Đâu là tương lai của Hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Đông Âu?

Thứ Tư, 22/07/2009, 14:50
Đã có nhiều dấu hiệu về một bước ngoặt mới trong vấn đề gai góc hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ tại Đông Âu.

Ngay sau chuyến công du Moskva của Tổng thống Mỹ Barack Obama, những phát biểu và đánh giá của Tổng thống Dmitri Medvedev về vị khách bên kia bờ đại dương của mình đã mang "một sắc thái tin cậy hơn, không còn xu hướng thu hút sự chú ý của công chúng vào những bất đồng" - theo đánh giá của chính báo chí Mỹ.

Những tín hiệu từ phía các quan chức của Washington cũng tỏ ra rõ ràng hơn khi cho thấy: bước thụt lùi trong quan hệ Moskva - Washington đã chấm dứt sau một số đề nghị thỏa hiệp hợp lý của Moskva. Một số nguồn tin còn khẳng định, Mỹ dường như đã quyết định từ bỏ kế hoạch bố trí các bộ phận của hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Ba Lan và Czech, để tìm kiếm một bước tiếp cận hợp lý hơn, không làm ảnh hưởng tới quyền lợi an ninh của Nga...

Những tín hiệu thỏa hiệp mới

Nếu như thiện chí của Nga đã được báo chí Mỹ thừa nhận, thì những tín hiệu thỏa hiệp từ Washington cũng được đánh giá là đã rõ ràng. Như cố vấn hàng đầu Michael McFaul của ông Obama về quan hệ với Nga còn công khai so sánh bước tiến bộ mới này với tình hình dưới thời người tiền nhiệm George Bush con, người được đánh giá là có "giọng điệu quá mang tính giáo huấn khi trò chuyện với nước Nga".

Các tín hiệu đều cho thấy, người Mỹ đã sẵn sàng thỏa hiệp với nước Nga ngay từ một trong những vấn đề gây bất đồng sâu sắc nhất từ vài năm qua - đó là các kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại châu Âu.

Theo đánh giá, những thay đổi căn bản trong kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ tại châu Âu sẽ có lợi cho cả Moskva, Washington cũng như châu Âu nói chung.

Sau các cuộc hội đàm mang tính cởi mở hơn tại Moskva vừa qua, phía Mỹ đã hiểu rõ hơn rằng, Nga quả thật rất lo ngại về triển vọng xuất hiện những hệ thống radar của Mỹ ngay sát biên giới của mình. Cho dù hệ thống này được khẳng định chỉ để theo dõi những nguy cơ phóng tên lửa của Iran trong tương lai, nhưng trên thực tế nó cũng có thể đồng thời giám sát tình hình cụ thể trên lãnh thổ nước Nga với chiều sâu lên tới vài ngàn cây số.

"Dường như người Nga đã đúng!" - một số quan chức tại Washington đã thừa nhận ngay sau chuyến đi của Tổng thống Obama.

Mới đây nhất hôm 11/7/2009, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg lần đầu tiên tuyên bố, Mỹ sẵn sàng từ bỏ hệ thống phòng thủ chống tên lửa thuần túy mang tính quốc gia để xây dựng một hệ thống chung với nước Nga, đồng thời không phản đối khả năng xem xét căn cứ radar của Nga tại Gabal (Ajerbaidjan) như một phần của hệ thống phòng thủ chống tên lửa chung này.

Ông Steinberg còn nhấn mạnh thêm rằng, đây chính là một phần "kết quả những cuộc hội đàm vừa qua giữa hai Tổng thống Obama và Medvedev".

Cần nhắc thêm rằng, chính đề xuất về căn cứ radar này đã được Tổng thống Putin đề xuất với đồng nhiệm George Bush từ hai năm trước, nhưng đã bị Washington kiên quyết khước từ.

Giờ đây ngay cả Giám đốc Cơ quan phòng thủ chống tên lửa Mỹ - Trung tướng Patrick O'Reilly - cũng thừa nhận rằng, các radar tại Gabal có "những khả năng tuyệt vời" để theo dõi bất kỳ một vụ phóng tên lửa nào từ khu vực Tây - Nam Á.

Chưa hết, nhiều nghị sĩ của Anh ngay sau chuyến công du Moskva của Barack Obama cũng thống nhất với kết luận rằng: "Kế hoạch bố trí tại Czech và Ba Lan các bộ phận của hệ thống phòng thủ chống tên lửa không thể đem lại lợi ích chung cho an ninh tại châu Âu. Việc cố tình triển khai chúng trái với ý muốn của nước Nga có thể gây tổn hại đến những quyền lợi an ninh chung của NATO". 

Phản ứng từ phía Ba Lan

Nếu như quan điểm từ phía Moskva và Washington đều tỏ ra lạc quan về khả năng của bước ngoặt mới này, thì thái độ của phía Ba Lan lại chủ yếu mang tâm trạng bất ngờ và lo ngại. Những tín hiệu ban đầu đã xuất hiện từ ngày 10/7/2009, khi tờ báo Nasz Dziennik cảnh báo, Mỹ rất có thể sẽ từ bỏ kế hoạch bố trí các hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Ba Lan và Czech.

Tờ báo trên cũng khẳng định, ngay trong tháng 7 này sẽ diễn ra một cuộc gặp quan trọng giữa các chuyên gia của Nga và Mỹ về chủ đề trên. Kết quả cụ thể của cuộc gặp sẽ là cơ sở để đến cuối mùa hè, Washington sẽ chính thức tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai hay không hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Czech và Ba Lan.

Tờ Nasz Dziennik cũng dự liệu về phản ứng của Bộ Ngoại giao Ba Lan về khả năng Mỹ sẽ chính thức từ bỏ hệ thống phòng thủ chống tên lửa theo kế hoạch ban đầu. Khả năng hàng đầu là Warsaw sẽ chính thức đòi Washington phải bồi thường.

Ngoài ra, có thể Phó tổng thống Joe Biden - sẽ có chuyến công du Ukraina và Gruzia từ 20 đến 24/7 tới - trên đường trở về sẽ ghé qua Warsaw để bàn bạc với Tổng thống nước chủ nhà Lech Kaczynski về tương lai của hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Bản thân Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslav Sidorski đã có kế hoạch ngay giữa tháng này sẽ tới Washington cũng vì mục đích chính bàn về hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Warsaw dự định yêu cầu Washington triển khai thêm cho họ một đại đội có cơ số 196 tên lửa Patriot, theo như giải thích có thể bắn hạ được cả các tên lửa của Iran cũng như của CHDCND Triều Tiên

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.