Dấu hiệu ấm lên trong quan hệ Nga - NATO

Thứ Ba, 26/10/2010, 11:20
Dù không phải là hội nghị thượng đỉnh mang tính chất "thời cuộc", nhưng cuộc gặp giữa 3 nhà lãnh đạo Nga, Pháp và Đức trong 2 ngày đầu tuần (18 và 19/10) vẫn được giới quan sát chú ý mạnh mẽ. Lý do: Đây là dấu hiệu rõ rệt đầu tiên của sự nồng ấm trở lại trong quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây kể từ sau cuộc chiến 5 ngày năm 2008, là cuộc họp "trù bị" cho các cuộc gặp đỉnh cao Nga - NATO sắp tới.

Đúng như sự mong đợi của giới quan sát, nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới mối quan hệ Nga - NATO đã được 3 nhà lãnh đạo cùng nhau bàn bạc một cách tích cực tại các cuộc nói chuyện "tay ba" Nga - Đức - Pháp ở thị trấn nghỉ mát Deauville thuộc vùng duyên hải Normandy của Pháp. Và người ta cũng không phải thất vọng khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đưa ra những tuyên bố tích cực trong cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc các cuộc nói chuyện này: "Tôi sẽ đi dự Hội nghị thượng đỉnh Nga - NATO". Bên cạnh đó, trong các phát biểu của mình, Tổng thống Medvedev cũng đề cập tới một vấn đề khiến cho giới chức an ninh châu Âu và Mỹ hết sức quan tâm đó là Nga để ngỏ khả năng hợp tác với NATO trong việc xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu.

Cuộc họp ba bên Nga - Đức - Pháp ở Deauville được đánh giá là một "hội nghị trù bị" quan trọng cho Hội nghị đặc biệt Nga - NATO được tổ chức song song với Hội nghị thượng đỉnh thường niên toàn khối NATO vào tháng 11 tới tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Tại cuộc họp này, Tổng thống Nga Medvedev đã cùng 2 người đồng nhiệm là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel bàn bạc và đạt được sự nhất trí trong một số vấn đề cơ bản liên quan đến việc cải thiện quan hệ Nga - NATO, nhất là những đề xuất của Nga đối với vấn đề an ninh chung ở châu Âu, những mối bận tâm của Moskva liên quan đến vấn đề an ninh của Nga,...

Quan hệ Nga - NATO trong vòng một thập niên qua đã trải qua khá nhiều thăng trầm, trong đó nước Đức đóng vai trò như một nhân tố chính thúc đẩy mạnh mẽ cho mối quan hệ này. Trước đây, khi ông Gerhard Schreoder còn làm Thủ tướng Đức, ông đã thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ này khi lần đầu tiên tổ chức cuộc họp "tay ba" Nga - Đức - Pháp trên đất Đức. Đến khi bà Angela Merkel lên thay ông Schoerder, mối quan hệ đó đã bị gián đoạn, nhất là sau cuộc chiến Nga - Gruzia tháng 8/2008. Rốt cuộc bà Merkel cũng đã kịp nhận thấy không thể xem thường vai trò của nước Nga đối với các vấn đề an ninh chung của nước Đức và cả châu Âu, cũng như mức độ ảnh hưởng của kinh tế Nga, nguồn năng lượng khí đốt từ nước Nga đối với kinh tế - xã hội nước Đức.

Từ khi ông Medvedev lên thay ông Putin làm Tổng thống Nga, bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cải thiện quan hệ giữa 2 bên nhưng chỉ mới dừng lại ở việc bình thường hóa các mối quan hệ vốn có trước đây giữa Nga với EU và NATO. Mỹ đã có một số động thái riêng rẽ nhằm cải thiện quan hệ với Nga, thông qua các chuyến thăm xã giao và nhất là việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tạm thời không triển khai kế hoạch lá chắn tên lửa tại các nước Đông Âu mà Tổng thống George W. Bush triển khai sát biên giới Nga.

Từ trái sang: Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc họp ở Deauville.

An ninh là vấn đề lớn trong quan hệ giữa Nga với NATO. Hàng loạt vấn đề như việc NATO đe dọa vùng đệm an ninh quanh biên giới nước Nga cũng như việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa áp sát vùng biên giới phía tây đã khiến cho quan hệ giữa hai bên không thể phát triển. Ngược lại, NATO đã phản ứng mạnh mẽ khi Nga tiến hành cuộc chiến 5 ngày với Gruzia tháng 8/2008, dẫn đến quan hệ giữa hai bên trở nên lạnh băng. Năm lần bảy lượt, những vấn đề an ninh đã gây trở ngại cho quan hệ giữa hai bên.

Lần này, 2 năm sau cuộc chiến, quan hệ giữa Nga với phương Tây mới thật sự có bước tiến triển rõ rệt, mà rõ nhất chính là cuộc họp ở Deauville và sắp tới đây sẽ là Hội nghị thượng đỉnh Nga - NATO ở Lisbon. Và đó chỉ mới là bước đầu cho một quá trình được dự báo sẽ còn dài ở phía trước để cả Nga và các nước khối NATO cùng nhau hướng đến sự hợp tác chặt chẽ hơn trong vấn đề an ninh chung của châu Âu, vì lợi ích không chỉ của Nga mà còn của châu Âu.

Những yêu cầu tiên quyết mà Tổng thống Nga Medvedev đặt ra cho việc Nga tham gia Hội nghị với NATO, như Nga muốn NATO làm rõ một số vấn đề về an ninh chung ở khu vực châu Âu; Nga mong muốn NATO có phản ứng tích cực về đề xuất sáng kiến của Nga về một hiệp ước an ninh mới có tính chất ràng buộc cao nhằm xây dựng một cơ cấu an ninh chung ở châu Âu,... sẽ được mang ra bàn nghị sự tại Hội nghị Nga - NATO sắp tới. Ngày 19/10, ngay sau cuộc họp Deauville, Tổng thống Medvedev đã có một động thái tích cực khi tuyên bố rút quân khỏi thị trấn Perevia của Gruzia.

Phát biểu với báo giới bên lề cuộc họp Deauville, bà Merkel khẳng định "tăng cường quan hệ Nga - NATO" mới là mục tiêu quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay, vì "Chiến tranh lạnh đã thật sự chấm dứt". Nga và NATO cần hợp tác chặt chẽ hơn trong nhiều lĩnh vực, trong đó điểm nhấn là vấn đề bảo đảm an ninh chung. Nhưng sự hợp tác đó còn tùy thuộc vào việc sắp tới NATO sẽ cần Nga tham gia hệ thống an ninh chung bằng hình thức nào, bằng cách nào để NATO cùng Nga đạt được thỏa thuận an ninh chung cũng như sau đó mọi chuyện sẽ tiếp diễn ra sao...

Tổng thống Nga Medvedev khẳng định, Nga chỉ đưa ra câu trả lời có tham gia lá chắn tên lửa hay không sau khi đề xuất của Nga được xem xét và đánh giá một cách nghiêm túc

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.