá, cha thì không, mẹ lại hắt hủi nên tui mới đem về nuôi. Ban đầu, tui cũng đắn đo rất nhiều bởi kinh tế gia đình nào có khấm khá gì. Thêm vào đó, nó lại hay bệnh tật  nên khó càng thêm khổ". Ông Trực, người đầu tiên phát hiện ra Thương, cho biết: "Hiện nay, nhà bà Quỳnh là nhà nghèo nhất xóm. Nếu không phải nuôi con bé thì đâu đến nỗi nào…".

Những năm đầu tiên, thiếu sữa mẹ, tối nào con bé cũng khóc, thỉnh thoảng lại lên cơn động kinh, co giật. Người bên cạnh vỗ về Thương trong những lúc đó chẳng ai khác ngoài bà má nuôi nhân hậu này. Không có tiền mua sữa hộp, bà Quỳnh chắt nước cơm, pha thêm chút đường cho Thương bú. Lớn lên chút nữa là cháo, cơm, chan nước hủ tiếu, thỉnh thoảng mới có vài miếng thịt bé tí. Bà Quỳnh kể: "Nhiều lần nửa khuya đưa con bé đi bệnh viện cấp cứu, ngang qua nhà M, tôi ứa nước mắt khi nhìn con bé nằm mềm nhũn trong tay mình.  Những lúc ấy, tôi lại tự hỏi rằng trên đời này sao có người mẹ nhẫn tâm đến thế…".

Theo ngày tháng, Thương lớn lên nhưng không đi lại được, chỉ nằm một chỗ. Tiếng nói của Thương là những thanh âm ú ớ. Mọi sinh hoạt như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh đều phải nhờ vào cha mẹ nuôi. 14 tuổi, Thương đã bắt đầu bước vào ngưỡng cửa thiếu nữ nhưng việc chăm sóc chẳng vì thế mà bớt đi chút vất vả nào. Có lẽ ở đâu đó trong sâu thẳm tiềm thức của cô bé, Thương hiểu được thân phận của mình nên cô bé luôn nghe lời cha mẹ.

Bà Quỳnh kể: "Tôi nói cháu "ăn nhé", cháu chớp mắt, đầu gục gặc. Nói cháu "ngủ đi" là cháu nhắm mắt, nằm im". Cuộc sống kinh tế khó khăn, nghĩ mình chẳng thể co cụm mãi ở nhà chăm sóc cho Thương nên không ít lần, bà Quỳnh phải thuê người trông coi con bé để bà yên lòng lo việc mưu sinh. 

Bà gạt nước mắt: "Điều lo lắng nhất hiện nay của tui là nó rất hay đau ốm. Mặc dù chính quyền địa phương quan tâm, cấp cho cháu thẻ bảo hiểm y tế nhưng bệnh của nó lại cần đến những loại thuốc đặc trị, phải bỏ thêm tiền ra mua. Lúc chồng tui chưa bệnh, tui và ổng cùng là công nhân cạo mủ cao su. Bây giờ ổng nằm đó, chỉ còn mình tui đi cạo, xong về bán thêm gánh hủ tiếu. Tiền thuốc cho con Thương đợt này dồn sang đợt kia nên tui phải mượn nợ nhiều nơi. Giờ oằn lưng ra làm để trả nợ". Gần đây, sau khi bị tai biến mạch máu não, chồng bà về hưu non, còn lại mình bà gánh gồng nên vất vả lại càng thêm vất vả.

Đến nay, ai là cha ruột của cháu Thương thì câu trả lời vẫn còn là một dấu hỏi. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Lê Đình Hà, Đội trưởng Đội Kỹ thuật hình sự - Công an thị xã Long Khánh (trước đây anh là Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra, người trực tiếp thụ lý vụ việc cháu Thương bị bỏ xuống hầm cầu), cho biết: "Sau khi nghe báo cáo thông tin về việc một bé gái bị bỏ rơi tại hầm cầu ấp Suối Sóc, xã Xuân Mỹ, thị xã Long Khánh (hiện nay thuộc địa giới hành chính của huyện Cẩm Mỹ), chúng tôi đã tiến hành xác minh và lập hồ sơ vụ việc.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, bé gái bị cô M. bỏ rơi đã được người dân phát hiện và cứu sống kịp thời nên chúng tôi không thể truy tố cô M. về tội giết người. Khoảng cuối năm 1998, Công an thị xã Long Khánh đã đưa M. về địa phương để kiểm điểm công khai trước mọi người, đồng thời ra quyết định xử phạt hành chính…"

Tùng Minh - Vũ Cao
.
.