Đệ nhất phu nhân Zimbabwe và “giấc mơ Tổng thống”

Thứ Năm, 23/11/2017, 10:06
Ngày 8-11-2017, sau 37 năm nắm quyền lãnh đạo đất nước Zimbabwe, tổng thống Mugabe đã ra lệnh sa thải phó tổng thống Emmerson Mnangagwa để dọn đường cho vợ mình là Grace Ntombizodwa Marufu lên ngôi tổng thống.

Tuy nhiên, nhằm ngăn chặn ý định này, ngày 15-11, quân đội Zimbabwe tiến hành cô lập và quản thúc ông Mugabe tại dinh thự riêng của ông, đồng thời cho biết đây không phải là một cuộc đảo chính, mà chỉ “loại trừ những kẻ tham nhũng thân cận với Tổng thống Mugabe”. Cuối cùng, ông Mugabe phải từ chức vào ngày 19-11.

Vài nét về Đệ nhất phu nhân Grace Marufu

Sinh ngày 23-7-1965 tại Benoni, một thị trấn nhỏ ở miền bắc Nam Phi trong một gia đình có 5 người con, năm 1970 bà Grace theo mẹ đến định cư ở quận Chivhu, Zimbabwe. Tại đây, sau khi học xong bậc tiểu học, bà Grace lên thành phố Manicaland, học tại trường trung học Kriste Mambo.

18 tuổi, bà Grace kết hôn với Stanley Goreraza, một phi công trong Không lực Zimbabwe và có một con trai tên Russell Goreraza. Hai năm sau, bà Grace được tuyển vào làm việc trong dinh tổng thống - là nơi ở chính thức của Tổng thống Mugabe với chức danh thư ký. Vốn tính háo sắc, Mugabe không thể bỏ qua “gái một con”.

Bà Grace Marufu phát biểu trong một cuộc họp của Liên đoàn Phụ nữ đảng ZANU – PF.

Sau nhiều lần tán tỉnh với những món quà tặng đắt tiền, “thư ký” Grace ngã vào vòng tay của ngài tổng thống. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi do Đài truyền hình CNBC thực hiện năm 1996, bà Grace đã kể về mối tình của bà với Tổng thống Mugabe như sau: “Lần gặp gỡ đầu tiên, Mugabe hỏi về gia đình tôi. Tôi nhìn anh ấy như nhìn một người cha và tôi không nghĩ Mugabe thích tôi. Không lâu sau đó, anh ấy mời tôi ăn tối và trong bữa ăn này, tôi tự hỏi tại sao tôi lại không trở thành vợ anh ấy...”.

Thời điểm đó, người vợ chính thức của ông Mugabe là Sally Hayfron đang nằm liệt giường vì bệnh ung thư. Mặc dù biết rõ chồng mình dan díu với cô thư ký nhưng bà Sally đành nhắm mắt làm ngơ. Bác sĩ riêng của bà Sally kể lại: “Nhất là sau khi Grace lần lượt hạ sinh 2 đứa con với Mugabe, đặt tên là Bona Mugabe và Robert Junior Mugabe thì bà Sally hiểu rằng đường đến cái ghế “đệ nhất phu nhân” của Grace chẳng còn bao xa nữa”.

Mãi đến năm 1996, bà Grace, 31 tuổi, và ông Mugabe, 72 tuổi, mới chính thức kết hôn bằng một bữa tiệc hoành tráng mà báo chí hồi ấy gọi là “đám cưới thế kỷ”. Tất cả khách mời ở những quốc gia khác đều được đưa đón bằng đội máy bay riêng của Tổng thống Mugabe. Tạp chí Mirror, Anh quốc, nổi tiếng soi mói những chuyện cung đình đã ước lượng rằng đám cưới tiêu tốn hết 27 triệu USD với 40.000 khách.

Chưa hết, sau đám cưới, bà Grace không thèm sống ở ngôi biệt thự đã có sẵn tại thủ đô Harare, mà yêu cầu Mugabe phải xây cho bà một tòa lâu đài trị giá 15 triệu USD, thường được gọi là “Gracelands”. Khi bị phe đối lập chỉ trích, bà Grace khẳng định rằng lâu đài được xây bằng tiền riêng của bà nhưng không cho biết tiền ấy từ đâu ra!

Xài tiền như nước

Năm 1997, bà Grace sinh thêm đứa con thứ ba với ông Mugabe, đặt tên là Chatunga Bellarmine Mugabe. Và mặc dù Zimbabwe là một trong những nước nghèo nhất châu Phi, hơn 60% trong tổng số 13,8 triệu người sống ở mức “dưới đáy xã hội”, lạm phát đến nỗi 100 triệu đô la Zimbabwe mới mua được 1 ổ bánh mì nhưng đệ nhất phu nhân thì không nghèo.

Trong một lần đi nghỉ hè ở Paris, bà Grace đã mua sắm hết 120.000 bảng Anh tại cửa hàng thời trang nổi tiếng Gucci. Stephanie Angelica, quản lý cửa hàng này cho biết: “Bà ấy chỉ vào những cái túi xách, giày, váy, áo choàng lông..., bảo gói hết lại mà không cần để ý đến giá tiền. Chúng tôi gọi bà là “Madame Grace Gucci”.

Đáp lại những lời chỉ trích, bà Grace cho rằng: “Thứ duy nhất tôi mua là hạnh nhân và hạt dẻ vì tôi rất thích hai loại hạt ấy. Thế nhưng sau đó người ta đã thêu dệt là tôi mua cả trăm nghìn bảng Anh hàng hiệu. Đó là sự bịa đặt”.

Bà Grace Marufu chì chiết ông Mugabe vì đã không thẳng tay đè bẹp cuộc biểu tình đòi ông từ chức diễn ra ngày 9-11-2017.

Năm 2002, lâu đài Graceland được bà Grace bán cho Tổng thống Libya là Muammar Gaddafi. Cũng trong năm đó, bà Grace tiếp tục xây dựng một lâu đài khác trên khu đất trang trại Iron Mask Estate, thuộc sở hữu của John và Eva Matthews mà bà Grace mua lại với sự tài trợ của đảng ZANU-PF (Mặt trận Quốc gia Liên hiệp châu Phi Zimbabwe) - là đảng của Tổng thống Mugabe. Lâu đài này xây hết 26 triệu USD, hoàn thành năm 2007.

Không chỉ 2 lâu đài, bà Grace còn kiểm soát một đế chế kinh doanh, được gọi là Gushungo Holdings (Gushungo là tên của gia tộc Tổng thống Mugabe). Trong tay bà có ít nhất 10 trang trại mang tên Gushungo Holdings. Bên cạnh đó, bà Grace còn sở hữu 10.601 hecta đất trồng trọt màu mỡ ở phía bắc Zimbabwe.

Năm 2008, 8 năm sau khi chương trình cải cách ruộng đất bắt đầu, bà Grace tiếp nhận nông trại Gwina Farm ở Banket, rộng gần 4.000 hecta từ tay thẩm phán Tòa án Tối cao Ben Hlatshwayo với danh nghĩa “xây dựng mô hình kiểu mẫu”.

Một số nhân viên thuộc Gushungo Holdings tiết lộ rằng đế chế này còn sở hữu các trang trại Mazowe, Sigaro, Leverdale, Bassiville, Gwina, Foyle, Leverdale, Norton Highfield Farm cùng một mỏ sắt rộng 1.046 hecta, một cơ sở chế biến gỗ rộng 1.200 hecta. Để chiếm mỏ sắt, Gushungo Holdings đã xua đuổi gia đình của các thợ mỏ rồi chiếm lấy 22 hecta đất dọc theo sông Mazowe, mở đường cho các phương tiện cơ giới vào mỏ.

Một binh sĩ quân đội Zimbabwe cụng tay với một người biểu tình để tỏ thái độ vui mừng khi ông Mugabe từ chức.

Trong ngành công nghiệp sữa, thông qua một công ty con là Alpha Omega Dairy, đế chế Gushungo Holdings với sự tiếp tay của đệ nhất phu nhân Grace, đã dành được một dự án trị giá hàng chục triệu USD, đánh bại hai công ty sữa của Thụy Sĩ là Nestlé Zimbabwe và Dairiboard Zimbabwe. Việc ấy dẫn đến sự tranh chấp giữa Nestlé và Alpha Omega Dairy về những hợp đồng cung cấp sữa.

Không chỉ thu vén tài sản trong nước, đầu năm 2008, bà Grace mua một ngôi biệt thự ở Kuala Lumpur, Malaysia và cho biết đó sẽ là nơi ở của bà và các con, đề phòng những âm mưu ám sát nhắm vào bà. Ở Hong Kong, bà Grace sở hữu một cơ sở mài, cắt kim cương tại tòa nhà số 3, lâu đài JC, đường số 18, Shan Tong, quận Taipo. Theo bà Grace, vì Bona Mugabe - con gái bà đang theo học tại Hong Kong nên lâu đài JC là nơi nghỉ cuối tuần. Bà Grace cũng không giấu giếm khi tuyên bố rằng nếu ông Mugabe bị lật đổ thì đây cũng sẽ là nơi để vợ chồng bà nương náu.

Về phía Tổng thống Mugabe cũng chẳng kém cạnh gì vợ. Sinh nhật ông được tổ chức với chi phí 1 triệu USD. Sinh nhật chị vợ là Junior Gumbochuma, ông tặng 60.000 USD, gọi là: “Món quà cảm ơn gửi đến bà Gumbochuma, người đã đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con cái tổng thống”. Còn 3 đứa con ông, mỗi đứa “tặng dì Gumbochuma” 10.000 USD!

Tiền từ đâu ra?

Vậy đệ nhất phu nhân Grace làm gì ra tiền? Không kể những nguồn lợi từ đất đai, trang trại, mỏ sắt, xưởng gỗ cùng các hợp đồng béo bở khác, câu trả lời được tờ Standard, xuất bản tại thủ đô Harare, Zimbabwe, trích lại một số điện văn của nhà ngoại giao Mỹ là đại sứ James McGee ở Zimbabwe gửi về Mỹ, được tiết lộ bởi trang WikiLeaks: “Cùng với các quan chức cao cấp của Zimbabwe, bao gồm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Gideon Gono, một số tướng lĩnh quân đội và những người đứng đầu đảng ZANU-PF của Tổng thống Mugabe, bà Grace kiếm được hàng chục triệu USD mỗi năm từ những mỏ kim cương ở Chiadzwa, phía đông Zimbabwe”.

Chưa hết, tờ Standard còn nói thêm rằng dù mới chỉ học hơn 3 tháng nhưng sở dĩ bà Grace có được tấm bằng tiến sĩ xã hội học tại Đại học Zimbabwe vì chồng bà là tổng thống. Trong hồ sơ lưu trữ ở trường không hề có luận văn tiến sĩ của bà! Cho là mình bị vu khống, bà Grace khởi kiện tờ Standard, yêu cầu phải bồi thường danh dự 15 triệu USD.

Khi đệ nhất phu nhân nổi nóng

Là đệ nhất phu nhân, bà Grace biết lợi dụng sự nghiệp chính trị của chồng để củng cố vị trí. Với vai trò là người đứng đầu Liên đoàn Phụ nữ đảng ZANU-PF, bà Grace đánh bóng tên tuổi mình bằng cách thành lập một trại nuôi trẻ mồ côi, tài trợ cho các chương trình nhân đạo..., và được những người theo đuôi gọi bà là “mẹ của đất nước”.

Trong các cuộc mít tinh do bà Grace tổ chức ở nhiều tỉnh thành, bà đã không ngần ngại công kích các đối thủ của chồng mình và úp mở rằng nếu có sự kế nhiệm chức vụ tổng thống thì chỉ mình bà là người phù hợp. Bà đặt câu hỏi: “Rất nhiều người dân Zimbabwe muốn tôi trở thành tổng thống. Tại sao lại không? Tôi không phải là người Zimbabwe à?”.

Cũng trong những cuộc mít tinh, khi có ý kiến nêu ra về vấn đề tuổi tác của ông Mugabe, bà Grace đã không ngần ngại trả lời rằng: “Nếu chồng tôi không thể đi đứng được nữa, tôi sẽ đưa ông ấy ngồi lên xe lăn để tái ứng cử chức vụ tổng thống. Còn nếu ông ấy chết ư? Chết đâu phải là hết vì vẫn còn có tôi”.

Không chỉ nổi tiếng vì xài tiền như nước, đệ nhất phu nhân Grace còn nổi tiếng về tính khí thất thường, nhất là sự hung hãn. Ngày 15-1-2009, trong một lần đến thăm con gái Bona Mugabe đang học ở Hong Kong, bà Grace phát hiện phóng viên Richard Jones của tờ Sunday Times đứng trước sảnh khách sạn nơi bà ở. Nghi ngờ anh chàng này rình rập để chụp lén bà, bà sai vệ sĩ đánh anh ta và ngay chính bà cũng “tặng” cho anh ta một cú đấm vào mặt. Chiếc nhẫn kim cương trên tay bà đã khiến gò má của Richard Jones rách một đường.

Vụ việc sau đó chìm trong im lặng, chính quyền Hong Kong không truy tố bà Grace vì bà là vợ tổng thống, được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.

Gần đây nhất, tháng 8-2017, khi đến Nam Phi để điều trị chấn thương mắt cá chân, bà Grace đã tấn công cô người mẫu Gabriella Engels, 20 tuổi, tại một khách sạn ở Sandton, Johannesburg vì cho rằng Gabriella Engels quyến rũ con trai bà. Bằng một cây roi da, bà Grace quất tới tấp vào Gabriella Engels khiến cô gái bị nhiều vết thương trên mặt.

Khi tòa án Johannesburg ra cáo trạng, buộc tội đệ nhất phu nhân “cố ý tấn công gây thương tích nặng nề” và yêu cầu bà Grace phải đến tòa vào ngày 15-8-2017 thì bà Grace không xuất hiện. Và cũng như vụ việc ở Hong Kong, bà Grace bình an vô sự vì được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.

Sau vụ binh biến ngày 15-11-2017, bà Grace biến mất. Một nguồn tin ngoại giao cho biết bà đã kịp chạy sang Nam Phi nhưng nơi này từ chối cho bà tị nạn chính trị. Hiện tại, bà Grace được cho là đang ở Namibia. Việc ông Mugabe từ chức vào ngày 19-11 đã khiến  giấc mơ trở thành tổng thống của đệ nhất phu nhân Grace tan thành mây khói...

Cao Trí (theo Daily News)
.
.