Điện thoại di động cứu người

Thứ Sáu, 27/07/2012, 06:10

Chiếc điện thoại có thể báo động giúp các phụ nữ đang lâm nguy đã được thử nghiệm tại Bobigny và sẽ được tung ra thị trường tại Paris.

Cứ mỗi 2 ngày rưỡi lại có 1 phụ nữ chết do bị chồng hay người tình đánh đập. Phải chi một phần trong số đó có thể tránh được nhờ nạn nhân bấm vào một chiếc nút báo động? "Cần ghi nhớ rằng một phụ nữ bị bạo hành mà không có sự bảo vệ thích hợp là miếng mồi của tên vũ phu" - bà Bộ trưởng Nữ quyền Najat Vallaud-Belkacem tuyên bố nhân buổi ra mắt loại điện thoại báo động (ĐTBĐ) dành cho phụ nữ gặp nguy hiểm tại Paris.

Kiểu điện thoại Nokia C5 này có một số được lưu trước liên hệ với một trung tâm báo động để giúp cho nạn nhân có thể được cứu giúp khẩn cấp cả ngày lẫn đêm. Chiếc phao cứu sinh điện tử này đã chứng tỏ khả năng tại Seine-Saint Denis, nơi mà ý tưởng đã ra đời cách đây 2 năm rưỡi theo sự khuyến khích của Viện Quan sát về bạo hành phụ nữ. Qua phân tích một số trường hợp phụ nữ bị giết, Viện kết luận rằng, nếu nạn nhân có thể cầu cứu từ lúc đầu, người ta có thể cứu được họ.

Là kết quả của sự phối hợp nhiều ngành nghề (Bộ tư pháp, kiểm sát, cảnh sát, an sinh xã hội…), loại điện thoại này sử dụng không phức tạp lắm. Người phụ nữ đang gặp nguy khốn sẽ ấn vào nút báo động kết nối với trạm Hỗ trợ Thế giới, tại đấy có 50 tư vấn viên trực 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần. Tư vấn viên sẽ lượng định tình trạng qua các lời được nói ra hoặc… không thể nói ra. "Nạn nhân không cần giải thích cho chúng tôi nhiều. Chúng tôi có đủ yếu tố trong phiếu lý lịch của người ấy để giải mã vấn đề nhờ vào các từ khóa. Câu "Có chuyện gấp tại nhà tôi" là đã quá đủ" - Tổng giám đốc Michel Camescasse của Tổ chức Hỗ trợ Thế giới giải thích.

Bộ trưởng Najat Vallaud-Belkacem trong buổi giới thiệu điện thoại báo động.

Nếu xét thấy cần phải can thiệp, tư vấn viên sẽ liên lạc với sở cảnh sát qua một đường dây trực 24/24. Nhân viên trực sẽ gọi cho đơn vị cảnh sát gần đấy nhất đến nơi. "Loại điện thoại này sẽ giúp trấn an phụ nữ vì họ biết rằng bất cứ lúc nào cũng có thể nhờ đến sự cứu trợ ưu tiên: thời gian đến nơi khoảng từ 10 đến 12 phút" - ngài biện lý Sylvie Moisson ở Tòa Thượng thẩm Bobigny cho biết.

Các tư vấn viên không chỉ đóng vai trò bộ lọc giữa nạn nhân và cảnh sát mà còn lắng nghe nhu cầu của phụ nữ, nếu cần sẽ hướng họ đến các cơ sở xã hội. "Loại điện thoại này giúp phụ nữ làm chủ cuộc sống và có dự tính cho tương lai" - Michelo Camescasse nhận định. Còn có một đường dây nối từ điện thoại này đến Trung tâm Thông tin về Quyền phụ nữ và gia đình, Hiệp hội Trợ giúp phụ nữ bị bạo hành hay Văn phòng Trợ giúp nạn nhân của Tòa Thượng thẩm mà các số điện thoại đã được lưu trước. Ngoài một công cụ kỹ thuật, hệ thống này còn tạo cho các nạn nhân khả năng được đồng hành về mặt xã hội và nghề nghiệp, nhất là khiến cho toàn bộ các bộ phận liên quan (cảnh sát, tòa án, an sinh xã hội, hội phụ nữ…) sẽ quan tâm hơn đến sự nguy hiểm của cánh đàn ông bạo lực.

May mắn là những phụ nữ cần loại điện thoại đó lại không nhiều. Tại Bobigny đã có 85 phụ nữ được nhận máy trong vòng 2 năm. Trong năm 2011, nhân viên công lực đã can thiệp 63 lần để bảo vệ cho các phụ nữ có nguy cơ bị bạo hành. Việc phát hiện nạn nhân bị nguy khốn không nhất thiết phát sinh từ sự cầu cứu. "Đôi khi các nạn nhân đó được thông báo bởi những hiệp hội phụ nữ, bệnh viện hay quan tòa lo về ly hôn hoặc về trẻ em" - Sylvie Moisson cho biết. ĐTBĐ cũng có ích khi người chồng vũ phu vi phạm lệnh cấm tiếp xúc với nạn nhân được đề ra bởi cơ quan tư pháp. Các phụ nữ có nguy cơ nhất thường là những người nhận được lời đe dọa từ người chồng vũ phu đang bị giam giữ.

Thật ra khái niệm "đang gặp nguy khốn" không được luật pháp định nghĩa. Chính cơ quan kiểm sát tùy theo từng trường hợp sẽ quyết định cấp hệ thống báo động sau một thời gian đánh giá tình hình. Tại Bobigny, việc lượng định được giao cho Hiệp hội SOS nạn nhân, nơi đây sẽ quan sát cuộc sống của vợ chồng rồi viết báo cáo tình trạng. Người phụ nữ cần điện thoại sẽ được quan tòa mời lên nhận điện thoại. Về mặt kỹ thuật, nguy cơ hỏng hóc là rất thấp. Sự trợ giúp kỹ thuật và kiểm tra được thực hiện định kỳ với Tổ chức Hỗ trợ Thế giới.

ĐTBĐ được cấp với thời hạn 6 tháng có thể gia hạn 1 lần. "Mục đích không phải là cho các phụ nữ gặp nguy khốn giữ điện thoại trong nhiều năm. Thời hạn này tương ứng với thời gian cần thiết để các cơ quan đoàn thể tìm cho người ấy một chỗ ở mới, một trường học mới cho con cái, giúp người ấy tái hội nhập bằng cách ban cấp phương tiện để tiếp tục làm việc. "Một số phụ nữ quá sợ đến mức không dám ra khỏi nhà. ĐTBĐ không phải là cứu cánh mà là một phương tiện để trấn an họ và hướng họ đến cuộc sống của một phụ nữ tự do, thoát khỏi những xiềng xích của bạo lực và nỗi kinh hoàng" - ông Sylvie Moisson cho biết.

Tại Paris, cảnh sát cho biết nạn bạo hành trong gia đình chiếm 18,3% các đơn thưa kiện. "Chúng tôi có một chính sách hình sự rất nặng nề đối với nạn bạo hành trong gia đình" - ngài biện lý François Molins cho biết. Năm 2011, Viện Kiểm sát đã giải quyết hơn 1.900 trường hợp bạo hành trong gia đình. Gần 700 người đã bị Tòa tiểu hình xét xử. Nếu có nguy hiểm cho nạn nhân, người chồng vũ phu có thể bị cấm tiếp xúc với vợ.

Kinh nghiệm của ĐTBĐ có thể mở rộng ra khắp nước Pháp bắt chước theo Tây Ban Nha, nơi đã có 9.000 phụ nữ nhận điện thoại. Nhưng công cụ này chưa đủ để loại trừ nguy cơ. "Một phụ nữ gặp nguy khốn không thể sống nay đây mai đó" - Bộ trưởng Najat Vallaud-Belkacem tuyên bố. Chính vì thế Chủ tịch Hội đồng thị chính khu vực Ile-de-France hứa sẽ hỗ trợ về nơi tạm trú cho những phụ nữ gặp nguy hiểm. Ông cũng cho biết về dự án dành một phần quỹ nhà ở xã hội cho các phụ nữ bị bạo hành trong gia đình

Minh Luân (theo Le Point)
.
.