"Dĩ nhân vi bản"

Thứ Ba, 08/11/2005, 08:26

Đã hơn nửa tháng trôi qua kể từ khi Hội nghị toàn thể Trung ương 5 khóa 16 Đảng Cộng sản Trung Quốc (họp từ ngày 8 tới 11/10) bế mạc. Những luận điểm được đưa ra trong lộ trình phát triển những năm tới của quốc gia đông dân nhất thế giới tiếp tục được dư luận quan tâm và phân tích. Nổi lên trên tất cả là quan điểm đi tới tương lai với phương châm "dĩ nhân vi bản" (lấy con người làm gốc).

Người Trung Quốc đang đặt cho mình những mục tiêu to lớn. Cụ thể, tranh thủ đến năm 2020 nâng năng lực sáng tạo kỹ thuật quốc gia từ vị trí thứ 28 trên thế giới hiện nay lên vị trí thứ 15, đứng vào hàng các "quốc gia kiểu sáng tạo" để tiếp theo vào năm 2050, sẽ đứng vào hàng các "quốc gia sáng tạo", trở thành cường quốc khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới.

Trong bản "Quy hoạch 55 năm lần thứ 11" vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 5 khoá 16 đã đặt ra mục tiêu tới năm 2020, Trung Quốc sẽ đạt được mức xã hội khá giả với thu nhập bình quân đầu người đạt 1.000 USD/năm. Đối với một quốc gia đông tới hơn tỉ dân với mức độ hiện đại hóa hiện thời chỉ gần bằng của nước Anh vào năm 1858 hoặc của Hàn Quốc vào năm 1976, đạt được mục đích trên là việc không dễ dàng nếu không có những cố gắng và sự sáng tạo vượt bậc trong cả tư duy lẫn hành động.

Không sợ bộc lộ gót chân Asin

Chưa từng có một chế độ xã hội hoàn mỹ và ngay cả những hình thức phát triển ưu việt nhất cũng vẫn còn không ít những vấn đề tồn tại trong quốc kế dân sinh. Chính vì thế dũng cảm nhìn thẳng vào thực tại để phát hiện ra các điểm yếu của mình luôn là cách tốt hơn cả để thay đổi và trở nên ngày một mỹ mãn hơn.

Sự ổn định xã hội phải được xây dựng trên cơ sở những tiêu chí thực phục vụ cho lợi ích quốc gia nói chung và các cá nhân nói riêng, chứ không phải được xây dựng trên hệ thống các điều kiện giả tưởng theo chủ nghĩa thành tích đã lỗi thời và rất tai hại, dù ở bất cứ quốc gia nào. Muốn thực sự triệt tiêu những mâu thuẫn nhạy cảm, phải thực sự coi trọng việc không ngừng cải thiện môi trường dân sinh.

Không ngẫu nhiên mà gần đây không ít quan chức cao cấp ở Trung Quốc đã ra trước xã hội công nhận những yếu kém trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Bộ trưởng Bộ Y tế Cao Cường chẳng hạn, đã thẳng thắn thừa nhận rằng những cố gắng cải cách của ngành Y tế Trung Quốc đã không mang lại kết quả chờ đợi. Thứ trưởng Bộ Giáo dục cũng công khai thừa nhận rằng cải cách giáo dục ở Trung Quốc đã thực sự thất bại... Với đời sống bất cứ một quốc gia nào, y tế và giáo dục là hai ngành nhạy cảm, gắn bó với người dân nhất và để nói lên những lời đã nói là điều không dễ của những người chịu trách nhiệm cao nhất của hai ngành này.

Trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng ở Trung Quốc đã thường xuyên xuất hiện những bài đấu tranh phê bình nhưng mang tính xây dựng về các thiếu sót của công tác quản lý cho thuê và bán bất động sản cũng như trong nhiều ngành kinh tế quốc dân khác.

Phát triển một cách khoa học

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào không ủng hộ quan điểm tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Chủ trương then chốt mà ông đưa ra là phát triển một cách khoa học để tạo dựng nên một xã hội hài hòa. Theo ông, nếu chỉ chạy theo mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng cao, lấy đó làm "lý lẽ đanh thép" để biện minh cho thể trạng hiện tại của đất nước thì rất dễ tạo cơ hội cho những mặt trái của nền kinh tế thị trường nổi trội, thí dụ như sự phân hóa giàu nghèo quá rõ rệt, môi trường môi sinh bị xâm phạm, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, tha hóa một bộ phận không nhỏ cán bộ mải chạy theo các lợi lộc vật chất tức thời...

Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nêu ra chủ trương "phát triển hoàn chỉnh", chuyển từ "chủ nghĩa coi trọng thương mại" sang "chủ nghĩa coi trọng dân giàu", chuyển từ tình trạng "mạnh ai nấy làm" sang "phát triển nhịp nhàng cân đối", chuyển từ "chênh lệch giàu nghèo" sang "xã hội công bằng văn minh". Đây chính là hạt nhân tư tưởng của những dự kiến phát triển trong tương lai của Trung Quốc

"Dĩ nhân vi bản"

Đây không chỉ là tư tưởng cổ truyền của nền văn minh Trung Hoa mà còn là một luận điểm quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Mác. Theo lý giải của ông Vương Vĩ Quang, Phó hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, trong bài viết mới đây trên tạp chí "Bán nguyệt đàm" của Tân Hoa Xã, phát triển khoa học là sự phát triển biện chứng, phát triển biện chứng là sự phát triển thống nhất đối lập, lấy con người làm gốc, là sự phát triển toàn diện, đồng bộ, là sự phát triển liên tục bền vững.

Xét từ góc độ triết học,  kiên trì lấy con người làm gốc, tức là coi con người làm tiền đề để phát triển, làm mục đích của phát triển, làm động lực của phát triển và làm tiêu chí của phát triển. Chỉ có như vậy mới hy vọng tránh được những mâu thuẫn tiềm ẩn trong quá trình phát triển, dễ dẫn tới bùng nổ và mất ổn định.

Theo nhận xét của nhiều nhà quan sát, những gì đã được đúc kết tại Hội nghị toàn thể Trung ương 5 khóa 16 Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy, phương thức tăng trưởng mới đang dần dà trở nên chủ đạo trên con đường đi tới tương lai của quốc gia đông dân nhất thế giới

Phạm Thục
.
.