Dấu mốc mới trên dòng sông Mekong

Thứ Năm, 11/10/2018, 14:46
Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10 diễn ra tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự Hội nghị và thăm Nhật Bản từ ngày 7 đến ngày 10-10-2018.

Hội nghị đánh giá 10 năm hình thành và phát triển của cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản và 3 năm triển khai “Chiến lược Tokyo 2015”. Với quyết tâm cao từ phía Nhật Bản và các nước Tiểu vùng Mekong, Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra một dấu mốc mới trong cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản với việc thông qua “Chiến lược hợp tác Tokyo 2018” định hướng cho hợp tác Mekong-Nhật Bản giai đoạn 2019-2021.

Cơ chế hợp tác hiệu quả

Tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 12 diễn ra ở Philippines vào tháng 1-2007, Nhật Bản đã đề xuất Chương trình quan hệ đối tác Mekong-Nhật Bản tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Hội nhập kinh tế Tiểu vùng (cải thiện kết cấu hạ tầng, tăng cường liên kết khu vực...); Mở rộng thương mại đầu tư giữa Nhật Bản và khu vực Mekong; Theo đuổi các giá trị phổ cập và mục tiêu chung của khu vực như xóa đói, giảm nghèo, mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường...

Đến nay, Nhật Bản và các nước Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam đã tiến hành 9 Hội nghị Cấp cao, 11 Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế. Có thể khẳng định rằng, trong 10 năm qua, sự hình thành và phát triển của cơ chế Hợp tác Mekong-Nhật Bản đã đạt được những kết quả quan trọng trên 3 lĩnh vực ưu tiên của hợp tác gồm hợp tác phần cứng, hợp tác phần mềm và phát triển bền vững.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản. Ảnh: VGP Quang Hiếu.

Qua cơ chế hợp tác này, các nước Mekong và Nhật Bản đã liên kết để xây dựng cơ sở hạ tầng về đường bộ, cảng hàng không quốc tế, cảng biển..., góp phần hình thành một cơ sở hạ tầng kết nối trong khu vực Tiểu vùng Mekong, theo hướng kết nối Hành lang Đông - Tây và Hành lang phía Nam. Trong lĩnh vực hạ tầng mềm, Hợp tác Mekong-Nhật Bản đã góp phần tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa giữa các nước trong khu vực Mekong, thông qua việc kết nối hệ thống vận chuyển hàng hóa, tạo thuận lợi cho việc thông quan, giúp giảm chi phí, thời gian thông quan, đào tạo nguồn nhân lực.

Trong phát triển bền vững, Nhật Bản là một trong số ít các đối tác đã duy trì lâu dài và liên tục sự hợp tác và sự ủng hộ đối với Ủy hội sông Mekong (MRC).

Trong giai đoạn 2009-2012, Hợp tác Mekong-Nhật Bản tập trung triển khai “Tuyên bố Tokyo” và “Chương trình hành động 63 điểm để triển khai Tuyên bố chung Tokyo” - hai văn kiện đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ nhất vào ngày 7-11-2009 tại Tokyo.

Các lĩnh vực hợp tác bao gồm: Phát triển hạ tầng cứng và mềm, phát triển kinh tế bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển; Bảo vệ môi trường, ứng phó với thách thức như dịch bệnh, thiên tai; tăng cường giao lưu giữa các nước Mekong và Nhật Bản.

Trong giai đoạn 2013-2015, Hợp tác Mekong-Nhật Bản triển khai “Chiến lược Tokyo” và “Kế hoạch hành động Mekong-Nhật Bản nhằm thực hiện Chiến lược Tokyo 2012”. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm: Tăng cường kết nối trong Tiểu vùng Mekong và giữa Tiểu vùng Mekong với các khu vực và trên thế giới; Hợp tác cùng phát triển giữa các nước Mekong và Nhật Bản; Bảo vệ môi trường và an ninh con người. Ngoài ra, hợp tác Mekong-Nhật Bản cũng triển khai Lộ trình phát triển Mekong 2012-2015 và Sáng kiến hợp tác kinh tế công nghiệp Mekong-Nhật Bản.

Trong giai đoạn 2016-2018, Hợp tác Mekong-Nhật Bản triển khai “Chiến lược Tokyo mới 2015” và “Kế hoạch hành động Mekong-Nhật Bản nhằm thực hiện Chiến lược Tokyo mới 2015” với mục tiêu đạt được “tăng trưởng chất lượng” và tiếp tục phát triển kinh tế một cách bền vững và đồng đều tại Tiểu vùng Mekong.

Ngoài ra, hợp tác Mekong-Nhật Bản cũng triển khai “Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong” giai đoạn 2016-2018. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm: Phát triển hạ tầng công nghiệp và tăng cường kết nối “cứng” trong Tiểu vùng Mekong và với các khu vực bên ngoài; Phát triển các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị khu vực, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường kết nối thể chế, kinh tế và giao lưu nhân dân; Phát triển bền vững hướng tới thực hiện một Mekong xanh; Tăng cường phối hợp giữa hợp tác Mekong-Nhật Bản với các cơ chế hợp tác khu vực, tổ chức quốc tế.

Chiến lược viện trợ phát triển mới của Nhật Bản

Nhật Bản đã điều chỉnh chiến lược của họ ở khu vực sông Mekong. Đầu năm nay, Kentaro Sonoura, chính trị gia được coi là cánh tay phải của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã vạch ra chính sách viện trợ nước ngoài của Nhật Bản cho khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của “chất lượng” viện trợ chứ không phải “số lượng”.

Theo đó, Nhật Bản đã thay đổi chiến lược của mình để tập trung vào việc cải thiện sự cởi mở và tính minh bạch, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng năng lực và bảo vệ môi trường trong quá trình viện trợ cho các nước khu vực sông Mekong.

Nhật Bản có ý định cung cấp viện trợ không chỉ để xây dựng đường cao tốc và cầu mà còn trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại ở khu vực sông Mekong. Điều này sẽ được thực hiện thông qua việc cải thiện các thủ tục hải quan ở biên giới các nước, phát triển nguồn nhân lực và thiết lập mạng lưới thương mại phục vụ luồng giao thông hàng hóa và con người tốt hơn.

Về cơ sở hạ tầng, Nhật Bản cam kết cung cấp viện trợ nước ngoài cho các dự án phát triển bao gồm cả “Hành lang phía Nam” để kết nối thành phố Hồ Chí Minh, Phnom Penh và Bangkok; “Hành lang Đông-Tây” kết nối Đà Nẵng của Việt Nam và Mawlamyine của Myanmar. Đồng thời, Nhật Bản cũng hứa sẽ giúp thúc đẩy nguồn nhân lực trong những năm tới bằng cách cung cấp chương trình đào tạo nghề cho hơn 40.000 người ở châu Á, bao gồm cả các nước thuộc khu vực sông Mekong.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10. Ảnh: TTXVN.

Khu vực sông Mekong đã nổi lên như một trung tâm phát triển mới của châu Á. Từ góc độ nhân khẩu học, tổng dân số của khu vực này là 236 triệu người trong năm 2015. Trừ Thái Lan, dân số các nước trong khu vực này đều trẻ, với hơn 20% dân số ở độ tuổi dưới 15. Năm 2015, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực đạt 673 tỷ USD, và trừ Thái Lan, tốc độ tăng trưởng của tất cả các nước trong khu vực đều trên 5%. Những yếu tố nhân khẩu học và kinh tế thuận lợi khiến cho khu vực này trở thành một thị trường hấp dẫn đầy tiềm năng đối với các sản phẩm và đầu tư của Nhật Bản.

Trong quá khứ, chiến lược viện trợ của Nhật Bản thường bị chỉ trích vì chỉ chuyên tâm vào phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng theo chiến lược mới, viện trợ của Nhật Bản ngày càng tập trung vào việc phát triển không chỉ cơ sở hạ tầng “cứng” mà cả cơ sở hạ tầng “mềm” trong khu vực Mekong. Định hướng mới này trong chính sách viện trợ của Nhật Bản ở khu vực sông Mekong bắt nguồn từ kế hoạch ngoại giao lớn của ông Abe - “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” lấy cảm hứng từ Mỹ.

Chiến lược này nhằm thiết lập mối liên kết giữa lục địa Đông Nam Á, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực sông Mekong rất quan trọng cho sự thành công chung của chiến lược đầy tham vọng này.

Theo chiến lược này, Thủ tướng Abe cam kết Nhật Bản sẽ chủ động hơn trong việc đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực thông qua hợp tác 4 bên giữa Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Điều này có nghĩa là Nhật Bản sẽ phải tham gia và tìm kiếm sự hỗ trợ tích cực từ 3 nước còn lại trong nỗ lực của mình để thực hiện chiến lược mới.

Có sự tương phản đáng chú ý giữa các chiến lược viện trợ của Trung Quốc và Nhật Bản trong khu vực. Trung Quốc đang tập trung vào việc hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng “cứng” trong khi Nhật Bản muốn phát triển cơ sở hạ tầng “mềm”. Trung Quốc cam kết sẽ cung cấp 10 tỷ USD theo chương trình hợp tác Lan Thương - Mekong cho nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng khác nhau, bao gồm xây dựng các đập thủy điện, đường sắt và khu công nghiệp. Trong khi đó, Nhật Bản đã chi 7,5 triệu USD cho các cuộc tổng tuyển cử ở Campuchia hồi tháng 7 vừa qua.

Đóng góp của Việt Nam

Nằm ở vị trí cửa ngõ của khu vực Mekong, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia tiểu vùng Mekong, đặc biệt là cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản. Ngay từ khi cơ chế hợp tác này được hình thành, Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực, đóng góp, xây dựng định hướng hợp tác Mekong - Nhật Bản trong từng giai đoạn.

Sau 10 năm hợp tác, với những đóng góp hiệu quả, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò, có tiếng nói quan trọng trong nhiều vấn đề lớn của Hợp tác Mekong - Nhật Bản. Việt Nam là đối tác tin cậy, sẵn sàng cùng Nhật Bản và các nước xây dựng các kế hoạch hợp tác dài hạn hướng tới mục tiêu chung là phát triển và thu hẹp khoảng cách phát triển của các nước tiểu vùng Mekong.

Người dân chở hàng hóa trên sông Hậu ở Cần Thơ. Ảnh Reuters.

Tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ tư vào tháng 4-2012, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động/dự án thuộc “Kế hoạch hành động Mekong - Nhật Bản nhằm thực hiện “Chiến lược Tokyo 2012” và chủ động đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác, trong đó sáng kiến “Tăng cường kết nối các hành lang kinh tế tại Tiểu vùng Mekong qua thúc đẩy vận tải đa phương thức” nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước đối tác.

Sáng kiến đã giúp tận dụng mạng lưới sông ngòi, kết hợp và hỗ trợ cho vận tải đường bộ và đường biển; tăng cường kết nối các hành lang kinh tế; tạo thuận lợi cho du lịch, lưu thông thương mại hàng hóa nhờ cắt giảm chi phí và thời gian vận tải, góp phần bảo vệ môi trường thông qua cắt giảm khí thải giao thông.

Tiếp đó, tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 6 vào tháng 11-2014, Việt Nam tiếp tục đưa ra sáng kiến về mở rộng kết nối Tiểu vùng Mekong với các khu vực xung quanh như Nam Á.

Từ cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản, đặc biệt trong việc thực hiện “Chiến lược Tokyo 2012”, tại Việt Nam, nhiều dự án đã được triển khai như dự án Trung tâm đào tạo nghề Mekong - Nhật Bản tại Đại học Hàng hải Hải Phòng, dự án hợp tác Khu vực về Quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan khu vực Mekong, các chương trình giao lưu nhân dân Mekong-Nhật Bản…

Trong khuôn khổ hợp tác, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, nỗ lực trong việc tạo thuận lợi cho giao thông và lưu thông thương mại, các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực và hạ tầng cơ sở, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam đưa những chương trình như Diễn đàn Mekong xanh, các chương trình hợp tác về môi trường, về nước sạch, về phòng chống thiên tai… vào trong Hợp tác Mekong - Nhật Bản.

Việt Nam rất tích cực đóng góp vào việc định hướng, thúc đẩy sự phát triển Mekong - Nhật Bản theo hướng phù hợp với lợi ích của Việt Nam và lợi ích phát triển của cả khu vực. Các bộ, ngành Việt Nam đã tham gia khoảng 100 dự án khác nhau trong Hợp tác Mekong - Nhật Bản.

Nhiều dự án lớn trong khuôn khổ này như cảng nước sâu Lạch Huyện, cảng T2 sân bay Nội Bài, nhiệt điện Ô Môn, Nghi Sơn 2, là những dự án quan trọng đối với cơ sở hạ tầng Việt Nam. Thông qua cơ chế Hợp tác Mekong -Nhật Bản, Việt Nam đã xây dựng và vận hành hệ thống thông quan điện tử, sản xuất vắc xin sởi và Rubella.

Trong khi đó, Việt Nam cũng thúc đẩy các dự án kết nối khu vực, kết nối Tiểu vùng Mekong, thông quan điện tử, đồng thời đưa vấn đề hợp tác nguồn nước sông Mekong trở thành một nội dung hợp tác quan trọng trong Hợp tác Mekong - Nhật Bản, có tiếng nói tích cực để phối hợp giữa cơ chế Hợp tác Mekong - Nhật Bản với hợp tác trong MRC.

Việt Nam luôn nhấn mạnh vai trò của các nước trong Mekong, sự phối hợp chính sách giữa các nước Mekong với nhau trong cơ chế Hợp tác Mekong-Nhật Bản, thể hiện sự tích cực, chủ động, có trách nhiệm với chính Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Tại Hội nghị lần này cũng vậy.

Vũ Quang (tổng hợp)
.
.