Đô đốc Dennis Cutler Balair được bổ nhiệm làm giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ

Thứ Năm, 15/01/2009, 16:15

Việc Đô đốc Dennis Cutler Blair được Tổng thống mới đắc cử Barack Obama đề cử giữ chức Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia hôm 10/1 được dư luận cũng như giới chuyên môn bình luận khá sôi nổi bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thứ nhất, cựu quân nhân được đào tạo cơ bản. Ông sinh năm 1947 trong một gia đình ở thành phố Kittery, bang Maine có tới 5 đời phục vụ trong lực lượng Hải quân Mỹ, được giới chuyên môn đánh giá là người túc trí đa mưu và sau 34 năm phục vụ quân ngũ, ông Dennis Cutler Blair đã nghỉ hưu với hàm tướng 4 sao. Ngoài biệt danh túc trí đa mưu, ông Dennis Cutler Blair còn được mọi người gọi với danh hiệu “kẻ tham việc”. Ông Dennis Cutler Blair từng được đào tạo tại Học viện Hải quân và đã tốt nghiệp Trường Oxford với tấm bằng thạc sĩ. Ông Dennis Cutler Blair cũng từng làm Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương và làm việc tại Hội đồng An ninh quốc gia kiêm sĩ quan liên lạc quân sự của CIA.

Thứ hai, được nhiều người khen ngợi. Chủ tịch Tiểu ban Thượng viện về các lực lượng vũ trang, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Daniel Akaka đánh giá cao Đô đốc Dennis Cutler Blair sau khi ông được Tổng thống mới đắc cử Barack Obama bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia. Phó chủ tịch Ủy ban Thượng viện về tình báo của Quốc hội, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Christopher Bond cũng từng ca ngợi ông Dennis Cutler Blair - tôi đánh giá cao Đô đốc Dennis Cutler Blair trong quá trình phục vụ 34 năm tại quân đội.

Thượng nghị sĩ Christopher  Bond nhấn mạnh, Mỹ cần một người đứng đầu cơ quan tình báo đủ bản lĩnh và kiên quyết để có thể làm việc với Bộ Quốc phòng - tăng cường sự hợp tác giữa tình báo với quốc phòng. Trong thời gian đảm trách cương vị Đô đốc, ông Dennis Cutler Blair  có mối quan hệ khá mật thiết với cựu Tổng thống Bill Clinton bởi trước đó họ từng học tại Trường đại học Oxford ở Anh.

Thứ ba, bề dày kinh nghiệm. Trong thời gian tại ngũ, ông Dennis Cutler Blair từng đảm trách cương vị Đô đốc, Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương. Vì có 13 năm làm việc với CIA nên giới chuyên môn rất kỳ vọng vào sự hợp tác giữa ông Dennis Cutler Blair với tân Giám đốc CIA Leon Edward Panetta. Nên nhớ, năm 1995, ông Dennis Cutler Blair từng là trợ lý cho Giám đốc CIA James Woolsey. Cách đây 6 năm (2003-2008), ông Dennis Cutler Blair từng lãnh đạo Viện Phân tích quốc phòng ở Washington, chuyên về các dự án trong lĩnh vực an ninh quốc gia theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc.

Ngoài việc thông thạo tiếng Nga, ông Dennis Cutler Blair còn khá am hiểu tình hình Trung Quốc, đồng thời là một chuyên gia về các nước châu Á. Trong thời gian làm Đô đốc các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương (1999-2002), ông Dennis Cutler Blair rất coi trọng công tác thu thập, phân tích và đánh giá các tin tức tình báo. Những báo cáo tổng hợp của ông Dennis Cutler Blair thời kỳ này được giới chuyên môn cũng như lãnh đạo các cấp đặc biệt coi trọng.

Thứ tư, có tác phong riêng. Đô đốc Dennis Cutler Blair là một trong những quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ bác bỏ quan điểm “mối nguy hại từ Trung Quốc” và ông cũng là người thúc đẩy mối giao lưu giữa 2 cơ quan tình báo Mỹ và Trung Quốc kể từ sau “sự kiện 11/9/2001”. Giới quân sự từng coi ông Dennis Cutler Blair là người thuộc “phái tiếp xúc với Trung Quốc” trong Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông Dennis Cutler Blair từng tuyên bố, Trung Quốc còn kém Mỹ về kỹ thuật cũng như chiến lược quân sự từ 20 đến 30 năm. Và trong thời gian trước mắt, Trung Quốc không phải là đối thủ của Mỹ trong lĩnh vực quân sự. Tổng thống Bush và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Henry Rumsfeld từng đánh giá cao những kiến giải độc đáo của ông Dennis Cutler Blair về chiến lược quân sự Mỹ khi bước vào thế kỷ XXI.

Thứ năm, trách nhiệm nặng nề. Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia là người chỉ đạo hoạt động của cộng đồng an ninh tình báo Mỹ gồm 16 cơ quan khác nhau. Một trong những thách thức lớn nhất của ông Dennis Cutler Blair là phối hợp nhịp nhàng với 16 cơ quan tình báo, cũng như cải thiện việc chia sẻ thông tin trong ngành tình báo và với các quan chức ở mọi cấp độ trong chính phủ. Giới chuyên môn cho biết, mục đích của việc thành lập Cơ quan Tình báo quốc gia là để cải thiện sự hợp tác giữa 16 cơ quan tình báo khác nhau trên khắp nước Mỹ, cũng như sự liên hệ với Bộ Quốc phòng và những cơ quan hữu quan khác trong Chính phủ Mỹ.

Hiện Cơ quan Tình báo quốc gia hoạt động với khoảng 1.500 nhân viên, chủ yếu lấy từ CIA, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan hữu quan khác. Trước đây, Tổng thống Mỹ luôn đọc bản tin tổng hợp do CIA đệ trình, nhưng kể từ khi Cơ quan Tình báo quốc gia được thành lập, việc này giao cho người mới và đây là một thách thức không nhỏ đối với ông Dennis Cutler Blair. Tổng thống mới đắc cử Barack Obama hy vọng ông Dennis Cutler Blair sẽ sớm tạo ra sự thay đổi trong ngành tình báo.

Thứ sáu, những sự khác biệt. Mặc dù mới thành lập được gần 4 năm (từ tháng 4/2005), nhưng Cơ quan Tình báo quốc gia đã thay tới 3 đời giám đốc. Tuy không xuất thân từ tình báo hay quân đội, nhưng nhà ngoại giao John Dimitri Negroponte vẫn được Tổng thống Bush bổ nhiệm làm người đầu tiên đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc gia. Vì là “gà nòi ngoại giao” nên ông John Dimitri Negroponte đã được bà Condoleeza Rice mời về làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, chuyên trách những vấn đề “khó nhằn” tại cơ quan này. Người tiền nhiệm của ông Dennis Cutler Blair là đương kim Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia John Michael McConnell. Ông John Michael McConnell đảm trách cương vị Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia (từ ngày 20/2/2007) từ người tiền nhiệm John Dimitri Negroponte.

Vì từng được đào tạo tại các trường quân đội và tình báo, hơn nữa từng là Giám đốc Cục An ninh quốc gia (1992-1996) nên ông John Michael McConnell đã được đề cử đảm trách chiếc ghế Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia sau khi ông John Dimitri Negroponte rời khỏi cương vị này. Việc đề cử ông Dennis Cutler Blair, Đô đốc Hải quân thay thế Phó Đô đốc Hải quân John Mike McConnell được coi là sự đi lên của Cơ quan Tình báo quốc gia

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.