Dấu hiệu tan băng trong quan hệ Mỹ - Pháp

Thứ Sáu, 17/08/2007, 11:00
Nếu như cuộc gặp trước đó được Tổng thống Bush mô tả là “nhìn thẳng vào mắt nhau”, thì giờ đây lại là cuộc trò chuyện “từ trái tim tới trái tim”.

Cuộc gặp không chính thức đầu tiên giữa hai tổng thống George Bush và Nicolas Sarkozy tại dinh thự của gia đình ông Bush (diễn ra hôm 11/8 vừa qua) do quyết định bất ngờ của Tổng thống Pháp đi nghỉ tại khu biệt thự sang trọng bên bờ hồ Winnipesaukee (New Hampshire của nước Mỹ).

Khu dinh thự này chỉ nằm cách nhà nghỉ bên bờ Đại Tây Dương của Bush-cha tại Kennebunkport có 50 dặm.

Bất chấp những lời phê phán của báo chí Pháp về chuyến đi nghỉ xa hoa này, người đứng đầu Nhà Trắng đã đánh giá cao sự lựa chọn của đồng nghiệp từ Pháp, đồng thời đưa ra lời mời ông Sarkozy cùng gia đình (gồm cả đệ nhất phu nhân Cecilia và các con) tới ăn trưa tại khu thái ấp của cha mình.

Địa danh Kennebunkport được lựa chọn không chỉ bởi nó nằm gần địa điểm nghỉ mát của Tổng thống Pháp. Phong cảnh và bầu không khí tại đây đã cho thấy có thể mang lại hiệu quả như thế nào trong việc “giảm nhiệt” những mâu thuẫn gay gắt giữa Nga và Mỹ về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu và một loạt vấn đề gay cấn khác.

Việc thiếu vắng Cecilia Sarkozy cùng các con tại Kennebunkport có thể coi là điểm khuyết trong cuộc gặp này (đệ nhất phu nhân nước Pháp vào giờ phút cuối đã gọi điện cho bà Laura Bush cáo lỗi không thể tới được do con bị viêm họng) nhưng cuộc gặp giữa ông Bush và ông Sarkozy vẫn đầy đủ ý nghĩa.

Còn nhớ là dưới thời ông Jacques Chirac, quan hệ Pháp - Mỹ đã phải trải qua một “thời kỳ băng giá” do cuộc chiến Iraq. Tương tự như cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, ông Chirac đã coi Nhà Trắng gần như là một đối tượng “không thể đàm phán”.

Ngược lại, theo các bình luận viên phương Tây, Tổng thống Chirac cũng chưa bao giờ có được những lời mời thân tình như vậy từ phía Tổng thống Bush so với người kế nhiệm Sarkozy hiện hay. 

Sau cuộc hội ý trực tiếp kéo dài 50 phút giữa hai nguyên thủ Pháp và Mỹ, cả hai đã có cuộc họp báo chung với những tuyên bố khẳng định chấm dứt quá trình “lạnh nhạt” trong quan hệ Washington - Paris kể từ sau khi Mỹ bắt đầu chiến dịch quân sự tại Iraq năm 2003.

Sau khi thừa nhận cả hai nước đã từng có “những bất đồng, chẳng hạn như về vấn đề Iraq”, ông Sarkozy hứa hẹn, những khác biệt quan điểm này không phải là rào cản không thể vượt qua trong nỗ lực phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước. Hai vị nguyên thủ đều thống nhất đánh giá quan hệ của họ đã trở nên thân cận như “trong gia đình”. 

Có thể nói, phương châm của phía Mỹ trong cuộc gặp này là “hãy quên đi chuyện Iraq”. Ông Bush không tiếc lời khen ngợi đồng nghiệp từ Pháp, khi gọi ông này là con người có khả năng trí tuệ cao, có thiện ý và nhãn quan tốt. Nếu như cuộc gặp trước đó được Tổng thống Bush mô tả là “nhìn thẳng vào mắt nhau”, thì giờ đây lại là cuộc trò chuyện “từ trái tim tới trái tim”.

Hay như diễn giải có phần cường điệu hơn của thư ký báo chí Nhà Trắng Tony Snow: “Dường như chúng ta đang trên ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới trong quan hệ với người Pháp”.

Theo đánh giá của một số nhà quan sát tại Paris, nước Mỹ trong thời gian gần đây đang có những bước chuyển hướng mạnh nhằm vào Pháp và các đồng minh khác tại cựu lục địa. Chủ tịch Phòng Thương mại Pháp - Mỹ là Simon Gilham còn tuyên bố: “Việc ông Sarkozy đắc cử tổng thống cũng đồng nghĩa với một tiến trình xích lại gần nhau không tránh khỏi giữa Pháp với các đồng minh hàng đầu ở phương Tây như Anh và Mỹ”.

Mối quan tâm tăng cường quan hệ lẫn nhau giữa WashingtonParis là chuyện không khó lý giải. Trong bối cảnh đang bị sa lầy tại Iraq, Tổng thống Bush hơn bao giờ hết luôn cần đến sự ủng hộ của các đồng minh tại châu Âu.

Trước mắt, Tổng thống Bush đang cần sự ủng hộ hết mình của Paris trong nỗ lực ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran. Hai bên cũng nhất trí quyết tâm thúc giục Hội đồng Bảo an LHQ cần đẩy nhanh hơn nữa các nỗ lực cứu trợ nhân đạo tại Darfur (Sudan), cũng như trợ giúp Chính phủ Liban.

Mặt khác, mối quan tâm cải thiện quan hệ với Washington đã được ông Sarkozy tuyên bố từ trước khi thắng cử. Việc củng cố quan hệ riêng với Tổng thống Bush, và trên bình diện quốc gia là quan hệ Pháp - Mỹ, có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với tân Tổng thống Pháp, nhất là trong nỗ lực nâng cao vai trò cường quốc của Pháp trên bình diện quốc tế.

Theo phát ngôn viên chính thức Dana Perino của Nhà Trắng, cuộc gặp gỡ tiếp theo giữa hai Tổng thống Bush và Tổng thống Sarkozy dự định sẽ diễn ra vào tháng 9 tới tại New York, trong khuôn khổ phiên họp hàng năm của Đại hội đồng LHQ

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.