Điều gì xảy ra nếu Triều Tiên phóng tên lửa lần thứ hai thành công?

Thứ Ba, 11/12/2012, 20:45

Triều Tiên vừa công bố chi tiết kế hoạch phóng tên lửa lần thứ hai trong khoảng từ ngày 10 tới 20/12. Đây là thời điểm cực kỳ nhạy cảm vì đúng lúc cử tri Hàn Quốc đi bầu để chọn tân tổng thống, Nhật Bản cũng đang diễn ra tổng tuyển cử trong khi Trung Quốc và Mỹ vừa trải qua các cuộc thay đổi nhân sự cấp cao.

Bình Nhưỡng vừa ra tuyên bố đang chuẩn bị tiến hành vụ phóng tên lửa tầm xa lần thứ hai trong năm nay sau khi thất bại trong vụ phóng thử được tuyên truyền rầm rộ hồi tháng 4 vừa qua. Tuyên bố trên được đưa ra nhằm chống lại cảnh báo của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) vài ngày trước đó rằng việc tiếp tục phóng tên lửa sẽ là "một hành động cực kỳ thiếu khôn ngoan".

Theo Thông tấn xã Triều Tiên, các nhà khoa học nước này đã chọn đường bay an toàn của tên lửa để bảo đảm các cơ phận của nó khi rơi xuống đất sẽ không ảnh hưởng tới các nước láng giềng. Bình Nhưỡng khẳng định tên lửa này mang theo một vệ tinh viễn thông sẽ bay về hướng nam qua Philippines và Australia để vào quỹ đạo.

Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra đúng vào thời điểm chuyển giao quyền lực ở 4 trong 6 nước đang tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Nhật Bản sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 16/12, còn Hàn Quốc sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 19/12. Trung Quốc cũng vừa mới hoàn thành việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới, và Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chuẩn bị bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình. Theo giới quan sát, kế hoạch của Bình Nhưỡng có khả năng gây ảnh hưởng chính trị đặc biệt lớn đối với Hàn Quốc, bởi lẽ cả hai ứng cử viên hàng đầu cho chức tổng thống nước này đều phát tín hiệu về “sự cần thiết phải mạnh mẽ hơn với Bình Nhưỡng”.

Tên lửa Arrow do Mỹ cung cấp cho Nhật Bản có thể bắn hạ tên lửa nào bay vào không phận Nhật.

Giới phân tích cho rằng ứng cử viên đảng bảo thủ cầm quyền Park Geun-hye, con gái nhà lãnh đạo quân sự Park Chung-hee, có vẻ được thuận lợi hơn vì vụ phóng tên lửa khiến cử tri mong muốn một đường lối cứng rắn hơn nữa với Triều Tiên. Mặc dù bà Park bày tỏ sẵn sàng xây dựng cầu nối với Bình Nhưỡng, nhưng đảng của bà xem ra nghiêng về chủ chiến hơn, đặc biệt là khi so sánh với đảng Dân chủ Thống nhất đối lập của ứng cử viên Moon Jae-in. Ông Moon Jae-in được biết đến như là nhân vật thân cận hàng đầu của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, người tiếp tục chính sách thân thiện và trợ giúp Triều Tiên mà người tiền nhiệm Kim Dae-jung  đã khởi xướng.

Cộng đồng quốc tế hiện đang hết sức quan tâm đến động thái mới này của Bình Nhưỡng. Trong khi Mỹ và Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên bãi bỏ cuộc phóng thử này, thì Tokyo nói họ đang chuẩn bị bắn hạ tên lửa nếu nó bay ngang không phận và đe dọa lãnh thổ Nhật Bản.

Theo tin cho biết, Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về việc phóng thử tên lửa lần này của Triều Tiên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói: "Trung Quốc bày tỏ quan ngại về kế hoạch phóng tên lửa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Trung Quốc hy vọng các bên liên quan sẽ hành động để đưa tới tình trạng ổn định tại bán đảo Triều Tiên".

Ngoại trưởng Australia  Bob Carr đã lên án kế hoạch phóng tên lửa khi ông nói nó là "hành động khiêu khích không cần thiết". Theo ông Carr, cuộc phóng thử sẽ đe dọa tình trạng an ninh cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ và các đồng minh quân sự châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản khẳng định rằng vụ phóng thử này là sự ngụy trang thử nghiệm tên lửa đạn đạo, và vi phạm nghị quyết mà LHQ đã đưa ra sau 2 vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng vào năm 2006 và 2009.

Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Trường đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul cảnh báo rằng: “Việc phóng tên lửa, và nếu nó thành công, chắc chắn sẽ đem lại những lệnh trừng phạt hoặc là từ các nước riêng biệt hoặc từ một khối các nước liên quan. Triều Tiên lúc đó sẽ phản ứng mạnh, và lúc đó chúng ta lại sẽ bước vào vòng xoáy căng thẳng khác"

M.T. (tổng hợp)
.
.