Đình Kim Ngân bao giờ trở lại dáng xưa?

Thứ Ba, 08/07/2008, 15:00

Đình Kim Ngân ở số 42 phố Hàng Bạc  nằm trong dự án  di tích  sẽ được trùng tu và tôn tạo hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, ngày đại lễ đang đến gần mà việc trùng tu, tôn tạo dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Vì sao?

Ngôi đình 500 năm tuổi còn đâu?

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, đình Kim Ngân có từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI do ông Lưu Xuân Tín người làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương làm quan thời Vua Lê Thánh Tông đã đưa cả làng ra đây làm nghề đúc bạc cho triều đình, xây dựng nên. Đình Kim Ngân (ngân lượng trắng) thờ Hiên Viên là ông tổ bách nghệ của Trung Quốc, đồng thời cũng là ông tổ nghề lớn nhất Á Đông.

Loay hoay mãi chúng tôi mới nhận ra đình Kim Ngân nằm trong dự án di tích sẽ được trùng tu và tôn tạo hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Ngôi đình nhỏ bé nằm lọt thỏm tại số 42 phố Hàng Bạc. Không hoành phi, câu đối, không cột gỗ, mái cong, rồng chầu lân cuốn thường thấy ở các nơi thờ cúng. Thậm chí, hai quan ngài Thiện - Ác cũng không còn hiện hữu. Nơi đây, chỉ thấy một mái nhà cấp bốn trông cũ kỹ, ẩm thấp cửa đóng then cài, bên cạnh là con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, dẫn sâu vào trong.

Bước mươi bước đến cái sân con con có tí ánh sáng thì trùng trùng, điệp điệp, áo quần cái ướt cái khô, đủ các “phụ tùng” nam và nữ  treo lủng lẳng trên dàn dây thép nhằng nhịt, nước tong tỏng nhỏ xuống đầu khách. 

Hai bên đường đi trú ngụ hàng chục hộ dân, nhà nọ nép vào nhà kia, san sát, cái thò cái thụt... Những khoanh nhà nhỏ, chật chội, ánh sáng lờ mờ, nhếch nhác, “tố cáo” cảnh sống tạm bợ của người dân nơi đây. Đình Kim Ngân bị thu vào hơn chục mét vuông, cũng lư đồng, quan văn, quan võ đứng chầu hai bên, hương khói nghi ngút. Chỉ cách có mấy bước chân mà ở đây không khí tĩnh mịch, thư thái lạ thường, khác hẳn sự nhốn nháo bên ngoài.

Người làng Châu Khê kể: Đình khi xưa rộng lắm. Bây giờ vẫn còn bức tường cũ nửa thiên niên kỷ, nhưng từ khi có các hộ dân đến đây lập nghiệp, sinh con đàn cháu đống, thành ra đông đúc, nên mới chật hẹp thế này. Họ đến đây nương nhờ cửa đình vì nhiều lý do. Người thì chạy lũ mùa nước lên, người thì tránh bom đạn. Vì đình đẹp, sạch sẽ, có mái ngói, nên các hộ dân mới đầu là ở nhờ, ở tạm, sau thấy quen thì ở hẳn. Đất ngày xưa rẻ, lại là của chung, mỗi người đến xí một chỗ, nên đình mỗi ngày bị băm nhỏ băm nát, dần teo lại.

Hơn 100 nhân khẩu bám đình để sống

Sát vách căn phòng nhỏ, gian chính thờ ông tổ Bách nghệ là gia đình chị Nguyễn Thị Kim Anh. Hỏi chị về ông từ giữ đình, chị bảo ông mất cách đây cả trăm năm rồi. Chị là người ở Tô Tịch đến đây lấy chồng, nhà 5 nhân khẩu sống trong 12m2 được mua lại từ 30 năm trước. Chị cho biết đã nhận được giấy thông báo về việc giải tỏa di dời từ hơn tháng nay nhưng chị và hơn 20 hộ dân sẽ không đi đâu hết.

Chị bán bánh cuốn ở ngay trước của nhà, ngày cũng được vài chục nghìn đồng, đủ vợ chồng con cái nuôi nhau. “Bây giờ hai vợ chồng đứa con tôi thu nhập tháng 4 triệu, nếu sang chung cư hai đứa đi học sẽ mất bao nhiêu, còn lấy đâu tiền mà ăn”. “Đúng rồi, dân ở đây đều ra cửa bán hàng hết. Người thì bán nước, người thì bán ngô, toàn kiếm sống nhờ mặt đường buổi tối, đi khỏi đây thì chết đói à?”. Từ ngoài hành lang một bà trung tuổi đế thêm vào.

Họ nói: “Từ hồi chúng tôi ở đây đến giờ đố có thấy bóng ông nào, ông phường không, ông quận cũng không. Thế mà dạo này lại rầm rộ xuống ngó nghiêng đo đạc, hỏi han. Thử hỏi nếu người dân ở đây không có tâm thì đình còn nữa hay không, như bên số 50 kia kìa, trước đây cũng có ngôi đình như thế này nhưng giờ có còn dấu tích gì đâu”.

Rời khỏi nhà chị Anh, đi sâu vào trong, thì thấy khoảng 7, 8  người đàn ông mình trần quần đùi ngồi quanh chiếu bạc. Vòng sang bên phải gõ cửa một ngôi nhà có vẻ sáng sủa, khá giả nhất xóm, chị Thủy chủ hộ nói về việc di dời nếu được đền bù xứng đáng gia đình chị sẵn sàng đi. Nhưng chị cũng ái ngại: “Phải xem ý mọi người thế nào đã, chứ mình đồng ý đi, họ ghét lại bảo nhiều tiền thích chơi trội”.

Vòng ra ngoài đường gặp chị Trần Thị Hợp bán nước, chị bảo ở đây chật nhưng tiện gần trung tâm nên đi đâu cũng được, buôn bán gì cũng tốt, trẻ con học ở ngay đây. Chị bức xúc: “Chúng tôi dân nghèo lấy đâu ra điều kiện để đáp ứng các khoản phí của chung cư. Thường ở chung cư phải là những người thu nhập cao mới đáp ứng được”.  Theo chị, nhà chị chục người, ba thế hệ trong diện tích hơn 20m2, nhưng sống lâu thành quen, bây giờ nhà nước cho đến chỗ khác rộng hơn nhưng biết làm gì để sống.

Ngôi nhà ngoài phố đóng cửa im ỉm trước đây là gian chính của đình  nay là của UBND phường Hàng Bạc lấy làm thư viện kiêm nơi thông báo tạm trú, tạm vắng, chỉ có buổi tối mới hoạt động. Những gia đình trong diện giải tỏa của đình Kim Ngân một số có dính dáng đến lô, đề. Mới đây một cư dân bị siết nợ, phải gán ngôi nhà vừa xây cho người khác.

Nơi đây việc ra đi đồng nghĩa với mất miếng cơm, manh áo. Cũng bởi do mưu sinh mà họ đành tạm quên đi những nhu cầu cần thiết trong sinh hoạt. 3 ngôi nhà nằm cạnh nhau có công trình phụ khép kín còn lại hơn 20 hộ dân vẫn ngày ngày chung nhau một khu vệ sinh công cộng. Thử tưởng tượng ra cái cảnh người xếp hàng chờ nhau như chờ tàu trước giờ khởi hành. Thật kinh hãi!

Giải pháp nào để “giải phóng” ngôi đình?

Trong khu đình còn có hai cụ thân sinh ra ông Quang nguyên Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc. Cách đây ít lâu, theo như bà An - đại diện Ban liên lạc làng Châu Khê - nói lại, gia đình ông Lương đã có cuộc họp ở số nhà 57 để điều đình việc trả lại chỗ, vì nhà ông đã cơi nới, xây vào bức tường ngăn, dẫn đến dân chúng thập phương khó lễ bái. Nhưng từ khi hay tin có đền bù thì hai ông bà lại không nói gì đến chuyện này nữa.

Đến lễ đình thi thoảng có khách thập phương do được truyền miệng với nhau. Bởi nếu không được giới thiệu thì chẳng ai có thể mò ra có một nơi thờ bé tí, ở góc khuất trong con hẻm sâu đến vậy.

Những hộ kinh doanh trên phố Hàng Bạc đa phần là người làng Châu Khê, đã có những lúc họ sẵn sàng bỏ tiền túi để mong những hộ dân nơi đây di dời đến nơi khác trả lại cảnh quan cho ngôi đình đang bị xâm hại. Hội Kim hoàn Hà Nội cũng sẵn sàng bỏ kinh phí cùng với chính quyền khôi phục lại dáng xưa cho đình. Trong thâm tâm những người làm nghề vàng bạc vẫn canh cánh một nỗi niềm nhớ về ông tổ nghề. Có một điều lạ, hầu như con cháu đất làng Châu Khê không ai nghĩ rằng ngôi đình là thờ ông Hiên Viên, ông tổ bách nghệ Trung Quốc mà là thờ ông tổ của họ - người đúc bạc triều Lê.

Đình Kim Ngân được UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận Hoàn Kiếm tiến hành tái tạo và tu bổ. UBND quận lại giao cho Ban quản lý phố cổ Hà Nội trực tiếp khảo sát. Một ngôi đình cổ kính, hàng trăm năm tuổi gắn với làng nghề của dân tộc cần phải sớm được bảo tồn và trùng tu. Ý nghĩa tâm linh và vẻ đẹp văn hóa nằm trong cách hành xử của chúng ta hướng về đại lễ 1.000 năm Thăng Long mà đáng lẽ ra điều này phải được làm từ rất lâu rồi.

Ông Việt Anh (Phó trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội)   cho rằng: “Giá trị của phố cổ Hà Nội bao gồm cả vật thể và phi vật thể. Nhưng chính giá trị phi vật thể mới tạo ra được không gian, cái riêng biệt để gắn với người dân, gắn với du khách đến Hà Nội. Và sức sống của các làng nghề, phố nghề Hà Nội mới là một trong những giá trị vững bền của phố cổ Hà Nội”.

Ông Võ Hà Bắc (Phó chủ tịch UBND phường Hàng Bạc) cho chúng tôi biết: “Giải tỏa đình Kim Ngân là việc rất khó bởi các hộ dân ở đây nhiều và nghèo. Tôi thấy hình như chúng ta đang đi ngược, vì trước hết phải công nhận đình Kim Ngân là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hay thành phố đã rồi mới tính chuyện sang sửa trùng tu.

Như vậy mới có cơ chế làm việc chứ như hiện nay chẳng biết phải áp dụng quy chế nào?

Những hộ gia đình ở đây tuy không hộ nào có sổ đỏ nhưng cũng không phải do họ lấn chiếm... mà là tồn đọng do lịch sử. Nếu thành phố thực sự muốn phục hồi tôn tạo lại đình thì phải có chủ trương, dự án hẳn hoi, quan tâm đến nguyện vọng và sắp xếp hợp lý cho dân  thì họ chấp hành ngay chứ thực lòng không ai muốn sống ở một chỗ lụp xụp như thế”.

Gặp ông Lê Đức Bình, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án quận Hoàn Kiếm, nơi trực tiếp được giao trùng tu và tôn tạo một số công trình trọng điểm trong phạm vi của quận, ông cho biết, hiện giờ đình Hương Tượng ở phố Mã Mây và đền Bạch Mã ở ngã tư phố Hàng Buồm và Tạ Hiền cũng đang chậm tiến độ vì chưa giải tỏa hết hộ dân, đặc biệt là rất khó thuyết phục các hộ gia đình ở mặt đường. Vấn đề này do Ban giải phóng mặt bằng của quận Hoàn Kiếm chưa thương lượng được với người dân.

Câu chuyện về các hộ dân sinh sống ở đình Kim Ngân không phải là chuyện mới, nếu ai đó có thời gian, rảo bộ trên những con phố cổ của Hà Nội sẽ thấy không ít những ngôi đình, đền, chùa ngày đang bị làm chật, làm hẹp mà chẳng ai chịu nhận lỗi về mình

Mỹ Hiền
.
.