Đâu là nguyên nhân “cuộc chiến” khí gas giữa Nga và Ukraina?

Thứ Sáu, 14/03/2008, 15:00
Tiếp sau những mâu thuẫn về khí gas trước đây giữa Nga và Belarus, cuộc đối đầu mới trong lĩnh vực này giữa Nga và Ukraina lại khiến cho cả châu Âu phải lo ngại. Điều may mắn là sau khi cuộc khủng hoảng gần như lên tới đỉnh điểm, hai tập đoàn đối tác hàng đầu của Nga (Gazprom) và Ukraina (Naftogaz) đã kịp thời có được những thỏa hiệp quan trọng.

Theo đó, phía Nga đã khôi phục hoàn toàn lượng khí gas cung cấp (đã bị giảm xuống tới 50% kể từ hôm 4/3), còn Ukraina từ bỏ kế hoạch cắt đứt đường nhiên liệu trung chuyển qua nước này tới các bạn hàng châu Âu của Nga.

Tuy nhiên, những vấn đề gây tranh cãi giữa hai bên vẫn chưa thể được giải quyết một cách triệt để. Nhiều người còn nhìn nhận đây là một thách thức không nhỏ đối với tân Tổng thống Nga Medvedev trong tương lai.

Bắt đầu từ hôm 4/3, Gazprom tuyên bố đã cắt giảm 25% lượng khí gas cung cấp cho Ukraina. Lý do được tập đoàn này đưa ra là Chính phủ Ukraina đã cố tình lờ đi khoản nợ tiền khí gas đã được cung cấp, đồng thời từ chối ký kết hợp đồng mới.

Cụ thể là Nga buộc tội Ukraina đã không chịu trả khoản nợ tiền khí gas hiện đã lên tới 1,9 tỉ USD. Kết quả này đồng nghĩa với việc Ukraina chỉ nhận được 69,3 triệu m3 khí gas một ngày đêm thay vì chỉ số tiêu thụ thông thường là 156 triệu m3 mỗi ngày.

Để phản ứng lại, Naftogaz của Ukraina đưa ra thông báo khẳng định, việc hạn chế cung cấp khí gas cho Ukraina là trái với các nguyên tắc chính về các điều kiện kỹ thuật mà tập đoàn này đã ký kết với Gazprom, giúp đảm bảo việc trung chuyển khí gas liên tục và thông suốt tới các bạn hàng tại châu Âu với điều kiện phải đảm bảo cân bằng nhu cầu khí gas cho Ukraina.

“Nếu như Gazprom vẫn tiếp tục vi phạm những thỏa thuận kỹ thuật đã ký giữa hai công ty bằng cách giảm bớt lượng khí gas cung cấp cho Ukraina, Naftogaz có quyền áp dụng các biện pháp trả đũa thích hợp để bảo vệ quyền lợi cho những người tiêu dùng của mình” – đại diện Naftogaz nhấn mạnh, đồng thời còn đe dọa cắt đứt đường ống trung chuyển khí gas của Nga cho các nước châu Âu đi qua Ukraina.

Trước tình hình này, Liên minh châu Âu (EU) ngay lập tức đã bày tỏ mối lo ngại về cuộc xung đột khí gas này. “Chúng tôi kêu gọi các bên cần nhanh chóng tìm ra giải pháp cho tranh chấp thương mại này” – đại diện chính thức của Ủy ban châu Âu Michel Chercone phát biểu, đồng thời nhấn mạnh rằng, đây không chỉ đơn thuần là một cuộc tranh chấp thương mại giữa hai tập đoàn của Nga và Ukraina.

Các quan chức EU còn tuyên bố, sẵn sàng đứng ra tổ chức một hội nghị bất thường của Hội đồng điều phối khí gas trong Ủy ban châu Âu để xem xét khả năng giải quyết xung đột.

Không phải không lường trước về hậu quả nghiêm trọng của cuộc xung đột này, hai Tổng thống của Nga và Ukraina đã có cuộc hội đàm trực tiếp qua điện thoại từ hôm 3/3 với hy vọng ngăn chặn những biện pháp trả đũa của cả hai bên. Kết quả cuộc điện đàm có lẽ đã không như ý muốn, khi chỉ một ngày sau Gazprom đã hiện thực hóa những lời cảnh báo của mình.

Khi “mọi chuyện đã rồi”, nhiều nguồn tin tại Kiev còn đánh giá, cuộc xung đột khí gas trên là hậu quả trực tiếp từ những bất đồng của giữa Thủ tướng Yulia Timoshenko và Tổng thống Viktor Yushchenko – thể hiện rõ từ chuyến công du bất ngờ của bà Timoshenko vào tháng trước tới Nga với mục đích xem xét lại những thỏa thuận về khí gas đã được ký kết giữa hai Tổng thống Putin và Yushchenko.

Theo như đánh giá của các chuyên gia am hiểu, một trong những nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng này thực ra bắt nguồn từ tình trạng mập mờ và rắc rối trong hệ thống các nhà trung gian thương mại giữa hai tập đoàn Gazprom và Naftogaz.

Để giải quyết tình trạng này, Tổng thống Yushchenko chỉ muốn thay thế nhà trung gian hàng đầu, trong khi Thủ tướng Timoshenko lại nhất quyết loại bỏ tất cả các công ty trung gian trong việc mua khí gas của Nga. Cũng từ lý do này, đã xuất hiện không ít những tin đồn về khả năng ra đi của Thủ tướng Timoshenko, và việc Tổng thống Yushchenko đang nghiên cứu chọn lựa thủ tướng khác.

Dù sao, khi đã nhận thức được những hậu quả mà cả hai bên sẽ phải gánh chịu nếu không nhanh chóng tìm ra giải pháp, Nga và Ukraina đã thống nhất được một số nhượng bộ chung ban đầu. Mọi chuyện chỉ thực sự tiến triển, sau cuộc điện đàm mới nhất giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Yushchenko, tiếp đó là cuộc đàm phán giữa hai quan chức lãnh đạo Gazprom và Naftogaz.

Cụ thể là Gazprom đã từ bỏ việc giảm bớt 50% lượng khí gas cung cấp cho Ukraina, trong khi Naftogaz cam kết sẽ đảm bảo đầy đủ số khí gas trung chuyển qua lãnh thổ nước mình tới châu Âu. Tập đoàn của Ukraina cam kết sẽ chi trả số tiền khí gas được cung cấp từ đầu năm cho tới tháng 3/2008, trước khi hai bên đạt được các thỏa thuận điều chỉnh giá về sau.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, một loạt vấn đề tranh cãi của cả hai bên – ký kết thỏa thuận cung cấp khí gas của năm 2008, trả nợ, cũng như lộ trình cung cấp gas trong năm nay – vẫn chưa có được sự thống nhất triệt để, nhất là về vấn đề giá cả. Phía Nga đang yêu cầu Ukraina trả tiền khí gas theo giá tương tự như của châu Âu, tức là 314,5 USD cho 1.000m3.

Các nhà quan sát đều cho rằng, cuộc khủng hoảng khí gas giữa Nga - Ukraina lần này là thử thách đầu tiên đối với Tổng thống mới được bầu Medvedev, người ngay từ thời điểm tranh cử đã khẳng định quyết tâm theo đuổi chính sách đối ngoại cương quyết của người tiền nhiệm Vladimir Putin, mà một trong số đó là không thể “mềm hóa” chính sách “ngoại giao năng lượng” của nước Nga

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.