Đảo chính quân sự tại Niger: “Căn bệnh kinh niên” ở lục địa đen

Chủ Nhật, 28/02/2010, 18:40
Ngày 18/2 vừa qua, một nhóm binh sĩ có vũ trang đã tràn vào văn phòng của vị Tổng thống hợp hiến của nước Cộng hòa Niger (phía tây châu Phi). Chỉ vài giờ sau, toàn thế giới mới được biết, quốc gia thuộc loại nghèo nhất thế giới này vừa nổ ra một cuộc đảo chính quân sự - một sự kiện theo thống kê tại Niger thường xảy ra trung bình mỗi thập niên một lần.

Biến động mới nhất này cho thấy, đảo chính vẫn tiếp tục là căn bệnh kinh niên gây bất ổn và cản trở sự phát triển chung của Lục địa đen…

Dù tuyên bố độc lập khỏi Pháp từ năm 1960, nhưng thể chế chính trị tại Cộng hòa Niger trong 50 năm gần đây đã thay đổi liên tục đến chóng mặt, nếu như không muốn nói là hỗn loạn. Tiến trình của những bước ngoặt trên cũng đều na ná như nhau: Sau một cuộc bầu cử tương đối trung thực, một tổng thống mới lên nắm quyền với mong muốn xây dựng tại Niger một xã hội pháp quyền thực sự. Khi gần hết nhiệm kỳ, vị tổng thống lại có tham vọng tiếp tục nắm giữ quyền lực, khiến một nhóm bất đồng đã sử dụng vũ lực để lật đổ ông ta. Và tất cả lại quay trở lại từ đầu... Kịch bản của cuộc đảo chính mới đây cũng không có gì khác biệt.

Mamadou Tandja lên nắm quyền vào năm 1999, sau vụ sát hại người tiền nhiệm Ibrahim Manassara. Vị Tổng thống xấu số này đã bị chính các vệ sĩ của mình bắn chết trong một âm mưu đảo chính do giới tướng lĩnh quân đội tổ chức, những người về sau đã tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ, mở đường cho Mamadou lên nắm quyền.

Hai nhiệm kỳ lãnh đạo vừa qua của Mamadou có thể coi là một thập niên tương đối ổn định của Niger, cùng với một loạt những cải cách hiến pháp, giúp cho quốc gia này tiếp cận dần với các nguyên tắc dân chủ hơn. Cụ thể, Tổng thống Mamadou đã mạnh dạn triển khai nhiều chính sách kinh tế có hiệu quả, gỡ bỏ nhiều cấm đoán từ thời Manassara giúp cho đời sống chính trị của Niger trở nên tự do hơn. Tất cả những thành công ban đầu trên đã giúp cho Mamadou tái đắc cử vào năm 2004.

Có lẽ vì quá tự tin vào quyền lực và uy tín của mình, ông Mamadou đã quyết định phải thay đổi bản hiến pháp trước đây do phe quân sự đặt ra nhằm gỡ bỏ hạn chế về hai nhiệm kỳ tổng thống của mình. Đầu tiên là quyết định bất ngờ giải tán Quốc hội vào tháng 5/2009. Tiếp đó, Tổng thống Mamadou cho tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp vào tháng 8/2009 - kết quả công bố là được người dân cơ bản ủng hộ.

Theo tinh thần này, đến cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào cuối năm nay, đương kim Tổng thống sẽ có quyền ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nếu không có sự can thiệp của Tòa án Hiến pháp Niger. Các quan tòa với trọng trách bảo vệ luật pháp quốc gia đã ra lệnh bãi bỏ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vì coi đây là hành động chống lại hiến pháp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ông Mamadou bị tước bỏ khả năng tái đắc cử lần thứ ba.

Một khi biện pháp dân chủ không có hiệu quả, ông Mamadou quyết định phải mạnh tay hơn.

Cũng cần nói thêm, Mamadou không phải quá xa lạ gì với giải pháp sức mạnh khi từng có mặt trong nhóm tướng lĩnh quân sự lật đổ vị tổng thống đầu tiên Hamani Diori. Mamadou thẳng tay cho giải tán Tòa án Hiến pháp - một nước cờ được nhiều người đánh giá là đã phủ nhận hoàn toàn thành quả từ những cải cách dân chủ trước đó của ông, biến Mamadou thành một nhà độc tài mới trong con mắt người dân.

Bước ngoặt mang tính thụt lùi này đã gây ra nhiều phản ứng quyết liệt của cộng đồng quốc tế. Mỹ chính thức lên án Mamadou, ngừng trợ giúp kinh tế cho Niger, đồng thời tuyên bố các nhà lãnh đạo nước này là "những người không được chấp nhận" (Persona Non Grata). Niger cũng bị tước bỏ quyền thành viên trong Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi. Ngay trong nước, ông Mamadou bắt đầu phải đối mặt với nhiều cuộc biểu tình phản đối của người dân.

Kết cục là Mamadou cũng chẳng thể tiếp tục tại vị quá lâu. Đúng thời điểm một phiên họp của chính phủ vào ngày 18/2/2010, một nhóm binh sĩ có vũ trang đã tấn công vào dinh Tổng thống ở thủ đô Niamey. Dù gặp phải sự chống cự đáng kể của lực lượng bảo vệ, nhưng nhóm đảo chính sau 2 giờ chạm súng (có ít nhất một chục người thiệt mạng) đã bắt giữ tổng thống, chuyển ông ta cùng một vài thành viên chủ chốt khác của chính phủ tới giam tại một địa điểm bí mật ở ngoại ô Niamey.

Những người cầm đầu đảo chính - tự gọi mình là "Hội đồng tối cao về khôi phục dân chủ" - đã lên truyền hình tuyên bố đình chỉ hiến pháp hiện hành để phe quân sự tạm thời lên nắm quyền, đồng thời hứa hẹn sẽ biến Niger thành một quốc gia dân chủ đúng nghĩa. Toàn bộ đất nước Niger cho tới thời điểm này vẫn đang hoàn toàn nằm trong tình trạng bị phong tỏa - cấm tất cả các hành vi xuất nhập cảnh, ban hành giờ giới nghiêm.

Quân đảo chính trên đường phố thủ đô Niamey.

Đứng đầu phe đảo chính được biết là viên chỉ huy pháo binh Salou Djibo. Đáng chú ý là một số chiến hữu gần gũi nhất của Djibo trong cuộc binh biến lần này cũng từng tham gia vào cuộc đảo chính năm 1999 giúp cho Mamadou lên nắm quyền. Nếu phỏng đoán dựa trên sự kiện năm 1999, nhóm tướng lĩnh này sẽ lui vào hậu trường, sau khi tổ chức thành công cuộc bầu cử tổng thống mới. Tuy nhiên với quyền lực ngầm mà nhóm này đang nắm giữ, bất cứ một vị tổng thống kế nhiệm nào cũng sẽ phải dè chừng.

Nguyên nhân của những cuộc tranh giành khốc liệt xung quanh chiếc ghế lãnh đạo Niger cũng không có gì khó hiểu. Dù nằm trong số những quốc gia nghèo nhất thế giới (có tới 61% dân chúng sống với khoản thu nhập dưới 1 USD mỗi ngày), nhưng Niger lại là nơi có nhiều mỏ khoáng sản quý hiếm với trữ lượng lớn như dầu mỏ và uranium, việc kiểm soát được chúng sẽ giúp đem lại những nguồn thu nhập khổng lồ. Quốc gia này đang đứng thứ tư trong danh sách các nước khai thác nguồn nguyên liệu hạt nhân lớn nhất thế giới, chỉ sau Canada, AustraliaKazakhstan.

Điều quan trọng mà người dân Niger đang thiếu chính là sự ổn định cũng như thiện chí của các quan chức lãnh đạo muốn rót nguồn thu nhập trên cùng các khoản trợ giúp quốc tế vào công cuộc phát triển đất nước (thay vào đó họ chỉ tìm cách đút túi riêng).

Tương tự như trường hợp Mamadou cố gắng níu kéo quyền lực trước đây, phản ứng của quốc tế tựu trung vẫn là những chỉ trích gay gắt về cuộc đảo chính. Như chính quyền Mỹ ngoài việc lên án hành động của phe quân sự Niger là vi phạm trật tự hiến pháp, nhưng cũng không quên chỉ mặt kẻ có lỗi dẫn tới tình trạng bất ổn trên là vị tổng thống vừa bị tước quyền. Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Jean Ping cũng chỉ trích cuộc đảo chính tại Niger, yêu cầu các thành viên lãnh đạo đảo chính phải nhanh chóng khôi phục lại trật tự hiến pháp của đất nước. Thông tin mới nhất cho biết, AU đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của tổ chức này đối với Niger.

Phải nói là AU hiện nay đang rất lo lắng và theo dõi sát sao mọi diễn biến tình hình tại Niger, do nó đang gây những tác động xấu lên toàn khu vực. Đảo chính quân sự từ vài năm gần đây đã là chuyện không quá hiếm tại châu Phi, không chỉ gây bất ổn và kìm hãm sự phát triển nội bộ của từng nước, mà còn cản trở đến việc giải quyết một loạt các vấn đề nan giải chung của Lục địa đen. Chỉ tính riêng từ tháng 8/2008, tại một loạt các nước như Mauritania, Guinee và Madagasca đã liên tục diễn ra các cuộc đảo chính. Dưới sự trung gian của AU và Liên Hiệp Quốc, nguyên thủ nhiều quốc gia châu Phi đã có những cuộc tiếp xúc liên tục với các cá nhân cầm đầu đảo chính, thuyết phục họ nhanh chóng tổ chức các cuộc bầu cử tự do để khôi phục ổn định.

Nhân sự kiện này, Chủ tịch Jean Ping cũng nhấn mạnh rằng, châu Phi đang đứng trước hai thách thức hàng đầu: đó là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những bất ổn về chính trị (trong đó có cả những cuộc đảo chính liên miên). Ông Ping cũng kêu gọi các thành viên AU phải đoàn kết thành một khối thống nhất để cùng bảo vệ trật tự hiến pháp, cũng như tiếp tục tiến trình chính trị bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước với trọng tâm là ngăn ngừa bất ổn và đảm bảo sự phát triển

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.