Dấu ấn Syria tại G20

Thứ Tư, 12/07/2017, 10:30
Cuộc khủng hoảng Syria chiếm một vị trí lớn trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh G20 vừa diễn ra tại Đức ngày 7 và 8-7. Thỏa thuận ngừng bắn giữa quân chính phủ Damascus và phe nổi dậy ở Syria do Nga, Mỹ và Jordan làm trung gian được coi là tiến bộ lớn nhất tại hội nghị G20 năm nay.

Sự thay đổi trong quan điểm về Syria của tân chính quyền Tổng thống Macron cũng được coi là bước tiếp cận mới cho tiến trình hòa bình tại Syria.

Thượng đỉnh G20 năm nay bị lu mờ vì giới truyền thống quốc tế hầu như đưa quá nhiều về cuộc gặp mặt lần đầu giữa Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc gặp lúc chiều 7-7 giữa hai ông Trump và Putin diễn ra hơn 2 giờ liền để rồi cam kết cải thiện quan hệ hai bên.

Kết quả quan trọng nhất của cuộc gặp là thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn ở 3 tỉnh miền Nam Syria gồm Deraa, Quneitra và Soueida. Các tỉnh này hiện nay là các mặt trận nhạy cảm nhất tại Syria, vì nằm gần cao nguyên Golan do Israel sáp nhập và chiếm đóng. Phe Hezbollah ở Liban được Iran yểm trợ, tích cực tham gia các trận đánh bên cạnh quân đội Syria để chống lại phe nổi dậy và quân thánh chiến tại các vùng này. Phe Shia ở Liban và Vệ binh Cộng hòa của Iran hợp thành một lực lượng bổ sung cho quân đội Syria, được mệnh danh là “binh đoàn Golan”.

Tổng thống Pháp Macron phát biểu bế mạc G20.

Đối với Nhà nước Do Thái, sự hiện diện của phe Hezbollah tại Golan là không thể chấp nhận được. Quân đội Israel đã nhiều lần oanh kích các đội quân Syria và đoàn xe của phe Shia Liban trong vùng này.

Việc đạt được thỏa thuận ngưng bắn ở Quneitra và Deraa cho thấy Nga và Mỹ đều ý thức được tính nhạy cảm của mặt trận này, biểu thị ý hướng ngăn cản việc nổ ra một cuộc chiến tranh khu vực không thể kiểm soát nổi.

Theo Reuters, các nhà ngoại giao Mỹ, Nga và Jordan đã cùng nhau soạn thỏa thuận ngừng bắn trên một tuần trước khi diễn ra thượng đỉnh G20 ở Đức. Chính quyền Syria và phe đối lập không tham gia đàm phán lệnh ngừng bắn này nhưng, một viên chức Syria nói với Reuters rằng chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad hoan nghênh bất kỳ bước nào có thể “mở đường cho một giải pháp hòa bình”.

Các lực lượng nổi dậy Syria nói họ không cảm thấy an tâm về “các cuộc họp bí mật và thỏa thuận giữa Nga, Jordan và Mỹ”. Vẫn còn nhiều chi tiết phải giải quyết về thỏa thuận này, nhất là cơ chế giám sát ngưng bắn.

Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã tuyên bố là trong thời gian đầu, an ninh xung quanh khu vực này sẽ được bảo đảm bởi các lực lượng quân cảnh Nga, phối hợp với Jordan và Mỹ. Nhưng Israel nhất quyết phản đối. Tel Aviv đòi hỏi phận sự này phải do Mỹ đảm nhiệm. Tuy nhiên điều kiện này khó có cơ hội được Damas và đồng minh Iran, chấp nhận.

Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR, có trụ sở tại London, Anh) cho biết các khu vực giới tuyến ở ba tỉnh Deraa, Quneitra và Soueida hầu như yên tĩnh trong ngày 9 và 10-7. Các thỏa thuận ngưng bắn trước đây ở Syria đã nhanh chóng tan rã, và các vòng đàm phán trước đó của LHQ trước khi tan vỡ, cũng không đạt bao nhiêu tiến bộ hướng tới một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn.

Tuy nhiên, ông Ramzi Ezzedine Ramzi, Phó đặc sứ LHQ cho Syria, nói rằng lệnh ngừng bắn mới đã tạo ra một “bầu không khí thuận lợi” cho vòng đàm phán thứ 7 về hòa bình Syria do LHQ bảo trợ được khởi động tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 10-7. Vòng đàm phán tiếp theo được dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 tại Astana, Kazarkhstan.

Lệnh ngừng bắn ở Syria được cho là thành quả cụ thể nhất trong cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Trump. Một vấn đề khác cũng được hai ông đồng ý là hợp tác an ninh mạng. Nhưng chỉ vài giờ sau ông Trump đã rút lại tuyên bố hợp tác với Nga về vấn đề này, có thể là do sự phản đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ Mỹ.

Một binh lính Syria ở thành phố Deraa, Syria, ngày 9-7.

Theo các chuyên gia, cuộc hội đàm tại Hamburg giữa lãnh đạo Nga-Mỹ cho thấy hai bên sẵn sàng tạm gác những bất đồng và tiến hành đối thoại nhằm tìm tiếng nói chung. Kết quả cuộc gặp này có thể tạo tiền đề khôi phục đối thoại giữa hai cường quốc, đồng thời duy trì hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi ích.

Đây thực sự là một tín hiệu tốt, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang xuất hiện nhiều thách thức, đe dọa cả truyền thống và phi truyền thống mà để giải quyết chúng đòi hỏi phải có sự phối hợp nỗ lực giữa các cường quốc hàng đầu thế giới như Nga và Mỹ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, bởi bất đồng trong quan hệ Nga-Mỹ vốn tích tụ chồng chất trong nhiều năm qua và để khai thông bế tắc cần phải nỗ lực vượt qua chặng đường đầy chông gai phía trước.

Trong một loạt Tweet gửi sáng ngày 10-7, sau khi trở về từ thượng đỉnh G20, Tổng thống Trump nói rằng “đã đến lúc cùng bước tới trong sự cộng tác tích cực với Nga”.

Cũng tại G20 năm nay, bài phát biểu bế mạc hội nghị của tân Tổng thống Pháp Macron gây chú ý. Ông Macron cho biết Pháp không còn coi sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad là một điều kiện tiên quyết trong quá trình tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria. Tuyên bố này của Tổng thống Macron lần đầu tiên cho thấy quan điểm mới và lập trường khác biệt của ông so với hai người tiền nhiệm là Sarkozy và Hollande.

Ông Macron nói rằng ông chưa thấy một nhân vật hợp lý nào có thể kế nhiệm ông al-Assad. Khẳng định khủng bố chính là kẻ thù của thế giới, Tổng thống Pháp nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của chính quyền Paris hiện nay chính là cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố, tính cả tổ chức IS.

Đặc biệt, Tổng thống Macron thừa nhận vai trò quan trọng của Nga trong cuộc chiến này cũng như trong nỗ lực tìm giải pháp cho xung đột Syria. Cũng theo Tổng thống Macron, ưu tiên thứ 2 của Pháp ở Syria chính là sự ổn định tại quốc gia này vì ông không muốn Syria là “một đất nước thất bại”.

Ngoài ra, ông Macron ngầm chỉ trích các cuộc đàm phán hòa bình do LHQ hậu thuẫn tại Geneva đang bế tắc và không hiệu quả. Tổng thống Pháp còn cho rằng, cộng đồng quốc tế đã phạm phải một “sai lầm mang tính tập thể” khi nghĩ rằng cuộc xung đột tại Syria có thể được giải quyết “chỉ bằng giải pháp quân sự”.

Tuy nhiên, ông Macron tuyên bố Pháp sẽ có hành động mạnh mẽ đối với việc sử dụng vũ khí hóa học, xâm phạm hành lang nhân đạo cứu trợ cho người dân Syria. Những phát biểu của Tổng thống Macron phản ánh sự thay đổi của lập trường của Pháp về vấn đề Syria so với một số quốc gia đồng minh của Pháp. Đến nay, nhiều nước Phương Tây vẫn một mực nêu điều kiện rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức như là một phần bắt buộc trong giải pháp cho cuộc xung đột đã kéo dài hơn 6 năm qua tại Syria.

Ngoài vấn đề Syria, theo giới quan sát, hầu hết những vấn đề nghiêm trọng đe dọa thế giới đều trống vắng trong văn kiện kết thúc thượng đỉnh G20 năm nay tại Hamburg. Sau hai ngày đàm phán gay go, lãnh đạo 20 quốc gia giàu nhất trái đất đồng ý đưa ra một bản tuyên bố chung gồm những thỏa hiệp tối thiểu, cội nguồn gây xung khắc trong tương lai.

Được tổ chức lần đầu năm 2008 để tìm giải pháp cho một trong những cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nghiêm trọng nhất bắt nguồn từ sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers, giờ đây thượng đỉnh G20 dường như không thể đáp ứng yêu cầu trước những thách thức lớn đang làm rung chuyển hành tinh. Đó là các vấn đề như nguy cơ bảo hộ mậu dịch, làn sóng di dân nhập cư, biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột vũ trang, mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Ở Hamburg, các nhà lãnh đạo G20 chỉ đạt được đồng thuận trong việc ngăn chặn nguồn kinh tài của khủng bố, thỏa thuận riêng lẻ Nga-Mỹ về Syria. Thỏa hiệp về thương mại quốc tế, từ chống bảo hộ mậu dịch cho đến bài trừ các thủ đoạn cạnh tranh bất chính, chỉ là bề ngoài và do vậy sẽ dẫn đến những cuộc đọ sức trong tương lai.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.