Đề xuất của Mỹ trực tiếp đối thoại với Iran: Một bước ngoặt thực sự?

Thứ Sáu, 09/06/2006, 08:00

Trong khi các cường quốc hàng đầu đang nhóm họp tại Vienna để bàn bạc cách giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, thế giới bất ngờ đón nhận một khả năng đột  phá, sau tuyên bố mới nhất của Mỹ sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Iran. Điều kiện duy nhất Mỹ đưa ra là Iran phải ngừng ngay chương trình làm giàu uranium của mình và cho phép nối lại các hoạt động giám sát.

Trước sự "nhún nhường" bất ngờ từ phía Washington, Tehran lại tỏ vẻ "làm cao". Ngoại trưởng Iran  Manouchehr Mottaki trong khi chính thức hoan nghênh triển vọng đàm phán trực tiếp với Mỹ, đồng thời quả quyết "Iran vẫn quan tâm đến việc tiếp tục làm giàu uranium".

“Ngay khi Iran cho ngừng hoàn toàn và nghiêm túc các hoạt động làm giàu và tái chế uranium, nước Mỹ sẽ ngồi vào bàn đàm phán để gặp gỡ với các đại diện Iran cùng với các đồng nghiệp từ EU. Đây là thời điểm để có thể xác định, Iran có thực sự muốn ngồi vào bàn đàm phán hay không?” - Ngoại trưởng Condoleezza Rice đã tuyên bố như vậy vào hôm thứ tư với các phóng viên ngay tại trụ sở Bộ Ngoại giao.

Trong suốt một thời gian dài trước đó, Mỹ và nhiều nước phương Tây luôn tố cáo Tehran đang âm mưu làm giàu uranium để sản xuất vũ khí hạt nhân, trong khi Iran vẫn kiên quyết phủ nhận, khẳng định chương trình trên chỉ hoàn toàn phục vụ cho mục đích hòa bình. Đồng thời với thái độ cương quyết từ chối ngừng làm giàu uranium, Tehran vẫn yêu cầu Washington phải chính thức “ra mặt” để đàm phán với họ. Chính vì vậy, tuyên bố bất ngờ của Washington vào thứ tư vừa qua được đón nhận như dấu hiệu về một chuyển biến lớn trong chính sách đối ngoại kéo dài hàng thập niên của Mỹ luôn tránh các cuộc tiếp xúc cấp cao trực tiếp với Tehran.

Theo nhận định chung, bước nhượng bộ này của Mỹ có một phần nhờ áp lực ngày càng tăng từ các đồng minh tại châu Âu. Washington cũng hy vọng với thiện chí này, Nga và Trung Quốc sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt Tehran, nếu như các bước đàm phán mới bị thất bại.

“Nước Mỹ đang chuẩn bị nhận vị trí hàng đầu trong việc giải quyết vấn đề này,” Tổng thống Bush bình luận sau quyết định chính thức đàm phán với Iran. Còn Ngoại trưởng Condoleezza Rice giải thích đồng thời cảnh báo: “Chúng tôi chuẩn bị một phương án khác nữa. Đây là cơ hội cuối cùng!”.

Các quan chức cao cấp khác từ Washington còn giải thích thêm, đề xuất này nhằm gạt bỏ nhận định của Iran và một số đồng minh của Mỹ cho rằng, Washington không có nỗ lực tìm mọi khả năng để giải quyết bế tắc trên một cách hòa bình. Cần biết là Mỹ đã không có quan hệ ngoại giao cũng như bất cứ tiếp xúc nào với Chính phủ Iran kể từ khi một số phần tử cực đoan tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Tehran vào năm 1979 và giam giữ nhiều quan chức ngoại giao của nước này suốt hơn một năm.

Trước khi đưa ra tuyên bố bất ngờ này, Ngoại trưởng Rice theo kế hoạch sẽ gặp gỡ với đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ (có sự tham gia của cả Đức và quan chức đại diện EU Javier Solana) tại Vienna vào thứ năm để thống nhất về biện pháp kiểu “cây gậy và củ cà rốt” đối phó với Tehran, bao gồm cả những hứa hẹn hỗ trợ về kinh tế cũng như những lời đe dọa trừng phạt. Trước hội nghị lần này, nhiều nhà ngoại giao tại Vienna đều khẳng định, chắc chắn sẽ không có đề xuất cho phía Iran được Anh, Pháp hay Đức đưa ra, khi cả ba quốc gia thuộc EU này đều đã hủy bỏ những cuộc đàm phán từ tháng 8 năm ngoái do Tehran quyết định khôi phục lại chương trình làm giàu uranium. Hy vọng lần này chỉ có thể trông vào người Mỹ (cùng với Nga và Trung Quốc) có thể đưa ra những giải pháp “trọn gói” mang tính đột phá mới, có thể tương tự với những điều kiện đã đưa ra với CHDCND Triều Tiên.

Dù sao, Ngoại trưởng Rice cũng bóng gió rằng, Mỹ sẽ không đề xuất thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Iran, đồng thời cũng không “thề thốt” về việc không sử dụng sức mạnh quân sự chống nước này. “Đây không phải là một cuộc mặc cả lớn - bà Rice nói - Điều chúng tôi đang nói đến chỉ là một nỗ lực để cải thiện cơ hội của một giải pháp đàm phán thành công về vấn đề hạt nhân của Iran”.

Bà Rice cũng không trả lời trực tiếp những câu hỏi về việc, liệu Nga và Trung Quốc có đồng ý triển khai những biện pháp cứng rắn, nếu như “thiện ý” của Mỹ không được đáp ứng.

Đề xuất bất ngờ của Washington đã nhận được những phản ứng tích cực trên thế giới nói chung. Như quan chức Javier Solana của EU đã mô tả những sáng kiến của Mỹ là “mạnh mẽ nhất và có tín hiệu khả quan nhất trong nỗ lực chung của chúng ta nhằm đạt được thỏa thuận với Iran”. Ngoại trưởng Margaret Beckett của Anh nói: “Mục đích của EU là giới thiệu một đề xuất hợp tác nghiêm túc và có giá trị để cho phía Iran thấy rằng, việc đồng thuận của họ sẽ có những lợi ích gì, và ngược lại sẽ có hậu quả như thế nào nếu họ cố tình tự cách ly mình...”.

Tuy nhiên, “sáng kiến” này của Mỹ lại được đối tác chính là Iran đón nhận có phần lạnh nhạt. “Iran hoan nghênh đề xuất đối thoại nhưng chỉ với điều kiện không từ bỏ những quyền lợi (theo đuổi chương trình hạt nhân) của chúng tôi” - Ngoại trưởng Manouchehr Mottaki đã phát biểu như vậy ngay hôm thứ năm. Thậm chí, Hãng tin IRNA tại Tehran còn nhận định, tuyên bố của bà Rice chỉ là “một trò tuyên truyền”. Vấn đề dư luận hiện đang quan tâm là liệu động thái này có thể là một bước ngoặt thực sự trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran hay không? Mới đầu tháng này, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng vừa mới gửi một lá thư cho Tổng thống Bush, có thể được coi là hành động tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước kể từ khi cuộc cách mạng Hồi giáo nổ ra tại Iran vào năm 1979. Hai bên đều đã có những động thái bày tỏ thiện ý, nhưng triển vọng đạt được một thỏa thuận thực sự vẫn còn khá mù mờ

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.